Nhạc sĩ Nguyễn Công Phương Nam: Về, vì đã đến lúc...

29/01/2017 - 16:00

PNO - Người của jazz có chút gì đó rất quái, cả về cách nghĩ lẫn cách thể hiện. Thế nhưng, Nguyễn Công Phương Nam mang vẻ ngoài giản đơn, qua các câu chuyện anh mới hé lộ một chút về mình.

Năm 2010, album Li ti của Tùng Dương đoạt giải thưởng Cống hiến, và nhờ những sáng tạo độc đáo các bản phối của album này mà Tùng Dương cũng bước lên bục nhận danh hiệu Ca sĩ của năm. Khi ấy, giới phê bình dành chú ý đến cái tên Nguyễn Công Phương Nam, người đã rời Việt Nam 20 năm, tác giả hòa âm phối khí Li ti. Nguyễn Công Phương Nam sau đó được nhắc đến khi Đoan Trang giới thiệu album Un make-up, Lê Hiếu với Dạ khúc dương cầm, Đức Tuấn với Requiem… 

Khi ấy, công chúng vẫn chỉ biết đó là những sản phẩm âm nhạc hoặc được hòa âm “rất Tây”, hoặc đạt chất lượng âm thanh của phòng thu từng đoạt giải Grammy, và với dàn nhạc thính phòng của ban nhạc jazz ở Đức... còn chân dung anh vẫn chỉ dừng lại ở một cái tên. Cho đến khi vở nhạc kịch Chuyện tình nàng Giáng Hương được giới thiệu,  công chúng thấy rõ về Nguyễn Công Phương Nam trong cái nhìn gần hơn.

"Từ 5 tuổi tôi đã học piano, sau hệ trung cấp 11 năm thì tôi làm nhạc công. Nghe thì “dữ dằn” thế nhưng trong nhà không có được cái máy nghe nhạc, có mỗi cây đàn piano gãy chân. Rồi, chỉ cho đến khi tôi nghe người ta chơi jazz và bị cuốn vào thứ âm nhạc liêu trai đó, tôi mới nhận ra lâu nay mình như ếch ngồi đáy giếng, vậy là tìm tòi học hỏi và luyện tập. 

, anh nói.

- Vài năm trước ca sĩ muốn được anh làm album cho thì phải bay sang Đức vài bận, giờ thì anh đã ở ngay tại Việt Nam. Sự dịch chuyển về không gian này nói lên điều gì?

- Tôi muốn được làm gì đó để đóng góp cho âm nhạc Việt Nam. Tôi nghĩ mình là người được học hành, được cọ xát với môi trường tốt, giờ đã đến lúc mình cần phục vụ cho quê hương, được bao nhiêu hay bấy nhiêu. Suy nghĩ này đã có ở tôi từ ngày tôi ra đi khi 21 tuổi.  Hơn 20 năm nay tôi không quên được cội nguồn, tôi luôn nghĩ có như thế nào thì mình cũng sẽ phải quay về. Tôi hiểu điều đó và chục năm qua tôi đều đi đi về về, chỉ là chưa kết nối được nhưng vẫn về tìm sự hợp tác.

Những năm đầu, dù cứ muốn làm này làm kia nhưng công việc chưa tới, mỗi chuyến về ấy chỉ như một bận thăm viếng, nó khiến tôi bứt rứt. Tình trạng đó kéo dài đến mấy năm, thật lòng là có khi quay lại máy bay về Đức mà lòng tôi bực dọc vô cùng. Nhưng, nhìn lại thì đó là những viên gạch đầu tiên để tôi kết nối được với các nghệ sĩ trẻ như Tùng Dương, Đoan Trang, Đức Tuấn... Họ tò mò về việc cộng tác với một người được cọ xát môi trường quốc tế như tôi thì như thế nào.

Họ làm việc với nhạc sĩ trong nước nhiều rồi, và họ cần cái gì đó mới mẻ và tôi là lựa chọn của họ. Họ sang tận Đức vì muốn được thu âm trong một phòng thu tiêu chuẩn quốc tế. Chúng tôi giống nhau ở điểm luôn muốn làm một cái gì đó cao hơn nữa cho nhạc Việt, trong tầm khả năng của mình. Năm 2016 quả thật là tôi về Việt Nam nhiều. Về đây rồi tôi được mời hợp tác với vài dự án khác, rất thích thú và hứa hẹn nhiều thứ
cho 2017.

Nhac si Nguyen Cong Phuong Nam: Ve, vi da den luc...
 

- Với những người ra đi, thực tế thì người ta thường chỉ về khi cơ hội làm nghề ở xứ người gặp nhiều khó khăn. Liệu có quá đáng không nếu đặt câu hỏi về sự va chạm nghề nghiệp của anh nơi ấy?

- Cho đến bây giờ nhiều người vẫn ngạc nhiên không hiểu vì sao tôi lại được chọn vào BigBand, thuộc Không quân Đức. Chúng tôi chơi jazz cho các sự kiện ngoại giao mang tầm quan trọng, đi lưu diễn và kết giao với những tên tuổi lớn của thế giới. Điều khiến tôi thấy vui là mình có vị trí khá tốt trong dàn nhạc BigBand. Tôi được chọn ngày nghỉ cho mình, ngoài ngày phép chính thức ra tôi còn được phép nghỉ 10 buổi biểu diễn trong một năm tùy theo mình chọn.

Ở một khía cạnh nào đó, BigBand khá coi trọng và ủng hộ việc tôi quay về Việt Nam và làm gì đó cho nhạc Việt. Họ cho rằng nếu một người được tự do làm công việc của mình, người đó sẽ mang sự tự do và cá tính, sự cọ xát ấy phục vụ tốt hơn cho dàn nhạc. Các dàn nhạc khác đều không chấp nhận nhạc sĩ thuộc biên chế của mình có công việc riêng. BigBand mang một tư duy lớn hơn.

Tôi nhận được nhiều điều từ BigBand: một công việc được nhiều người xem trọng, đủ sức sống với nghề, và quan trọng hơn hết là môi trường đó, công việc đó bắt tôi phải luôn cập nhật, luôn phải tìm tòi mà không thể đứng yên. Trải qua bao nhiêu năm với môi trường đó khiến tôi đủ tự tin để nghĩ rằng đã đến lúc mình có thể đóng góp một cái gì đó cho nhạc Việt.

Đó là một thôi thúc, vì ngoài kiến thức được đào tạo tôi còn có kinh nghiệm lẫn mối quan hệ với nhiều người giỏi của thế giới, đó là một điều quý giá cho hành trình thử tìm kiếm cơ hội cho nhạc Việt.

- Nhắc tới Chuyện tình nàng Giáng Hương anh đã làm, vậy với trải nghiệm của mình về nhạc kịch, anh thấy Việt Nam đã đủ sức với tới thể loại này chưa?

- Nói đủ thì không bao giờ đủ đâu, vì yêu cầu về chuyên môn ngày càng cao mà Việt Nam mình lại đi sau các nước khác rất nhiều. Ngày mai chúng ta có thể đạt được những yêu cầu mà thế giới hôm nay đặt ra, nhưng ở ngày mai đó yêu cầu của thế giới đã cao hơn một bậc nữa rồi. Chúng ta đã có nhà hát nào đạt yêu cầu của musical đâu. Nhà hát opera thì có thể, nhưng musical thì chưa, nó đòi hỏi nhiều hơn.

Rồi thì con người, chúng ta hiện nay chỉ đào tạo hoặc ca sĩ thì không diễn xuất và múa được, hoặc diễn viên thì diễn được nhưng không biết hát… đâu có nơi nào đào tạo người vừa hát vừa biết nhảy vừa diễn xuất theo yêu cầu của musical. Dẫu vậy chúng ta vẫn có một cái cực kỳ đủ, là sự dũng cảm và đam mê. Chúng ta biết cách “sống với lũ” và biết khắc phục khó khăn. Chúng ta có khao khát và cố gắng đạt được khao khát đó, đó là điều rất cần thiết để cải thiện nền âm nhạc.

Tôi tin là khi chúng ta vẫn giữ được đam mê và sự dũng cảm, chúng ta sẽ tiến lên nhanh hơn, làm tốt hơn.

Nhac si Nguyen Cong Phuong Nam: Ve, vi da den luc...
 

- Anh thích thú trong việc cộng tác với nhiều ca sĩ trẻ nhưng thật ra trong giới nhạc người ta vẫn mặc định cái tên Nguyễn Công Phương Nam là ở phân khúc cao. Làm sao để những người trẻ “chưa cao” kia gặp được anh?

- Thầy tôi từng nói rằng trên đời này không có loại nhạc nào là đẳng cấp, chỉ có nhạc hay hoặc nhạc dở. Tôi cũng từng bị các bạn thuộc âm nhạc cổ điển lôi ra khích bác hay mỉa mai, thế này mới đúng thế kia là sai. Tôi vì thế chẳng bao giờ nghĩ mình thuộc về một đẳng cấp nào cả. Chúng ta cứ làm nhạc cho hay đi, đừng lạm dụng khái niệm này hay định nghĩa.

Các bạn trẻ, nếu các bạn thật sự yêu nhạc thì không quan trọng các bạn có học hay không học, các bạn nhiều tiền hay ít tiền, hãy tìm nhau và hãy trao đổi với nhau. Nếu các bạn bị định kiến gì đó về thấp với cao, không sao cả. Châu Âu mất đến mấy mươi năm mới chấp nhận jazz và pop là một khoa chính thức trong nhạc viện, và phong hàm giáo sư cho những người dạy. Những người của jazz và pop, họ cũng chiến đấu như các bạn trẻ của chúng ta bây giờ, để được các giáo sư nhạc cổ điển chấp nhận.

Bản tính người Việt là nhạy bén và chịu khó, các bạn rất chịu khó nghe, học hỏi và khắc phục được khó khăn mình gặp phải. Không phải cái gì học thuật cũng quyết định hết đâu, sáng tạo của con người là vô biên, nhất là khi người ta làm vì đam mê thì họ sẽ là người chiến thắng. Như Lê Cát Trọng Lý, Phan Lê Ái Phương… họ có cá tính và dám thử thách mình.

 Sự phân định “cao - thấp” trong âm nhạc thì chẳng cứ ở Việt Nam, nước ngoài cũng thế mà. Họ cũng “chiến đấu” với nhau suốt thôi. Chả sao cả, cả hai bên đều tồn tại song song, dĩ nhiên tồn tại như thế nào là việc của mỗi bên tự lo. Và chỉ có cách là tự lo sao cho mình tốt nhất, hấp dẫn nhất - sẽ tới được với công chúng!

- Xin cám ơn anh! 

Võ Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI