Nhà trường đã hành xử phản giáo dục

11/08/2016 - 13:09

PNO - Lứa tuổi cấp II-III vốn rất nhạy cảm lại chưa hình thành hoàn chỉnh nhân cách, do đó sẽ rất tốt nếu thông qua giáo dục, nhà trường hướng các em nhận diện được chính mình, biết quý trọng bản thân và tôn trọng người khác.

Bài “Bức xúc vì trường không nhận học sinh đồng tính” trên báo Phụ Nữ ngày 5/8/2016, đăng liền sau sự kiện phu nhân Thủ tướng Singapore thăm Nhà Trắng với chiếc ví được làm bởi học sinh tự kỷ, cho thấy sự tương phản kinh khủng trong hành xử đối với các học sinh đặc biệt.

Thật ra, tự kỷ không hẳn đã kém tử tế, kém thông minh. Các học sinh đồng tính lại càng gần với người bình thường hơn nhiều. Các em hoàn toàn giống với đám đông, chỉ khác biệt duy nhất là ở xu hướng tính dục - điều mà bản thân mỗi người không ai được quyền chọn lựa. Vậy thì hà cớ gì nhà trường cố tình phân biệt đối xử, công khai từ chối các em bằng một thông báo rõ ràng, còn xếp các em chung vào nhóm bệnh nguy hiểm, lây nhiễm (“Học sinh đồng tính hoặc bệnh nguy hiểm, lây nhiễm không nhận ở nội trú”). Chẳng lẽ nhưng người mang tiếng là đang là công tác giáo dục ấy không biết là từ lâu thế giới đã không xem đồng tính là bệnh và không cần phải chữa trị, cách ly?

Nha truong da hanh xu phan giao duc
Ảnh: Dân Trí

Càng tệ hơn khi nhà trường còn cố lấp liếm “...sợ các em ôm ấp với nhau”. Xin thưa, ôm ấp là một trong những cách thể hiện cảm xúc của mọi con người, không phải là hành động riêng của nhóm đồng tính. Người có giáo dục sẽ biết tiết chế và thể hiện cảm xúc thế nào cho phù hợp với từng hoàn cảnh. Do đó, nếu được dạy dỗ đàng hoàng, các em đồng tính cũng sẽ không làm những chuyện phản cảm trong trường lớp, trước đám đông. Nhà trường nhất quyết “đã vào trường thì nữ phải ra nữ và nam phải ra nam”, nhưng có những em rõ ràng không là nam cũng chẳng là nữ thì phải thể hiện thế nào?

Có những em đau khổ trong vỏ bọc khác giới mà cứ bắt các em phải đóng kịch cho tròn vai là việc quá sức đối với lứa tuổi ẩm ương này. Nhà trường cũng không thể thản nhiên: “Học trường này không được thì đi học trường khác”. Nếu trường nào cũng có kiểu kỳ thị như Trường THCS và THPT Việt Anh thì các em ấy sẽ học ở đâu? Một văn bản công khai trái luật và bất cận nhân tình như thế đã bộc lộ lối hành xử phi giáo dục và thiếu nhân văn, đặc biệt là trong môi trường giáo dục.

Thực tế ở nước ta cũng như trên khắp thế giới, biết bao người đồng tính, dù sống lặng thầm hay công khai, vẫn rất có tài có tâm, nắm giữ những vị trí quan trọng trong xã hội, có những đóng góp không thể phủ nhận cho nhân loại. Thử hỏi họ được đào tạo từ đâu? Chắc chắn là họ đã trưởng thành từ một môi trường giáo dục tử tế và đã nhân rộng sự tử tế ấy cho đời. Cũng có một số người đồng tính gieo rắc rối cho đám đông, phải chăng họ là sản phẩm từ một môi trường đầy dẫy sự kỳ thị phũ phàng? Thậm chí, một bộ phận người đồng tính, vì bị phân biệt đối xử, đã dẫn đến những phản ứng tiêu cực, tự hủy hoại bản thân. Bằng lập trường của mình, thử hỏi Trường Việt Anh đã chọn cách tác động thế nào lên nhóm học sinh đồng tính này? Các em có tội tình gì?

Lứa tuổi cấp II-III vốn rất nhạy cảm lại chưa hình thành hoàn chỉnh nhân cách, do đó sẽ rất tốt nếu thông qua giáo dục, nhà trường hướng các em nhận diện được chính mình, biết quý trọng bản thân và tôn trọng người khác. Lẽ nào những người làm giáo dục không hiểu được điề u đơn giản đó?

Kim Oanh (76/1D Nguyễn Sơn, P.Phú Thọ Hòa, Q.Tân Phú, TP.HCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI