Nhà thờ Đức Bà Paris, nguồn cảm hứng cho nhiều tác phẩm nghệ thuật

16/04/2019 - 15:39

PNO - Trong nhiều tác phẩm nghệ thuật, nhà thờ Đức Bà Paris xuất hiện không chỉ với tên gọi của một công trình kiến trúc mà ở đó, những câu chuyện được tạo thành từ tình yêu, lòng thù hận, từ đức tin, hơi thở cuộc sống...

Tiểu thuyết Nhà thờ Đức Bà Paris khởi nguồn cho loạt tác phẩm nghệ thuật

Nhà thờ Đức Bà Paris (tiếng Pháp: Notre-Dame de Paris, ra mắt 1831) là tiểu thuyết của đại văn hào Pháp Victor Hugo. Năm 1828, Victor Hugo nảy ra ý định muốn viết một cuốn tiểu thuyết về nhà thờ nổi tiếng ở thủ đô Paris (Pháp). Để thực hiện mong muốn, đại văn hào nhiều lần đến nhà thờ Đức Bà Paris ngắm kiến trúc cổ và “vẽ” ý tưởng về cuốn tiểu thuyết có tính chất lịch sử lấy bối cảnh Paris thời Trung cổ.

Nha tho Duc Ba Paris, nguon cam hung cho nhieu tac pham nghe thuat
Tiểu thuyết Nhà thờ Đức Bà Paris cùng vẻ đẹp lãng mạn, cổ kính từ nhà thờ Paris trở thành cảm hứng cho nhiều tác phẩm nghệ thuật.

Trong tiểu thuyết, Victor Hugo muốn ngôi nhà thờ cổ kính tráng lệ vượt lên trên mọi thách thức của thời gian và tất cả biến cố. Đặc biệt, trong tiểu thuyết, tác giả có mô tả đám cháy lớn và hiện tại, ngay sau vụ cháy vào tối 15/4 (giờ Việt Nam), chi tiết đám cháy đang được lan truyền mạnh như một lời tiên tri của Victor Hugo ngày trước. 

Những đau đớn gắn liền với các nhân vật và ngôi nhà thờ phủ lên tiểu thuyết Nhà thờ Đức Bà Paris một màu sắc ma mị, cuốn hút. Đáng kể nhất là câu chuyện tình đau khổ giữa Quasimodo, một tên gù mồ côi giữ nhiệm vụ kéo chuông tại Nhà thờ Đức Bà Paris và người đẹp Digan Esméralda trong tiểu thuyết đã ám ảnh người xem nhiều thế hệ.

Từ tiểu thuyết, nhiều tác phẩm nghệ thuật khác lấy cảm hứng câu chuyện/nhân vật đã được thực hiện. Trong đó, nhiều tác phẩm ở thể loại điện ảnh, truyền hình, nhạc kịch, sân khấu trở nên nổi tiếng. 

Bộ phim The hunchback of Notre Dame (Thằng gù nhà thờ Đức bà, ra mắt năm 1939)

Có hơn 10 tác phẩm điện ảnh lấy cảm hứng từ cuốn tiểu thuyết của đại văn hào Pháp Victor Hugo nhưng không thể không nhắc đến bộ phim The hunchback of Notre Dame ra mắt năm 1939. Bộ phim do William Dieterle đạo diễn được xem là tác phẩm chuyển thể kinh điển. 

Nha tho Duc Ba Paris, nguon cam hung cho nhieu tac pham nghe thuat
The hunchback of Notre Dame phiên bản năm 1939 được đánh giá là tác phẩm điện ảnh tốt nhất được chuyển thể từ tiểu thuyết.

Phim được quay trắng đen với sự hạn chế tối đa kỹ xảo điện ảnh, cũng nhờ vậy hình ảnh trong bộ phim trung thực, cảnh đẹp của Nhà thờ Đức Bà cũng hiện lên nguyên bản nhất. Phim có sự tham gia của Charles Laughton, Maureen O'Hara và Thằng gù nhà thờ Đức Bà là bệ phóng cho sự nghiệp của cặp diễn viên tài ba.

Thằng gù nhà thờ Đức Bà phiên bản hoạt hình năm 1996

Bộ phim Thằng gù nhà thờ Đức Bà của hãng Disney nhanh chóng gây được sự chú ý khi đưa những nhân vật quen thuộc với khán giả vào thế giới hoạt hình. Đạo diễn của bộ phim này là Kirk Wise và Gary Trousdale, từng đạo diễn cho bộ phim Người đẹp và quái thú năm 1991.

Nha tho Duc Ba Paris, nguon cam hung cho nhieu tac pham nghe thuat
Thằng gù nhà thờ Đức Bà phiên bản hoạt hình năm 1996 đạt doanh thu hơn 70 triệu USD.

Với phiên bản hoạt hình, Thằng gù nhà thờ Đức Bà giữ lại phần lớn cốt truyện từ tiểu thuyết, nhưng có một số thay đổi để phù hợp với khán giả nhỏ tuổi. Ngoài ra, bộ phim chú trọng vào phần âm nhạc để đẩy cảm xúc người xem. Với hơn 70 triệu USD doanh thu, lọt vào đề cử cho cả hai giải Oscar và Quả cầu vàng, Thằng gù nhà thờ Đức Bà chiếm trọn tình cảm của khán giả mọi lứa tuổi.

Thằng gù nhà thờ Đức Bà phiên bản truyền hình 

Các năm 1966, 1977, 1982, 1986 khán giả truyền hình đều được xem Thằng gù nhà thờ Đức Bà dưới nhiều hình thức khác nhau. Trong đó, năm 1986, Thằng gù nhà thờ Đức Bà ra mắt phiên bản hoạt hình nhiều tập. 

Nha tho Duc Ba Paris, nguon cam hung cho nhieu tac pham nghe thuat
Ngoại hình của nhân vật Quasimodo phiên bản năm 1986.

Nếu sau đó, bản hoạt hình chiếu rạp năm 1996 sắc nét, sống động hơn về mặt chất lượng hình ảnh, âm thanh thì phiên bản năm 1986 là lần đầu khán giả được thưởng thức Thằng gù nhà thờ Đức Bà dưới dạng hoạt hình. Tuy nhiên, với tạo hình hung dữ hơn phiên bản của Disney, phiên bản năm 1986 vẫn tạo được ấn tượng nhất định.

Âm nhạc cất lên từ Nhà thờ Đức Bà Paris

Nhà thờ Đức Bà Paris là cảm hứng cho nhiều ca khúc ra đời. Trong đó, đáng kể đến là tác phẩm The hunchback of Notre Dame của Alec R.Costandinos và Dàn nhạc Giao hưởng Syncophonic Orchestra ra đời năm 1977. Ngoài ra, The hunchback của Some Say Leland lay động trái tim khán giả vì những giai điệu lúc trầm lắng khi rộn ràng khắc họa được 2 mặt đối lập giữa khung cảnh yên bình và những biến cố đã từng xảy ra với nhà thờ; giữa cuộc tình lãng mạn và đau khổ của Quasimodo và người đẹp Digan Esméralda.

Nha tho Duc Ba Paris, nguon cam hung cho nhieu tac pham nghe thuat
The hunchback of Notre Dame của Alec R.Costandinos được in đĩa.

Bên cạnh đó, phải kể đến vở nhạc kịch Nhà thờ Đức Bà Paris ra mắt năm 1998, tại Cung Hội nghị Paris. Vở nhạc kịch dựa trên tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Victor Hugo. Phần nhạc và lời lần lượt do Richard Cocciante và Luc Plamondon phụ trách. Vở nhạc kịch tiếng Pháp do đạo diễn Gilles Maheu thực hiện được đánh giá cao từ khán giả và giới chuyên môn.

Những tác phẩm sân khấu nổi tiếng

Cuốn tiểu thuyết Nhà thờ Đức Bà Paris còn được chuyển thể thành tác phẩm sân khấu vào năm 1977, được diễn tại Nhà hát Quốc gia Hoàng gia ở Luân Đôn, Anh. Sau sự đón nhận nồng nhiệt của khán giả, điều đáng tiếc, vở kịch không được trình diễn nhiều nơi. Mãi đến năm 2010, Nhà thờ Đức Bà Paris mới được trình diễn lại tại The Pleasance như một phần không thể thiếu của lễ hội Edinburgh Fringe.

Những vũ điệu ba-lê quyến rũ

Nhiều vở ba-lê lấy cảm hứng từ vẻ đẹp thơ mộng của Nhà thờ Đức Bà Paris ra mắt khán giả. Trong nhiều cột mốc thời gian khác nhau, cùng với sự phát triển của nghệ thuật, những vở ba-lê xuất hiện dưới nhiều quy mô, chất lượng chênh lệch.

Nha tho Duc Ba Paris, nguon cam hung cho nhieu tac pham nghe thuat
Vở ba-lê lấy cảm hứng từ cuốn tiểu thuyết Nhà thờ Đức Bà Paris vẫn được diễn thường xuyên.

Đáng kể là vở ba-lê năm 1965 có tên Notre-Dame de Paris do Roland Petit biên đạo, công diễn tại Nhà hát Ba-lê Paris; vở The Hunchback of Notre Dame (1998) do Michael Pink biên đạo và đạo diễn; vở Ringaren i Notre Dame (tiếng Thụy Điển, tạm dịch: Người rung chuông Nhà thờ Đức Bà) do Par Isberg biên đạo công diễn vào ngày 3/4/2009 tại Nhà hát Ba lê Hoàng gia Thụy Điển.

Minh Tú

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI