Nhà sáng chế lớp Bảy xuất máy nông nghiệp đi Tây

25/01/2021 - 07:30

PNO - Từng là chủ trang trại canh tác nông sản sạch, rồi sạt nghiệp, nợ nần nhiều, ông Phạm Văn Hát phải đi xuất khẩu lao động. Thấy làm việc bằng sức người nơi xứ lạ khổ quá, ông chế đủ các loại máy móc, dụng cụ; đang được chủ đãi ngộ tốt thì bỏ về quê mở xưởng cơ khí.

Đến nay, ông Hát đã sáng chế hơn ba mươi loại máy móc nông nghiệp. Đặc biệt, máy gieo hạt tự động của ông được xuất sang châu Mỹ, châu Âu.

Khởi đầu từ thất bại

Nhà đông anh chị em nên hết lớp Bảy, cậu bé Hát đã phải nghỉ để vừa phụ việc, vừa học nghề cơ khí kiếm sống. Sau mười năm học hỏi, tích lũy, ông mở xưởng cơ khí tại nhà (thôn Kim Đôi, xã Ngọc Kỳ, H.Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương).

Công việc ổn, ông mua được xe tải nhỏ chở hàng. Những ngày chở thuê nông sản lên Hà Nội, thấy nhu cầu về rau an toàn của người dân rất lớn, ông bàn với vợ thuê ruộng để sản xuất nông sản sạch.

Ông Hát
Ông Phạm Văn Hát  bên những chiếc máy tự tay sáng chế

Bấy giờ, cả tỉnh chưa có ai bỏ ra đến 60 triệu đồng mỗi năm để thuê 8 mẫu (28.800m2) ruộng. Mọi người nói vợ chồng ông liều. Nhưng hai năm sau, với hơn 40 loại rau, củ, quả; mỗi ngày cho thu hoạch 5-7 tạ, ông thu về từ 3-5 triệu đồng. Mười bốn năm trước, cơ sở của ông đã được chứng nhận sản xuất, sơ chế rau quả an toàn theo tiêu chuẩn VietGap. 

Trước khi làm, ông Hát đã tính toán rất kỹ các rủi ro và khó khăn, nhưng có một điều mà ông không lường trước được, ấy là việc “đánh lận con đen” của không ít “gian thương”. Rau ông trồng tuân thủ quy trình nghiêm ngặt nên giá luôn ổn định. Còn rau không có nguồn gốc thì biến động nay đắt, mai rẻ.

Những lúc rau trên thị trường xuống giá, người ta nhập hàng của ông chỉ một phần nhỏ, phần lớn là thu mua ở các chợ. Họ sẵn sàng mất số tiền đã đặt cọc, sẵn sàng phá hợp đồng đã ký với ông. Sản lượng bán ra ít dần, rau đến kỳ thu hoạch không có người mua.

Sau ba năm, trang trại của ông không trụ được nữa, số tiền đầu tư vào đó âm đến cả tỷ đồng. Vừa chán nản, vừa rơi vào bước đường cùng, ông đi xuất khẩu lao động. Nơi xứ người, ông làm thuê cho một trang trại. Cũng từ đây, cái “nghiệp” sáng chế của ông bắt đầu.

Ba ngày chế tạo xong máy rải phân

Ngày đầu tiên làm việc ở Israel, ông Hát rất choáng, cũng trồng rau như ở Việt Nam, nhưng đến 200ha trang trại mà không thấy họ tưới bao giờ. Tất cả hệ thống tưới nước đều “hạ thổ”, độ ẩm của đất được đo bằng chip điện tử, tự động tưới, tự động ngắt. Máy cày của họ thì chạy một đường đã xong luống 40m2…

Máy phun thuốc trừ sâu “made by Hat”
Máy phun thuốc trừ sâu “made by Hat”

Chủ trang trại giao cho ông Hát việc rải phân. Ông kể: “Xe kéo có một cái gàu to gắn phía sau, nó kéo cái gàu chứa phân ấy đi; còn mình vừa chạy theo xe, vừa cầm cuốc với, bổ vào cái gàu để kéo phân xuống.

Trang trại rộng, ngoài trời nắng nóng đến 60°C, lại làm tám tiếng một ngày như giờ hành chính. Đến ngày thứ ba không thể chịu được nữa, tôi mới “chửi”: tưới nước bằng chip điện tử được, mà có mỗi cái việc rải phân lại bắt công nhân chạy như trong… phim hoạt hình. 

Lúc ấy, tôi đã nghĩ đến cái máy rải phân. Sáng hôm sau, tôi vẫy ông chủ ra, chỉ vào cái xe kéo phân rồi vẽ sơ đồ xuống đất, khoa chân múa tay ý bảo ông quá tốn thời gian và sức người cho việc rải phân, nên tôi sẽ làm một cái máy rải phân cho ông. Ông chủ đưa cho tôi cái điện thoại, vào ứng dụng dịch ngôn ngữ cho tôi viết tiếng Việt rồi dịch tự động sang tiếng Anh”.

Ông chủ hỏi: “Anh có thể chế được bao nhiêu phần trăm”? Ông Hát trả lời: “Ít nhất 85%”. Thế là cả ngày hôm ấy, ông không phải chạy theo cái máy rải phân, mà ngồi làm bản thiết kế. Ngay hôm sau, ông chủ đi mua đồ về. Sau ba ngày, ông Hát làm xong cái máy, nhưng chưa hoàn thiện, phải đến lần thứ ba thì cái khay chứa phân lắp sau máy mới chuyển động lên - xuống và có khớp nâng - hạ.

“Thấy cái máy đã có thể tự động làm việc, ông chủ mời họ hàng ở các trang trại lân cận đến xem. Lúc cái máy “trình diễn”, mọi người tính, công suất của nó bằng đến 25 lao động. Tất cả vỗ tay ầm ĩ, ông chủ còn mua sơn về phun lên thân máy chữ H, ý rằng cái máy này do Hát chế tạo”, ông Hát nhớ lại. 

Sau máy rải phân, ông Hát trở thành công nhân đặc biệt, chuyên giám sát và cải tiến các máy móc, công cụ lao động. Khi trang trại thu hoạch hẹ, thấy công nhân phải ngồi cắt cả ngày, ông nghĩ ngay đến cái máy cắt cỏ, chỉ khác là chế làm sao để tất cả lá hẹ đều đổ về một hướng cho công nhân dễ dàng thu gom.

Xong, thấy mỗi công nhân cầm một con dao và một bó hẹ để xén cho đúng chiều dài quy định, ông lại nghĩ ngay đến con dao thái thuốc bắc của các thầy thuốc đông y. Thế là thay vì một người một lần cắt một bó, con dao của ông “xoẹt” một cái đã được cả 10 bó…

Rô-bốt gieo hạt được nước ngoài đặt mua

Trang trại ông Hát làm việc cách dải Gaza chưa đầy 5km, Israel và Palestine bắn nhau suốt ngày. Đến khi có năm người Thái Lan chui vào nhà kho đánh bạc rồi trúng đạn pháo mà chết, ông Hát sợ, quyết trở về quê nhà.

Về quê, ông lại cặm cụi với cái xưởng cơ khí của mình. Đang trên đà chế tạo máy móc từ đơn giản đến phức tạp cho chủ, ông bắt tay ngay vào việc chế tạo máy móc nông nghiệp phục vụ bà con và đồng ruộng quê mình.

Rất nhiều máy móc nông nghiệp được ông Hát cho ra đời từ xưởng cơ khí đơn sơ này
Rất nhiều máy móc nông nghiệp được ông Hát cho ra đời từ xưởng cơ khí đơn sơ này

“Khi mở lại xưởng, việc đầu tiên tôi nghĩ đến là làm thế nào để chế ra một chiếc máy đánh luống, soi rạch trồng cây vụ đông. Đã từng trồng mấy mẫu rau màu nên tôi hiểu nông dân mình vất vả thế nào”, ông Hát chia sẻ. Cái máy cày được ông gắn thêm hai lưỡi để vừa vét đất lên luống vừa soi rạch tra hạt được áp dụng từ vụ đông năm 2011. Năm 2012, ông tiếp tục cho ra đời dàn cày hai lưỡi. 

Đặc biệt nhất phải kể đến rô-bốt gieo hạt. Một thời gian dài ông vừa nghiên cứu, vừa tìm nguyên vật liệu. Không có tiền, ông thế chấp cả sổ đỏ để vay tiền ngân hàng. Sau gần một năm, với bao lần thất bại, tốn kém, vợ chồng cãi nhau, cuối cùng ông Hát đã thành công.

Rô-bốt sử dụng nguồn điện một chiều, dùng lực hút của động cơ quạt gió để lấy rồi nhả hạt. Van điều khiển thường mở, khi chạm cữ thì đóng lại làm cho dòng khí vào quạt dừng, hạt tự rơi theo trọng lực vào phễu để rơi xuống rãnh đất.

Máy sử dụng bình ắc quy nên không cần người vận hành, làm việc tự động theo đúng tiêu chuẩn của rô-bốt. Van điều khiển tự động đóng mở, không gây lãng phí hạt giống, mật độ cây đều, mỗi sào lại tiết kiệm được đến 300.000 đồng tiền hạt giống.

Vừa giải phóng sức lao động, vừa tăng năng suất, rô-bốt của ông đã đoạt giải nhất hội thi sáng tạo kỹ thuật của tỉnh.

Sau sự ra đời của rô-bốt gieo hạt hoàn toàn tự động, từ năm 2014 đến nay, ông Hát liên tiếp sáng chế ra các loại máy như: máy phun thuốc trừ sâu, máy thu hoạch rau húng, máy rửa thịt tự động, máy thái cá…

Mỗi loại máy “made by Hat” đều hiệu quả và ưu việt hơn so với loại máy tương tự của nước ngoài. Đó cũng là lý do các trang trại ở Đức, Mỹ, Hàn Quốc, Thái Lan… tìm hiểu rô-bốt gieo hạt của ông Hát và đặt mua. 

Được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động

Với những sáng chế vô cùng hữu ích, năm 2015, ông Phạm Văn Hát vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba tại Đại hội thi đua yêu nước. Năm 2016, Trung ương Hội Nông dân tôn vinh ông là nông dân xuất sắc. Ông Hát bảo, những ghi nhận đó, với ông chính là nguồn động viên to lớn để vượt qua nhiều khó khăn, bởi năm 2015 ông mới trả hết các khoản nợ. Hiện tại, ông chỉ mong thủ tục cấp bằng sáng chế sẽ linh động hơn với những “nông dân chân đất” như ông. Bởi, dù đã xuất khẩu sang tận trời Tây, mà sau 5 năm đăng ký, rô-bốt gieo hạt của ông mới được cấp bản quyền sáng chế, “người ta đòi phải thuyết minh quy trình kỹ thuật, tôi chỉ học hết lớp Bảy, không đủ kiến thức để lý giải”, ông Hát nói.

 

Ngọc Minh Tâm
 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI