Sự học ở… bậc lão niên

22/01/2021 - 07:07

PNO - Tuổi già như gió heo may - cơn gió se lạnh chỉ xuất hiện vào giao mùa cuối trong năm, đại diện cho sự kết thúc hơn là khởi đầu. Song, có những bậc lão niên chọn “phản đề” lại cái lẽ thường ấy bằng khởi sự học khi bước vào tuổi xưa nay hiếm.

70 tuổi, 4 bằng đại học, thạc sĩ vẫn đến lớp

Vượt qua 89 “đối thủ” đáng tuổi con cháu, ông Trịnh Đức Chinh (70 tuổi) vừa trở thành… á khoa đầu vào chương trình cao học quản trị kinh doanh Trường đại học (ĐH) Kinh tế Tài chính TP.HCM. Những ngày đầu, sự xuất hiện của người bạn học tóc bạc phơ khiến cả lớp 90 người ngạc nhiên tột bậc. Ông Chinh khiến lớp trẻ thán phục bởi sự tinh anh, năng động và chăm chỉ. Mỗi ngày đều đặn, cứ cơm chiều xong, ông đi bộ từ nhà đến trường. Ông đi sớm, về muộn và luôn luôn ngồi bàn đầu trong lớp. 

Kể về sự học của mình, ông Chinh cho biết: “Sau khi tốt nghiệp Trường ĐH Bách khoa Vác Xô Vi - Ba Lan với bằng thạc sĩ vô tuyến điện, tôi được nhận công tác tại Cục Đăng kiểm Việt Nam - Bộ Giao thông Vận tải từ năm 1976. Tôi làm việc ở nhiều vị trí và làm vị trí Phó cục trưởng kiêm Giám đốc Chi cục Đăng kiểm số 6 từ năm 2001 tới khi nghỉ hưu (năm 2010).

Học viên Trịnh Đức Chinh (bìa phải) cùng bạn học trong lớp cao học quản trị kinh doanh  Trường đại học Kinh tế Tài chính TP.HCM
Học viên Trịnh Đức Chinh (bìa phải) cùng bạn học trong lớp cao học quản trị kinh doanh Trường đại học Kinh tế Tài chính TP.HCM

Tôi cũng đã tốt nghiệp ĐH ngành vỏ tàu thủy Trường ĐH Hàng hải. Từ năm 1991-2015, tôi tham gia giảng dạy cho Trường ĐH Giao thông Vận tải TP.HCM”. Chưa dừng lại ở đó, sau khi nghỉ hưu, ông còn học thêm hai bằng ĐH chuyên ngành kế toán tài chính và luật.

Thay vì nghỉ ngơi sau khi về hưu và đã “lận lưng” nhiều tấm bằng danh giá, ông Chinh chọn học ở lĩnh vực mới là quản lý kinh doanh, vì theo ông đây là lĩnh vực luôn biến động, đổi mới. Phàm người có tuổi sợ cảm giác bị bỏ lại phía sau nhưng chọn thích ứng với thế giới hiện đại bằng con đường học tập như ông Chinh quả là làm cho người trẻ phải ngẫm nhiều.

Ông nói, việc ông đi học ở tuổi 70 một phần là cho bản thân, còn mục tiêu lớn hơn là vận dụng kiến thức học được để mang đến cho con cháu những lời khuyên, sự cố vấn hữu ích trong công việc, cuộc sống, bởi đa phần con cháu ông đều làm trong lĩnh vực kinh doanh. “Ở độ tuổi nhớ nhớ, quên quên này, tôi có thể vẫn nhớ những gì rất lâu trong quá khứ nhưng có thể quên ngay những gì vừa học. Khả năng tiếp thu kiến thức không còn nhanh nhạy như trước và hạn chế về sức khỏe”, ông Chinh chia sẻ. 

Dù vậy, các học viên cùng lớp kể bác Chinh đi học đều đặn và với khối kiến thức, kinh nghiệm tuổi đời, tuổi nghề, bác còn là kho kiến thức cho bạn học “thỉnh giáo” mỗi khi gặp khó khăn.

Khi bà nội… làm sinh viên
Nghe tin “sốc” này, cả nhà ba thế hệ vui mừng khôn xiết và sau đó là chuỗi ngày ông nội nhớ bà nội đi học xa nhà. Đó là câu chuyện trở lại giảng đường của bà Vi Thị Kiên (65 tuổi, ngụ xã Tà Đảnh, H.Tri Tôn, tỉnh An Giang).  

Ở tuổi này, bà Kiên đã là bà nội, bà ngoại của sáu đứa cháu. Thế nhưng, bà Kiên vẫn quyết chí làm… sinh viên. Bà đậu Khoa Luật Trường ĐH Cần Thơ khi đã ngoài 60. “Lần đầu vào lớp, tôi bị mọi người nghĩ là đưa con đi học. Khi biết tôi cũng là sinh viên, ai cũng ngạc nhiên”, bà nhớ lại kỷ niệm ngày đầu đi học. 

Sau những giờ học trên lớp, nữ sinh 65 tuổi vẫn miệt mài tự nghiên cứu thêm
Sau những giờ học trên lớp, "nữ sinh" 65 tuổi vẫn miệt mài tự nghiên cứu thêm

Tuổi này rồi còn đi học để làm gì, có lẽ là câu hỏi bà nghe nhiều nhất trong bốn năm ĐH. Ngày trẻ, đúng tuổi đi học thì việc học dở dang vì gia đình quá khó khăn. Khát khao đi học của bà Kiên được tiếp nối khi địa phương cử đi bồi dưỡng để trở thành cô giáo. Lúc ông bà cưới nhau thì bà Kiên còn là cô giáo trường làng vừa tốt nghiệp lớp Chín, dạy bình dân học vụ bậc tiểu học.

Nạn thảm sát Ba Chúc ở vùng biên giới Tây Nam xảy ra, gia đình gặp đại nạn, gia đình bà phải chạy xuống vùng Tà Đảnh tìm chốn dung thân cho đến giờ. Việc học của bà cũng đứt đoạn luôn từ đó. 

Bốn người con của ông bà giờ đều đã thành đạt. Hai con trai lớn tốt nghiệp dược sĩ, kỹ sư nông nghiệp. Con gái út là cử nhân ngành bưu chính viễn thông, cùng công tác ngay trên quê nhà. Người con trai còn lại hiện là trưởng khoa ngoại của một bệnh viện lớn ở TP.Cần Thơ. Bảy năm trước, khi các con đã lập gia đình, sinh cháu, tiếng ê a của trẻ nhỏ khiến bà Kiên bừng dậy giấc mơ học hành… 

Chiến tranh, ly tán, hồ sơ học tập của bà Kiên bị thất lạc. Bà đã đi đến nhiều nơi nhờ giúp đỡ và may mắn được vào học tiếp lớp Mười, Mười một, Mười hai hệ giáo dục thường xuyên ở trung tâm H.Tri Tôn. “Mỗi đêm, tôi phải chạy đi chạy về gần 15 cây số đường đồng để được học cùng các bạn ở tuổi con cháu. Những ngày mưa chớp gió đồng vùng biên, tôi vẫn cố gắng đến lớp vì nghĩ mình phải cố gắng rồi thì mọi việc khó cũng qua”, bà Kiên nhớ lại.

Cầm bằng tốt nghiệp tú tài về nhà, bà Kiên thủ thỉ với chồng, chia sẻ với con. Bà thì thầm với ông về việc vợ chồng đã bao năm cùng nhau giúp quê hương đổi mới, có kiến thức học về thì sẽ hiệu quả hơn. Vào năm 2017, khi vừa bước qua tuổi 61, bà Kiên nhanh chóng hoàn tất hồ sơ, nộp đơn xét tuyển vào ngành luật hệ vừa học vừa làm Trường ĐH Cần Thơ. 

“Tuổi này rồi thì mình đâu bằng lớp các bạn trẻ. Phải lấy cần cù mà bù vào phần lõm kiến thức bị thiếu hụt mấy chục năm nay”, bà Kiên tâm sự. Cũng bởi thế, đứa cháu nội cũng kiêm luôn chức “gia sư” cho bà trong các khoản vi tính, tiếng Anh… Hiện tại, bà đã là sinh viên năm cuối. Bà cho biết chỉ còn thi hai môn chuyên ngành nữa để bước vào làm luận văn tốt nghiệp, và đã chọn đề tài về quyền con người.

“Tôi phải chuẩn bị thật kỹ mới có thể tốt nghiệp ĐH. Mình học thật thì kiến thức mới thật. Tuổi cao nhưng kiến thức không già, tôi sẽ học tiếp sau ĐH”, bà Kiên khẳng định.

Học vấn là con đường phải đắp dần 
Cũng như bà Kiên, nữ sinh viên độ tuổi lục tuần Đào Thị Thư của Trường ĐH Văn Hiến cũng phải đắp dần con đường học vấn qua năm tháng.

“Khi còn trẻ tôi cũng có bao ước mơ, hoài bão như các bạn trẻ. Cũng muốn trở thành sinh viên để thực hiện ước mơ nhưng cuộc sống không phải lúc nào điều mình muốn cũng đạt được. Tôi cũng không bao giờ nghĩ có một ngày mình bước chân vào giảng đường ĐH, còn ở cái tuổi đã làm bà nữa chứ”, bà Thư chia sẻ. 

Sinh viên tuổi lục tuần Đào Thị Thư (giữa, hàng đầu) trong giờ học tại Trường đại học Văn Hiến
Sinh viên tuổi lục tuần Đào Thị Thư (giữa, hàng đầu) trong giờ học tại Trường đại học Văn Hiến

Với bà Thư, con đường đi học chưa bao giờ dễ dàng và liền mạch. Những trở ngại của cuộc sống riêng đã ngăn ước mơ ngày trẻ nhưng cũng là động lực hun đúc sự kiên trì, nên khi nghỉ hưu thì năm 63 tuổi bà đậu ĐH ngành piano.

Ngày khai giảng, đứng trước toàn trường, tay giơ cao thẻ sinh viên đang đeo trước ngực, nữ sinh viên này khiến mọi người xúc động với chia sẻ: “Lần đầu tiên, tôi được vinh dự đeo thẻ sinh viên đến giảng đường như bao bạn trẻ. Đó là mơ ước suốt thời tuổi trẻ của tôi. Đây là ngày tựu trường đặc biệt với tôi. Như các sinh viên trẻ, tôi vẫn có những cảm xúc hồi hộp, háo hức lẫn vui mừng. Tôi biết là khó khăn nhưng sẽ cố gắng…”.

Trong hơn 3.000 sinh viên, bà Thư là sinh viên “lạ” nhất. Bà nổi bật giữa giảng đường không hẳn vì tuổi tác. Lên lớp, bà siêng năng, chịu khó, không bao giờ bỏ tiết. Mỗi giờ học, bà đều tranh thủ vào sớm ngồi ở bàn đầu vì mắt lão, tai kém mà không muốn bỏ lỡ lời giảng nào của thầy cô. Bà thừa nhận mình tiếp thu chậm nhưng có sức bền. Học không kịp trên lớp thì buổi tối về nhà đeo kính lão tìm tài liệu trên mạng để hiểu sâu hơn. 

Mỗi người đều có những lý tưởng riêng mà theo đuổi việc học ở cái tuổi mà dân gian hay ví là gần đất xa trời. Ông Chinh muốn trở thành “quân sư” cho con cháu. Bà Kiên, bà Thư muốn thực hiện lại ước mơ thời trẻ. Còn cụ ông Nguyễn Văn Tấn đơn giản là vì… thích học và ông cũng chọn cách học khác những người bạn lão niên kia. 

Cụ ông Tấn nhận học bổng
Cụ ông Nguyễn Văn Tấn nhận học bổng vì tinh thần hiếu học ở tuổi thất thập cổ lai hy

Đã 71 tuổi, ông Tấn chọn học trực tuyến để đắp tiếp con đường học vấn. Dù học vấn của ông đã rất đáng gờm. Ông Tấn từng du học theo học bổng của Liên Hiệp Quốc ngành kỹ sư kỹ nghệ đường mía năm 1970. Ông về nước năm 1972 và làm việc ở Tổng công ty Đường Việt Nam cho đến khi nghỉ hưu.

Rồi khi lên bậc lão niên, ông trở thành sinh viên năm nhất ngành luật Trường ĐH Mở TP.HCM. Ban đầu, ông định học cử nhân luật tại một trường ĐH về luật vào buổi tối, nhưng sau đó ông quyết định học chương trình cử nhân luật trực tuyến.

Bởi “tôi không “mù” công nghệ nên chọn học trực tuyến vì có thể học bất cứ thời gian nào thuận tiện. Hơn nữa, sức khỏe không cho phép học ban đêm. Sau khi hoàn thành chương trình cử nhân, tôi sẽ phấn đấu học tiếp lên thạc sĩ”, ông Tấn tâm sự. 

Từ Nhân - Tiêu Hà - Trương Bích

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI