Nhà nghiên cứu Phùng Tấn Đông: Khán giả Việt Nam vẫn còn giữ khoảng cách với nghệ thuật đương đại

20/12/2020 - 06:55

PNO - Nghệ thuật đương đại không phải là sao chép, tái hiện hay cổ động, mà chúng ta cần một tiếng nói riêng thật sự, và là tiếng nói đa dạng.

Gần đây nhất là chuỗi sự kiện nghệ thuật CABCON vừa kết thúc vài ngày trước. Trước đó có Chinh Ba, Nguyễn Nhất Lý (À ố show…), Bùi Công Khánh, Nguyễn Quốc Dân, Ly Hoàng Ly, Bùi Tiến Tuấn… cũng đưa nghệ thuật đương đại về Hội An. Đây phải chăng là hướng đi mới của nghệ thuật đương đại ở đô thị di sản nói riêng và ở Việt Nam nói chung? 

Phóng viên: Với một đô thị di sản như Hội An, cơ hội phát triển của nghệ thuật đương đại ở đây ra sao?

Nhà nghiên cứu Phùng Tấn Đông: Có khá nhiều khó khăn và thử thách để nghệ thuật đương đại xâm nhập và phát triển ở đô thị di sản nhỏ như Hội An. Thứ nhất, không gian công cộng quá nhỏ bé. Thứ hai, đây chủ yếu là nơi bảo tồn. Hơn nữa, khán giả Hội An cũng chưa chuẩn bị tâm thế đương đại cho nghệ thuật đương đại, chỉ trừ một nhóm rất nhỏ tinh hoa, những người thường xuyên cập nhật tin tức mới biết về thực hành này. Mà có khi đa phần khán giả Việt Nam cũng vậy, vẫn còn giữ khoảng cách với nghệ thuật đương đại. 

* Cụ thể, thưa anh?

- Trở ngại lớn nhất của nghệ thuật đương đại là công chúng. Chủ nghĩa hiện thực diễn ra trong một thời gian dài khiến công chúng hiếm có cái nhìn phản đề, đối thoại hay tương tác. Vì thế mà nghệ sĩ đương đại ở Việt Nam cũng thực sự đơn độc. 

Nền giáo dục của đất nước cũng thiếu bộ môn nghệ thuật đương đại. Vì vậy, phần lớn khán giả không có tâm thế trải nghiệm lĩnh vực này. Ít nhất, trong trường phổ thông phải dạy về video art, nghệ thuật sắp đặt, body art, performance art… rồi học sinh tự tìm hiểu và cập nhật thêm. Nhưng chính sự đứt gãy về mặt học hành ấy mà tạo ra muôn vàn khó khăn. 

Nhà thơ, nhà nghiên cứu Phùng Tấn Đông và vợ
Nhà thơ, nhà nghiên cứu Phùng Tấn Đông và vợ

* Một sự kiện nghệ thuật đương đại gần đây nhất ở Hội An là CABCON với hai ngày trình diễn, 15 ngày triển lãm nhóm và chiếu phim. Có lẽ, tổ chức sự kiện kiên trì như vậy là lựa chọn tốt nhất để nghệ thuật đương đại đến gần hơn với công chúng…

- Đúng vậy! Phải tổ chức những sự kiện để khán giả làm quen cởi mở với nghệ thuật đương đại, và những sự kiện ấy phải thật sự “tới”. Hiện tại, phần lớn triển lãm nghệ thuật đương đại ở Việt Nam chủ yếu là 2/3 tranh giá vẽ, còn trình diễn và sắp đặt lại quá ít ỏi. Hơn nữa, chúng thiên về biểu hiện chứ chưa phải nghệ thuật ý niệm, hoặc mượn sắp đặt để thể hiện ý tưởng nào đó nhưng còn mơ hồ, tiếng nói chưa thật sự rành rẽ, dứt khoát. Điều này cũng khiến sắp đặt chưa mang tính sự kiện, chưa ấn tượng và cuốn hút. 

Một số triển lãm của Ly Hoàng Ly, Ngô Thái Uyên, Bùi Công Khánh lại chỉ mang tính chất nhóm nhỏ, chưa lan tỏa rộng. Sự đứt gãy về nghệ thuật học và thẩm mỹ học ở Việt Nam kéo dài quá. 

Trong giai đoạn bế tắc về du lịch thì những sự kiện nghệ thuật đương đại như CABCON 2020 vừa qua thực sự đáng quý, đặc biệt ở một đô thị di sản như Hội An. Và để những sự kiện như vậy thành công, cần có sự kết nối chặt chẽ giữa nhà quản lý và nghệ sĩ, đồng thời đẩy mạnh xu hướng tương tác trong cộng đồng nghệ sĩ và thay đổi để tìm kiếm sự chia sẻ của công chúng với nghệ thuật đương đại. 

* Một sự kiện nghệ thuật đương đại thật sự “tới”, cụ thể ra sao? 

- Cách đây ba năm, ở Hội An có một sự kiện nghệ thuật ánh sáng, tức dùng đèn chiếu lên tường nhằm thay đổi không gian. Tuy nhiên, công chúng lại có những cảm nhận trái ngược. 

Nghệ thuật đương đại mang tính nhất thời và không có tính chất phá hủy, nó kiến tạo để lưu giữ hình ảnh. Bởi thế, một phố cổ về đêm có chiếu sáng thì quá tuyệt vời. Nhưng điều đáng tiếc là hình ảnh trình chiếu lên tường lại không phải Hội An, mà mang tính décor bình dân về Hà Nội, Sài Gòn… Theo tôi nghĩ, nếu có thể tái hiện những khung cảnh trong ký ức con người về Hội An từ xưa đến nay sẽ vừa mang tính tôn vinh vừa thú vị. Tức hình ảnh truyền thống trong cách làm đương đại. 

Như vậy, vấn đề không nằm ở bản thân nghệ thuật đương đại, mà là cách đi tìm tiếng nói ở trong không gian. Đơn cử như làng bích họa Tam Thanh, sự xuất hiện ấy đã không thể thay đổi được điều gì. Hay như nhiều tác phẩm sắp đặt cũ, theo biểu tượng đơn giản với nội dung đơn giản. Nghệ thuật đương đại không phải là sao chép, tái hiện hay cổ động, mà chúng ta cần một tiếng nói riêng thật sự, và là tiếng nói đa dạng. Ai cũng theo đuổi hiện thực hết thì thật dở, và sẽ tạo thành đường ray vô cùng nhàm chán. 

Nhưng đương đại thì phải thật sự đương đại. Điều tôi sợ là “sự già sớm” trong sáng tạo nghệ thuật đương đại, bởi điều đó khiến ta dễ đánh mất những tinh khôi và trong sáng, điều tạo nên sự khác biệt và mới lạ. Nghệ thuật rất khó đánh lừa đám đông, bởi thế, tính kiên trì để thể hiện tiếng nói đương đại là vô cùng quan trọng. 

* Tính di sản của Hội An và nghệ thuật đương đại có mối tương quan mật thiết như thế nào thưa anh? 

- Hiện tại, nghệ thuật truyền thống di sản của Hội An cũng gặp phải một số vấn đề, chẳng hạn như hát bội đã không còn nữa, nguyên nhân chủ yếu là không còn khán giả. Nghệ thuật đương đại cũng vậy, nếu không kiên nhẫn thực hành và tổ chức sự kiện để “nuôi” khán giả, thì đến ngưỡng nào đó, nó sẽ ở bên bờ vực suy thoái. 

Di sản mất dần ảnh hưởng ít nhiều đến đương đại, bởi bất cứ loại hình sân khấu nào cũng có yếu tố mỹ thuật lớn. Vấn đề ước lệ tượng trưng mà nghệ thuật đương đại đang sử dụng cũng là nghệ thuật của sân khấu hát bội, tức sân khấu hát bội là tổng hợp của âm nhạc, hội họa… 

Hơn nữa, bất cứ loại hình nghệ thuật truyền thống nào cũng đều có tiếng nói trong vô thức, nếu để đứt gãy, thì người ta không có cơ sở để tiếp cận đương đại. Chưa kể, nghệ thuật đương đại có tính kế thừa từ truyền thống rất lớn, nếu tính di sản ấy mất đi, thì tiếng nói có thể xa lạ với công chúng, hay trở thành điểm mù trong tương tác và cảm nhận.

* Cảm ơn anh.

Trang Ps (thực hiện)

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI