Lời hồi đáp của nghệ thuật đương đại với "Truyện Kiều"

19/11/2020 - 14:04

PNO - Độc đáo, trừu tượng mà minh triết, triển lãm “Hội họa Truyện Kiều” của họa sĩ Nguyễn Tuấn Sơn là lời hồi đáp của nghệ thuật đương đại với tác văn học kinh điển. Đó không chỉ là tuyên ngôn sáng tạo của người nghệ sĩ, mà còn góp phần khẳng định vai trò cốt lõi của Truyện Kiều trong đời sống hôm nay.

Từ sự nối dài truyền thống…

Ở Việt Nam, Nguyễn Tuấn Sơn không phải người đầu tiên vẽ tranh minh họa Truyện Kiều. Từ năm 1942, cuốn Nguyễn Du Văn họa tập đã ra mắt, tổng hợp các tác phẩm hội họa dựa trên kiệt tác này của các bậc cây đa cây đề, như Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Đỗ Cung, Tô Ngọc Vân, Lê Văn Đệ, Trần Văn Cẩn…

Không khó để lý giải mối quan tâm sâu sắc của các danh họa trong nước với Truyện Kiều. Thời bấy giờ, giới trí thức, nghệ sĩ Việt Nam chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của các tư tưởng và nền tảng thẩm mỹ bắt nguồn từ phương Tây. Một mặt, họ tiếp thu những giá trị ấy để tiến về phía trước, nhưng mặt khác lại chủ tâm khẳng định bản sắc vốn có. Do đó, Truyện Kiều trở thành đại diện cho tinh hoa văn hóa Việt Nam, gắn với sứ mệnh gìn giữ hồn cốt dân tộc trong thời kỳ thực dân đô hộ, như lời đúc kết của Phạm Quỳnh: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn; tiếng ta còn, nước ta còn”.

Ngày hôm nay, trong tiến trình toàn cầu hóa, chúng ta cũng phải đối diện với thử thách mang tên “hòa nhập mà không hòa tan”. Đây chính là lúc người nghệ sĩ tìm về với văn hóa bản địa, nỗ lực bảo tồn, kế thừa di sản bằng cách đem vào đó hơi thở của cuộc sống hiện đại.

Họa sĩ Nguyễn Tuấn Sơn bên tác phẩm
Họa sĩ Nguyễn Tuấn Sơn bên tác phẩm

...đến nhãn quan đương đại

Tiếp bước các bậc tiền bối, triển lãm của Nguyễn Tuấn Sơn có tham vọng tái dựng Truyện Kiều bằng ngôn ngữ hội họa. Cách tiếp cận của anh khá bao quát, mạch lạc và bài bản, đi từ những tình tiết, sự kiện xuyên suốt tác phẩm đến chân dung nhân vật và bức tranh xã hội toàn cảnh. Ở đó, ta sẽ bắt gặp những giai đoạn khác nhau trong cuộc đời trôi nổi, bi thương của nàng Kiều, từ lúc đính ước với Kim Trọng đến lúc gia quyến gặp nạn, phải bán mình làm vợ Mã Giám Sinh, chịu cảnh “thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần”, cuối cùng được đoàn tụ với gia đình và lựa chọn nương nhờ cửa Phật.

Giống như trong Nguyễn Du Văn họa tập, tranh của Nguyễn Tuấn Sơn cũng sử dụng các câu thơ, tứ thơ trong Truyện Kiều làm nhan đề: Khóa xuân (Trước lầu Ngưng Bích khóa xuân/Vẻ non xa tấm trăng gần ở chung); Chén hà quỳnh tương (Chén hà sánh giọng quỳnh tương/Dải là hương lộn bình gương bóng lồng); Trong như tiếng hạc; Tòa thiên nhiên (Rõ ràng trong ngọc trắng ngà/Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên); Vầng trăng ai xẻ làm đôi; Bốn dây nhỏ máu năm đầu ngón tay… Từ đây, có thể thấy, triển lãm của anh mang một chiều kích văn chương nhất định, khi ngôn ngữ thi ca va chạm, hòa quyện với đặc trưng mỹ thuật.

Tác phẩm Trong như tiếng hạc (2000)
Tác phẩm "Trong như tiếng hạc" (2000)

Tuy nhiên, trái với sự mạch lạc ở nhan đề, các sáng tạo hội họa của Nguyễn Tuấn Sơn lại rất phá cách, trừu tượng. Đây chính là điểm độc đáo trong phong cách của anh, khiến triển lãm lần này có sự khác biệt rõ rệt với các tác phẩm đi trước. Ở đó, người nghệ sĩ muốn vượt thoát khỏi sự minh họa thông thường, chạm tới những giá trị thẩm mỹ đương đại và những triết lý nhân sinh phổ quát.

Tác phẩm 'Sóng tình siêu siêu (2016) mang phong cách trừu tượng
Tác phẩm "Sóng tình siêu siêu" (2016) mang phong cách trừu tượng

Với chất liệu sơn dầu chủ đạo, Hội họa Truyện Kiều là cuộc chơi táo bạo với màu sắc. Nguyễn Tuấn Sơn sử dụng nhiều tông màu khác nhau để thể hiện ý đồ nghệ thuật, tránh sự lặp lại nhàm chán, đơn điệu. Trong bức Ghen – một sự gợi nhớ đến tích Hoạn Thư ghen Kiều nổi tiếng, anh dùng hai màu lạnh là xanh và xám nhằm diễn tả những xung đột, mâu thuẫn ngầm ẩn giữa các chủ thể. Trong khi đó, bức Chân trời bơ vơ lại là sự phối hợp giữa các sắc màu đối lập – như hồng, vàng, xanh, đen... khiến ta liên tưởng đến tâm trạng bí bách, rối bời của Kiều khi sa chân vào chốn lầu xanh. Bên cạnh đó, một số tác phẩm được thực hiện trên những trang báo in, tạo nên sự giao hòa thú vị giữa đời sống đương đại và văn chương cổ điển.

Tác phẩm Kiếp lầu xanh (2000) được vẽ trên báo in
Tác phẩm "Kiếp lầu xanh" (2000) được vẽ trên báo in

Về mặt tư tưởng, Nguyễn Tuấn Sơn chọn cách trung thành với những di sản của đại thi hào Nguyễn Du. Truyện Kiều qua cách hình dung, biểu đạt của anh vẫn là tiếng kêu mới xé ruột đau lòng, là khúc ca bi thiết về thân phận con người và nỗi đau thời đại. Thế nhưng, bên cạnh đó, tinh thần tác phẩm cũng được làm mới, hướng đến những băn khoăn, trăn trở của chúng ta ngày hôm nay.

Hội họa Truyện Kiều không xoay quanh cảm thức thương thân mang màu sắc yếm thế, mà là tuyên ngôn mạnh mẽ về khao khát tự do của người phụ nữ. Tư tưởng cấp tiến của Truyện Kiều thể hiện ở sự tự nhận thức của người nữ về giá trị bản thân, mặc cho xã hội phong kiến vùi dập bằng những thiết chế ngặt nghèo. Đây chính là nền tảng để họa sĩ Nguyễn Tuấn Sơn đem kiệt tác văn chương của dân tộc đến gần hơn với khán giả hiện đại.

So với Tố Như tiên sinh, anh sống trong một thời đại văn minh, cởi mở hơn, nơi quyền lợi và tiếng nói cá nhân của nữ giới ngày càng được đề cao. Ở đó, phụ nữ khát khao yêu và sống, đồng thời được bộc lộ cá tính, tài năng, phẩm giá của bản thân. Bởi vậy, trong tranh của anh, nàng Kiều hiện lên với một sắc thái kiêu hãnh không giấu diếm. Đó là người con gái chủ động, đầy đam mê trong tình yêu, không ngần ngại phô bày vẻ đẹp “trong ngọc trắng ngà” vượt lên những quy chuẩn Nho giáo. Trên hết, nàng trải qua vô vàn đau khổ, nhưng đến cùng vẫn tự đưa ra lựa chọn cho cuộc đời mình: Nương nhờ chốn cửa Phật để xoa dịu cõi lòng.

Tác phẩm Khách viễn phương (2000)
Tác phẩm "Khách viễn phương" (2000)

Trong triển lãm có nhiều tác phẩm thấm đẫm tinh thần Phật giáo, như một cách để bày tỏ sự đồng thuận với quyết định của Kiều. Ở đây, đi tu không phải bế tắc mà là giải thoát – giải thoát cho một kiếp người đau khổ khỏi chiếc “vòng kim cô” của xã hội phong kiến nam quyền. Từ đây, có thể thấy, công cuộc đấu tranh của phụ nữ ngày hôm nay đã đồng vọng với hành trình của nàng Kiều mấy trăm năm về trước. Có lẽ, chừng nào con người còn chiến đấu vì tự do, công bằng, bình đẳng, thì chừng đó kiệt tác của đại thi hào Nguyễn Du vẫn còn nguyên giá trị.

Triển lãm Hội họa Truyện Kiều đang diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội) đến ngày 23/11.

Minh Trang

(Ảnh NVCC)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI