Chủ công trình sửng sốt vì bê tông phủi nhẹ cũng bong

10/08/2019 - 08:39

PNO - Nhà xây đến lầu 4, chủ công trình nhà phố ở đường Nguyễn Văn Thủ, P.Đa Kao, Q.1, TP.HCM sửng sốt khi phát hiện tất cả bề mặt các cột bê tông nát rời, dùng tay phủi nhẹ cũng bong ra.

Phủi nhẹ, bê tông vỡ ra như bụi

Sau khi dùng tay phủi nhẹ lên bề mặt bê tông ở một cây cột chịu lực trên tầng 4 công trình, nhìn lớp bê tông bong ra thành bụi mịn, ông N.T.Cường - chủ công trình trên - nói với chúng tôi, giọng chưa hết bàng hoàng: “Không thể tưởng tượng nổi cột bê tông mà phủi nhẹ cũng vỡ ra. Toàn bộ cột bê tông từ lầu 1 đến lầu 4 đều bị tình trạng như vậy. Sợ xảy ra sự cố nguy hiểm, tôi phải đổ gấp mấy cây cột chịu lực phụ”.

Theo ông Cường, công trình đang gần hoàn thiện phần xây thô thì phát hiện 27 cột chịu lực có tình trạng bê tông thiếu kết dính, chỉ gõ nhẹ là vỡ nát. Ông phải cho dừng thi công, chờ đánh giá toàn diện về độ an toàn: “Sau khi nhờ một đơn vị chuyên môn kiểm tra nhanh, xác định bê tông kém chất lượng, tôi đã thuê đơn vị này lấy nhiều mẫu bê tông để phân tích thêm nhiều chỉ tiêu”.

Theo giấy phép xây dựng do UBND Q.1 cấp, công trình nói trên có quy mô 4 tầng, chiều cao công trình gần 15m. Đến đầu tháng 8/2019, công trình đã xây gần xong phần thô. Chỉ cần quan sát bằng mắt thường, chúng tôi cũng dễ dàng nhận thấy hầu hết cột bê tông ở đây bị bong tróc, nứt, vỡ; thậm chí, bê tông ở một số vị trí vỡ vụn, lộ cả sắt ra ngoài. 

Chu cong trinh sung sot vi be tong phui nhe cung bong
Các cột bê tông ở công trình nhà phố 4 tầng dễ dàng vỡ nát khi có tác động nhẹ - Ảnh: H.N.

Từ hình ảnh do chúng tôi cung cấp, nhiều kỹ sư xây dựng có kinh nghiệm nhận định, sự cố trên rất hiếm gặp và vô cùng nguy hiểm. “Nếu toàn bộ cột chịu lực công trình đều có tình trạng bê tông không kết dính, dễ vỡ như thế thì công trình này không đảm bảo an toàn. Trước mắt, nên dừng thi công, thuê đơn vị kiểm định đánh giá đầy đủ về mức độ an toàn và đưa ra phương án khắc phục” - anh Hưng, một chủ thầu chuyên xây công trình nhà phố, nhận định.

Nhiều mối ngờ chưa được giải tỏa

Chủ công trình cho biết, ông nghi ngờ xi măng kém chất lượng nên đã phản ánh vụ việc với đơn vị sản xuất: “Tôi giám sát rất kỹ, xi măng đổ cột bê tông do tôi mua nên không có chuyện bớt xén vật tư, thiếu xi măng được. Tôi nghĩ, nguyên nhân là do xi măng kém chất lượng”. Ông Cường cho biết, sẽ yêu cầu đơn vị sản xuất loại xi măng này bồi thường các thiệt hại phát sinh từ sự cố nói trên.

Làm việc với chúng tôi ngày 5/8, đại diện công ty sản xuất loại xi măng được dùng để đổ cột bê tông ở công trình của ông Cường cho rằng, đến lúc này, vẫn chưa có cơ sở để nhận định nguyên nhân bê tông vỡ nát là do xi măng. “Công ty chúng tôi là đơn vị sản xuất xi măng có uy tín trên thị trường. Từ trước đến nay, chưa từng nhận phản ánh nào tương tự” - một kỹ sư đại diện đơn vị sản xuất xi măng nói.

Trả lời câu hỏi vì sao hai bên không cùng lấy mẫu xi măng đưa đi giám định chất lượng để giải tỏa những hoài nghi về sự cố bê tông, vị kỹ sư trên bày tỏ: “Ngay sau khi nhận được phản ánh của chủ công trình, chúng tôi đã cử người xuống hiện trường để kiểm tra. Thời điểm đó, tại công trình, chỉ còn sót lại một lượng nhỏ xi măng trong bao (khoảng vài ký) và có dấu hiệu vón cục do không được bảo quản tốt. Do đó, mẫu xi măng này không thể đại diện cho xi măng do công ty sản xuất được”.

Chúng tôi tiếp tục đặt vấn đề: có thể mấy mẫu xi măng ở cửa hàng đã cung cấp loại xi măng cho chủ công trình để giám định chất lượng được không? Vị kỹ sư của đơn vị sản xuất xi măng giải thích tiếp: “Chúng tôi đã đến đại lý bán xi măng cho chủ công trình nhưng lô xi măng đó đã hết sạch, không còn bao nào. Sổ sách bán hàng của đại lý cho thấy, chủ công trình mua tổng cộng 125 bao xi măng của công ty chúng tôi. Nhưng xi măng được mua hàng chục đợt nhỏ lẻ, có đợt chỉ mua một vài bao. Điều này hơi khó hiểu vì để đổ cột bê tông, cần phải dùng lượng xi măng lớn. Nếu chủ công trình dùng loại xi măng khác để đổ những cột bê tông đó thì không thể đổ lỗi cho xi măng của công ty được”. 

Nhà thầu phải chịu trách nhiệm trước

Kỹ sư Vũ Quang Hoài - chuyên gia về xử lý sự cố ở công trình xây dựng - cho rằng, với sự việc nói trên, cần phải thuê đơn vị giám định để tìm nguyên nhân và biện pháp khắc phục. “Cần khoan nén và khoan siêu âm bê tông để xác định nguyên nhân là do xi măng hay do kỹ thuật phối trộn vật tư (xi măng, cát, đá) không đảm bảo. Dù với nguyên nhân nào, tất cả cây cột không đảm bảo an toàn ở công trình cũng nên được xử lý. Có thể đúc thêm một lớp bê tông bọc bên ngoài, hoặc phải đập bỏ để đúc lại toàn bộ cột” - ông Hoài tư vấn.

Theo kỹ sư Hoài, sự cố ở công trình nói trên là bài học cho các chủ đầu tư công trình xây dựng khác, nhất là công trình nhà ở riêng lẻ. Ông chia sẻ thêm: “Nếu các bên làm tốt thì sự cố phải được phát hiện từ lúc đúc cột ở tầng 1 chứ không đợi tới tầng 4 mới biết. Khi thấy cột bê tông bị như trên, nếu nghi ngờ chất lượng xi măng thì phải yêu cầu đơn vị cung ứng vật tư, công ty sản xuất xi măng đến lấy mẫu đưa đi giám định, từ đó mới có cơ sở pháp lý rõ ràng để thực hiện các bước yêu cầu bồi thường thiệt hại. Để xảy ra sự cố này thì nhà thầu phải chịu trách nhiệm trước tiên”. 

Trung Thanh 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI