Nhà có giàn bông giấy

29/11/2013 - 07:33

PNO - PNCN - 1. Gã cứ ngồi miết ở cái quán cà phê ấy, ba ngày nay. Ngồi từ sáu giờ sáng đến sáu giờ chiều, và chỉ ngồi đúng một chỗ, ở cái bàn bên trong cửa sổ nhìn ra. Cô chủ quán bữa đầu không để ý. Từ hồi mở quán tới giờ,...

edf40wrjww2tblPage:Content

Bao giờ vô quán, gã cũng kêu một ly cà phê đen, gói thuốc con mèo. Hôm nào gã cũng để lại cái bao rỗng trên mặt bàn, nhưng nếu chú ý thì thấy gã không hút nhiều đến thế. Gã thỉnh thoảng lại đốt thuốc, kéo một hơi dài rồi… vứt ra ngoài cửa sổ. Cứ thế, gã ngồi ngóng ra đường, chính xác là ngó qua nhà đối diện.

Ngôi nhà gạch, xây kiểu đơn sơ như những căn nhà cấp 4 thường thấy, ẩn hiện sau giàn bông giấy điểm xuyết những chùm bông trắng tím trông mộc mạc, vui mắt.

Ngôi nhà luôn khép cổng.

Buổi sáng, tầm sáu giờ rưỡi, có hai người mở cổng, đi ra ngoài một lượt. Người phụ nữ khoảng gần bốn mươi tuổi, ăn mặc đẹp nhưng giản dị, đi chiếc xe gắn máy cũ màu xanh. Cô gái nhỏ khoảng mười lăm mười sáu tuổi, đi chiếc xe đạp màu hồng. Chừng mười giờ rưỡi thì người phụ nữ trở về. Sau đó, lối mười một giờ rưỡi, khi cô gái nhỏ đi học về, cánh cổng ấy mở ra lần nữa. Thỉnh thoảng, nghe vọng từ trong nhà ra một tràng cười giòn tan của cô gái. Sáu giờ chiều, đèn trong nhà bật sáng, cũng là lúc cánh cửa bên trong khép hẳn lại.

Suốt ba ngày, nhìn cảnh trật tự im ắng của căn nhà, gã thở dài.

Hôm nay là ngày thứ tư.

Cô chủ quán cũng thở hắt ra trước cái kiểu ngồi đồng và cái kiểu thở dài của gã. Chắc chắn là ông khách này có vấn đề.

Nhưng thực tế là gã đang để hết tâm trí theo dõi chủ nhân của ngôi nhà đó. Thứ mà gã mong nhìn thấy là một người đàn ông tự tay khép mở cánh cổng ngõ sáng chiều kia. Gã mong nhìn thấy cái cảnh chồng trước vợ sau trên một chiếc xe, có thêm đứa nhỏ lăng xăng cười nói, chứ không phải cái cảnh tượng tuy êm đềm nhưng lại có vẻ nhạt nhẽo như vậy.

Cô chủ quán hết dằn được cơn tò mò.

Trưa nay, quán vắng khách, cô mang thêm cho gã ly cà phê đá “khuyến mãi”, làm quen. Sau những câu chào hỏi xã giao có tính chất thăm dò chất lượng phục vụ, cô chủ quán vào đề:

- Hình như anh không phải người ở đây?

- Sao cô biết?

- Người ở đây ít ai ngồi quán kiểu như anh. Buồn, họ đi nhậu.

- Nói vậy là ý gì? Tôi buồn vui thây kệ tôi. Hay là không muốn cho ngồi nữa, tôi đi kiếm quán khác?

Cô chủ quán vội vàng cải chính:

- Dạ… dạ… em xin lỗi anh! Tại em thấy anh buồn nên mới hỏi thăm chút thôi mà!

Nét mặt gã bỗng sưng lên. Dường như có cái ngấn nước đọng trong hốc mắt, chưa kịp rớt đã khô.

Nha co gian bong giay

2. Buổi sáng một ngày cuối thu, bất thần gã gặp lại người xưa ở quán cà phê Thềm Xưa. Vẫn mắt sáng môi tươi, như ngày nào từng làm khối người ngơ ngẩn. Vẫn phong cách cực kỳ lịch thiệp, tưởng không còn ai có thể lịch thiệp hơn. Nàng ngồi một mình ở quán cà phê thuộc hàng sang trọng ấm cúng nhất nhì cái tỉnh lỵ be bé này. Nàng vẫn còn thói quen ngồi bên cửa sổ. Áo len mỏng màu kem sữa. Cặp kính trắng. Tóc thẳng và đen búi trễ tràng hờ hững sau gáy. Trong hơi sương nhè nhẹ của buổi sớm mai, trông góc bàn có nàng ngồi tựa như một bức tranh lụa.

Gã tưởng như mình ngạt thở khi trông thấy nàng trong khung cảnh đó. Phong thái ung dung, nàng khuấy nhẹ chiếc muỗng nhỏ vào tách cà phê. Trông cái dáng vẻ ấy, ắt hẳn nàng không phải chờ đợi ai. Gã không dám đến gần, sợ mình nhầm. Gã quên rằng nàng đang ngồi bên cửa sổ, và đã nhìn thấy gã từ khi gã cho chiếc xe đen trũi của mình trườn vào sân.

Chắc chắn là nàng. Nhưng xem ra gương mặt của nàng vẫn cứ lặng như nước hồ thu. Gã đành thân chinh qua chào hỏi. Gương mặt “hồ thu” thoáng lay động khi gã đến bên cạnh, nhưng cũng chỉ lay động một chút rồi thôi. Câu chuyện của cố nhân tưởng sẽ mặn mà nhưng chết nỗi cứ nhàn nhạt như nước trà châm thêm, chẳng có chút gì ấn tượng! Dường như, nàng đang né tránh gã… Gã bỗng thấy mình vô duyên tợn.

Tuy nhiên, chỉ trong mươi phút, gã đã biết được một số thông tin quan trọng về nàng. Rằng nàng đã có chồng, có con. Chồng nàng là một ngươi tử tế, biết lo cho vợ cho con. Nàng vẫn đi dạy, về nhà dịch thêm sách báo, cuộc sống nói chung khá tốt.

Có nghĩa, từ lâu nàng đã loại gã ra khỏi những suy nghĩ, tình cảm riêng tư rồi!

Cũng đã mười lăm năm không gặp rồi mà!

Vậy mà, người ta đã từng yêu nhau đến ba năm mười một tháng hai mươi ngày cơ đấy!

Nhưng xét cho cùng, gã trách nàng cũng phải. Gã cũng cố sống cố chết kiếm tiền để mong xây cho nàng cái tổ ấm nho nhỏ rồi rước nàng về chung sống, chứ không ư? Nhưng ở cái tỉnh lẻ này, đồng lương giáo viên ngoại ngữ của nàng cùng với thu nhập của một phóng viên tàng tàng như gã, giỏi lắm là đủ sống qua ngày chứ trông chi khá hơn ai.

Đồng tiền có ma lực lớn hơn nàng tưởng, hơn gã tưởng.

Không biết từ bao giờ, gã uốn cong ngòi bút của mình để kiếm tiền. Ai thuê viết gì, gã cũng nghe. Nàng nhiều lần nhắc gã: “Đừng làm vậy. Em rất cần tiền nhưng không muốn thấy anh sống khác với mình!”. Gã chỉ cười nhạt.

Đùng một phát, một trong những đại gia thường ưu ái dành “tình cảm” và bổng lộc cho gã ra tòa với tội “lợi dụng tín nhiệm…” rút ruột công trình. Đại gia thuộc loại có số má, gã không khỏi liên lụy, bị kêu án 10 năm tù. Nhận nhiều trả nhiều, chuyện thường tình, nhưng đáng buồn là nàng, gã chỉ ngó thấy mặt nàng lần cuối cùng lúc ở tòa, sau đó mất dạng!

Bà chị gã than vãn, tiếc vì vuột mất cô em dâu hiền dịu, xinh đẹp và… hợp với bà! Bà trách, người trông phúc hậu mà không tình nghĩa gì ráo. Còn gã, tự an ủi: thôi, coi như không làm hỏng đời người khác!

Được đặc xá trước thời hạn, trở về nhà, gã bỏ luôn nghề viết, chuyển sang kinh doanh. Thứ gì buôn bán được gã buôn tất, từ quần áo sida đến cò nhà đất. Sẵn có những mối quan hệ khá tốt trước đây cộng với đầu óc của một phóng viên kinh tế, gã vực mình dậy không khó lắm. Gã chỉ băn khoăn một điều: trong thời gian gã ở tù, không biết có người nào đó đã thường xuyên lên thăm gã mỗi tháng một lần, nhưng chỉ gửi quà, gửi chút ít tiền tiêu vặt thôi. Tiền không nói, nhưng quà thì toàn thứ gã thích. Không ai nói cho gã biết người đó là ai.

3. Cuối cùng thì gã cũng tìm được ngôi nhà của “người ơn”. Cái nhà có giàn bông giấy trắng tím đơn giản đến nao lòng người đó. Ngay ngày đầu tiên đến, tự nhiên gã muốn ngồi quán cà phê, cốt để lấy tinh thần trước khi vào gặp chủ nhân. Thế rồi, gã giật mình khi nhận ra, người phụ nữ vừa khép cổng rào kia chính là… nàng!

Gã không biết người đưa tin có cung cấp nhầm địa chỉ không, nên phải hỏi lại cho chắc ăn. Vì, phải rất khó khăn gã mới tìm được câu trả lời cho thắc mắc từng ấy thời gian chưa được giải tỏa.

Cô chủ quán lắm lời, sau khi cạy họng gã lấy mấy lời tỉ tê hỏi han về căn nhà trước mặt, đã sốt sắng kể bằng giọng hào hứng đặc trưng của người buôn chuyện: cái nhà đó mới cất cách đây hai năm mấy. Cô chủ nhà là cô giáo dạy trường cấp II gần nhà đây… Hình như cổ chỉ dạy buổi sáng. Ở một mình nên cổ nhận một đứa cháu kêu bằng dì ruột về nuôi, hai dì cháu hủ hỉ cho vui… Nhà đó tử tế lắm, ở không mích lòng ai hết. Ờ, mà anh quen sao với cô giáo? Hay là anh tới luôn đó hỏi thăm chớ hỏi vòng vòng làm chi?

Gã bỗng nổi điên với chính mình! Ừ, mà sao gã có thể ngốc tới như vậy chứ? Ngày xưa, nàng vẫn thích chơi trò ú tim với gã, vẫn thích làm cho người khác bất ngờ, mà sao có thể chứa đựng những suy nghĩ không hay, những toan tính không vui về nàng, để nuôi mộng tưởng về một bóng hình ở đâu, xa vời vợi…

Gã chớp mắt, kêu tính tiền cà phê. Gã móc trong túi ra một tờ bạc, đưa mà không chờ thối lại. Đi. Gã phải đi liền, sợ không còn kịp. Chỉ có một đoạn đường vậy thôi mà đã mất mười mấy năm dư… 

CẨM GIANG

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI