Nhà báo - tác giả Phạm Công Luận: Cốt lõi của ăn tết, chơi tết là sum họp gia đình

05/02/2021 - 07:12

PNO - Tìm xưa để thấy nay, nhìn xưa để trân quý hiện tại là những gì mà tác giả Phạm Công Luận đã làm trong suốt nhiều năm qua, kể từ khi anh khởi viết quyển đầu tiên trong bộ sách "Sài Gòn - chuyện đời của phố". Cuộc trò chuyện với Phạm Công Luận trong những ngày gió Chạp về Sài Gòn, về tết xưa, tết nay và về chính anh mang đến thật nhiều dư vị.

Trong suốt nhiều năm, Phạm Công Luận vẫn giữ được sự say mê, tình yêu với Sài Gòn và làm việc như một con ong chăm chỉ. Tết Tân Sửu 2021, anh giới thiệu đến độc giả hai quyển: Tùy bút - hồi ký - giai thoại trên báo Xuân Sài Gòn xưa tập II và Sài Gòn, ngoảnh lại trăm năm.

Chưa từng nghĩ sẽ viết về Sài Gòn lâu đến vậy

Phóng viên: Anh đã “tập” cho tôi và những người yêu sách thói quen chờ đợi vừa dễ thương vừa ngọt ngào mỗi dịp năm hết tết đến, rằng không biết anh sẽ giới thiệu quyển sách mới nào. Ở thời điểm có nhiều người viết về Sài Gòn, để xác lập được vị trí như thế không hề dễ. Anh có xem đó là xác tín thành công, niềm vui nho nhỏ của một người cầm bút?

Nhà báo - tác giả Phạm Công Luận: Thật sự tôi rất vui khi biết có ai đó chờ đợi cuốn sách sắp ra của mình, dù chưa biết nó sẽ ra sao. Như đã viết trên facebook cá nhân, tôi cố gắng mỗi năm ra được một cuốn sách. Nó đánh dấu một năm vừa trôi qua, khiến tôi thấy đã không phí hoài một đoạn thời gian trong đời người hữu hạn. Cuốn sách sẽ là món quà xuân để tặng người thân, bạn bè và để chia sẻ với độc giả quan tâm.

Chợ hoa Nguyễn Huệ ngày tết của một thời đã xa - ảnh: internet
Chợ hoa Nguyễn Huệ ngày tết của một thời đã xa - ảnh: internet

Khi viết cuốn sách đầu tiên trong bộ sách năm cuốn Sài Gòn - chuyện đời của phố năm 2013, tôi không thấy có nhiều sách viết về cuộc sống đời thường của Sài Gòn, nhất là ở thời quá khứ. Bây giờ có nhiều người viết về chủ đề này hơn, mỗi người một vẻ. Tôi thấy vui ở chỗ mình góp mặt trong đội ngũ đó, còn mức độ thành công của từng người viết thì nên để độc giả đánh giá. 

* Những câu chuyện của anh về Sài Gòn hệt như những câu chuyện mà nàng Scheherazade trong Nghìn lẻ một đêm kể, lúc nào cũng hấp dẫn và dài bất tận. Làm thế nào để có thể duy trì được sự thú vị đó qua nhiều đầu sách và tránh được cái bẫy “tham lam”?

- Nếu các câu chuyện được thấy “lúc nào cũng hấp dẫn” là vì khi phổ biến trên sách báo, tôi chỉ đưa ra những bài viết có sức thu hút, theo chủ quan. Là nhà báo, tôi gặp nhiều người, nghe nhiều câu chuyện và tất nhiên phải đọc nhiều. Tuy nhiên, khi viết, chỉ có trong đầu câu chuyện mà tôi thấy thú vị nhất ở thời điểm đó.

Như nhiều tác giả, trong máy tính của tôi ngổn ngang bài viết không dám công bố vì chưa đạt. Tôi có ý thức chắt lọc nhưng biết đâu có lúc vì ham hố chia sẻ mà thành tham lam, nhồi nhét. Dù sao, cần cảnh giác với điều đó.

Đường hoa Nguyễn Huệ được tổ chức mỗi năm vào dịp tết - ảnh: Phùng huy
Đường hoa Nguyễn Huệ được tổ chức mỗi năm vào dịp tết - ảnh: Phùng huy

* Thời điểm viết tập đầu tiên của bộ Sài Gòn - chuyện đời của phố, anh có nghĩ rằng mình sẽ đi một đoạn đường xa và gắn bó với những câu chuyện về Sài Gòn đến hôm nay?

- Quả thật tôi không nghĩ sẽ viết về đề tài Sài Gòn xưa lâu đến vậy. Sau khi cuốn I được đón nhận tốt, tôi tiếp tục viết cuốn II và có những người e ngại cuốn sau sẽ yếu hơn. Rất may là cuốn II tạo hiệu ứng tốt, khiến nhiều người quay lại tìm đọc cuốn đầu, nên đến giờ nó đã được tái bản năm lần. Tôi tiếp tục viết về Sài Gòn vì lý do quan trọng với tôi là “muốn viết về những điều mình muốn đọc”.

Nhiều năm trước, tôi tò mò muốn biết về các nghệ sĩ Tư Chơi, ông bầu Nguyễn Ngọc Cương - những người tiên phong trong nghệ thuật cải lương; về Công ty Mỹ nghệ Thành Lễ và Công ty Mỹ nghệ Mê Linh - hai công ty rất thành công ở Sài Gòn trước năm 1975. Không có ai viết. Vậy thì chính tôi sẽ đi tìm tài liệu và viết về họ. Nhiều đề tài trong sách tôi bắt đầu từ đó. Việc công bố những tư liệu mới cũng là một trong vài lý do giúp bộ sách được đón nhận tốt.

* Từ Sài Gòn - chuyện đời của phố đến Những bức tranh phù thế, tôi thấy có sự chuyển biến rõ rệt trong phong cách viết của anh: không còn thuật lại những câu chuyện khách quan mà có sự sâu lắng và tình cảm hơn. Sự khác biệt này là độ chín muồi của anh theo thời gian hay vì một lý do nào khác?

- Sau bộ sách Sài Gòn - chuyện đời của phố thiên về kể chuyện đời, chuyện người trong đời sống Sài Gòn xưa, tôi tự hỏi: trong hiện thực đó, ông bà cha mẹ và cả chòm xóm của mình đã sống như thế nào suốt trăm năm qua. Từ đó, tôi đã có những cuộc trao đổi trong gia đình, dòng họ để có thể viết Những bức tranh phù thế. Có thể qua thời gian, sự tĩnh tâm khiến tôi viết khác đi và những câu chuyện về gia đình dễ gợi nhiều cảm xúc sâu lắng như bạn nhận thấy.

Nhặt nhạnh để tìm lại cảm xúc đã qua

* Trở lại quyển sách mới nhất của anh, Tùy bút - hồi ký - giai thoại trên báo xuân Sài Gòn xưa tập II, so với những câu chuyện đã kể trong tập I, có những điểm nào đặc biệt hơn?

- Cuốn này tiếp nối cuốn Tùy bút - hồi ký - giai thoại trên báo xuân Sài Gòn xưa tập I, hình thành trọn bộ hai cuốn sách sưu tầm, tuyển chọn những bài viết mà tôi cho là thú vị và hay nhất trong gần ba trăm tờ báo xuân của Sài Gòn từ khoảng thập niên 1940 đến năm 1975.

Trong giới sưu tầm sách báo xưa, giai phẩm xuân của các tờ nhật báo, tuần báo hay tạp chí với bìa đẹp, nội dung hấp dẫn, giàu tính văn chương và tư liệu, được các cây bút có tên tuổi tham gia là rất đáng giá. Loại ấn phẩm này không dễ tìm kiếm, có tiền cũng khó mua được, muốn đọc thì cần bỏ rất nhiều thời gian vào thư viện. Tôi thích sưu tầm loại báo này từ lâu nên tuyển chọn để hình thành bộ sách này, đáp ứng cho những người thích tìm hiểu về cuộc sống, cách nghĩ của người xưa. Đọc bộ sách là đọc được những bài hay nhất của khá nhiều báo xuân xuất bản từ hơn nửa thế kỷ trước. 

Giống như ở cuốn I, sách có các mảng bài tết thị thành, chuyện đường rừng, chuyện ăn tết ở quê, chuyện tản cư, chuyện tết trong tù… nhìn ở góc độ khác và những tác giả khác. Phần thơ xuất hiện lần này giàu cảm xúc, nặng tâm tình của một thời đại đã qua.

* Tôi không thích sự so sánh, vì tôi nghĩ rằng, mỗi thời mỗi cách sống, hôm nay rồi cũng sẽ trở thành hôm qua. Nhưng, tôi thích sự soi chiếu về những gì đã qua, để biết những thế hệ đi trước mình đã sống, sinh hoạt, vui chơi như thế nào; tâm tư tình cảm của họ ra sao. Trong tâm thế đó, xin được phép hỏi anh, đâu là những đổi thay và đâu là những bất biến trong cái “hồn” và phong tục tập quán của tết xưa và tết nay?

- Cách sống hôm nay phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội đang có, tất yếu phải vậy. Có nhiều kinh nghiệm chuyển đổi chuyện ăn tết Á Đông ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore… khi kinh tế phát triển từ nền tảng nông nghiệp sang công nghiệp hiện đại, có nhiều điểm tương đồng với chúng ta, từ chuyện đốt pháo, kiêng cữ, ẩm thực. Chúng ta đang chuyển dần từ “ăn tết” sang “chơi tết”, nhất là ở các vùng đô thị. Phong tục đã lược bỏ từng bước, tạo nên cảm giác nuối tiếc nhưng cũng có mặt tích cực, phù hợp với nhịp sống công nghiệp khác xa cảnh nông nhàn và mùa ăn chơi tháng Giêng. 

Tôi nghĩ cốt lõi của việc ăn tết hay chơi tết là sự sum họp gia đình, sự xích lại gần nhau giữa các thành viên trong dòng tộc để tưởng nhớ tổ tiên ông bà, thăm viếng quê hương và gần gũi với thiên nhiên. Tết là dịp quay lại, nhìn lại gia đình, con cái, đoạn đời đã qua, và để nghỉ ngơi, duy dưỡng lại tinh thần qua một năm thăng trầm.

Đọc bộ sách Tùy bút - hồi ký - giai thoại trên báo xuân Sài Gòn xưa là đọc những bài hay nhất của nhiều ấn phẩm báo xuân xuất bản từ hơn nửa thế kỷ trước
Đọc bộ sách Tùy bút - hồi ký - giai thoại trên báo xuân Sài Gòn xưa là đọc những bài hay nhất của nhiều ấn phẩm báo xuân xuất bản từ hơn nửa thế kỷ trước

* Anh có thường đọc những ấn phẩm sách tết, tạp chí tết của thời nay không? Và anh nghĩ gì mỗi khi lần giở những trang “tết nay”?

- Sách báo về tết là loại ấn phẩm tôi thích đọc, mua gần như đầy đủ. Sách tết mấy năm nay thành hiện tượng xuất bản, trình bày, minh họa và in ấn rất đẹp. 

Cách nay gần ba mươi năm, tôi đọc được hai câu thơ của Phạm Thanh Chương: “Chiều cuối năm lặng lẽ/ Lặng lẽ như đời ta…” trong một tờ báo tết. Tôi là người “mê” tết, mong nhặt nhạnh được cảm xúc khi đọc các ấn phẩm tết, từ một truyện ngắn, tùy bút hay từ vài câu thơ như trên… để được sống lại cảm xúc của những mùa xuân đã qua. Điều đó càng lúc càng khó, có thể do tôi đã chai sạn theo tuổi tác hay văn chương bây giờ khiến tôi không theo kịp để thưởng thức?

Báo tết từ giữa thập niên 1990 đến thập niên 2000 có nhiều bài hay, bây giờ khó giữ được phong độ như xưa. Tôi nghĩ loại hình sách tết rất hay cho người đọc, vì bài vở không bị chìm trong các trang quảng cáo và nội dung cần giữ phong vị xuân nhiều hơn, tương xứng với hình thức và để khác biệt với các tạp chí hay tuyển tập ngày thường. Có thể đến một lúc nào đó, sách tết sẽ thay thế báo tết để đến với độc giả thích đọc ấn phẩm đặc biệt về tết.

Quyển sách mới nhất của nhà báo - tác giả Phạm Công Luận sẽ ra mắt nhân dịp cuối năm nay
Quyển sách mới nhất của nhà báo - tác giả Phạm Công Luận sẽ ra mắt nhân dịp cuối năm nay

* Có không ít nhận xét, rằng tết nay không bằng tết xưa. Văn hóa đọc ba ngày tết cũng không còn mặn mà. Anh nghĩ gì về những tỏ bày đó?

- Tôi cũng thấy vậy, nếu chúng ta nhìn bằng đôi mắt hoài niệm. Nhưng các con tôi bây giờ thích tết nay, với kỳ nghỉ tương đối dài, du lịch cùng gia đình và được đi ăn nhà hàng. Thế nên so sánh cũng khó nếu như khác góc nhìn, khác thế hệ.

Tôi nghĩ ngày tết đọc ít cũng được, cả nhà đi du lịch, đi ăn uống, ngắm pháo hoa cùng nhau vui hơn. Nhưng vào ngày thường, chuyện đọc sách nên thường xuyên.

* Ngay lúc này, nhắc đến tết xưa, nhắm mắt lại, anh nhìn thấy gì?

- Trước tết, là không khí bận rộn và nô nức rất lạ từ trong nhà, ngoài xóm cho đến đường phố. Là buổi tối cúng giao thừa với các bàn đầy hoa quả, nhang đèn sáng rực được bày ra trước các ngôi nhà trong xóm, cùng mùi nhang thơm ngát. Trong tết là những buổi cơm chung với gia đình.

Lịch sử Sài Gòn tuy ngắn nhưng có nhiều điều nén chặt

* Tết xưa đã không còn giống tết nay, Sài Gòn nay cũng đã khác xưa nhiều. Nhiều di sản văn hóa cũng đã biến mất theo thời gian. Điều gì khiến anh vẫn yêu Sài Gòn đến vậy?

- Đây là câu trả lời mang tính cá nhân. Như mọi người, tôi cũng có cha mẹ và quê hương. Cha mẹ, cũng như quê hương nơi chôn nhau cắt rốn, dẫu có thay đổi thế nào, có già nua xấu xí ra sao thì tình yêu ấy vẫn như cũ, đó là lẽ tự nhiên.

Sài Gòn là nơi lưu giữ rất nhiều kỷ niệm của đại gia đình tôi. Là căn nhà của ông cố tôi ở Khánh Hội xây nên từ thế kỷ XIX, là tòa nhà Sở hỏa xa Đông Dương đầu đường Hàm Nghi - nơi ông ngoại tôi làm việc trước năm 1945, là cửa tiệm Kim Phát ở chợ Bến Thành - nơi ba tôi làm nhân viên kế toán từ năm 1953, là chợ Ga Phú Nhuận - nơi má tôi buôn bán từ năm 1955, là ngôi trường Võ Tánh ở Phú Nhuận -  nơi tôi học 5 năm tiểu học… và còn nhiều kỷ niệm của riêng tôi khi lớn lên. Đi đến đâu trong thành phố, tôi cũng có thể nhớ lại ngày xưa nơi này như thế nào. Làm sao không yêu một thành phố đã gắn bó tới mức đó.

Thành phố này đã phát triển rất nhiều nhưng cũng để mất nhiều di sản khiến chúng ta tiếc nuối. Thế nhưng, vì không thể quay ngược thời gian, việc của chúng ta bây giờ là cổ xúy giữ gìn những gì còn lại, kể cho thế hệ trẻ chưa từng chứng kiến một Sài Gòn xưa về những giá trị đã có ở thành phố này, giữ gìn ký ức của thành phố. Việc ấy mất nhiều công phu và cần nhiều người tham gia. Tôi có góp sức nhỏ trong đó với vài cuốn sách. Qua từng năm tháng, tôi thấm thía lời ca: “chuyện dài của quê hương, hiểu nhiều càng yêu hơn…” (lời bài hát Đi qua vùng cỏ non của nhạc sĩ Trần Long Ẩn - PV).    

Tại buổi giao lưu cùng độc giả yêu thích bộ sách Sài Gòn - chuyện đời của phố
Tại buổi giao lưu cùng độc giả yêu thích bộ sách Sài Gòn - chuyện đời của phố

* Yêu một điều gì đó có thể khơi dậy cho ta nhiều cảm hứng, cho ta thêm nguồn năng lượng. Nhưng quá yêu đôi khi cũng khiến ta thấy… mệt. Đã lúc nào Sài Gòn làm anh thấy mệt hoặc thấy… chán chưa?

- Tôi không quá yêu nhưng vì lịch sử gia đình ít nhất năm đời đã sống ở đây, từ thời ông cố ngoại vào thế kỷ XIX, mà tôi gắn bó máu thịt với thành phố này. Sự gắn bó đó có cảm xúc và lý tính, giúp tôi có động lực để tìm hiểu về Sài Gòn sâu sắc hơn. So với nhiều thành phố khác, lịch sử thành phố này tuy ngắn nhưng nén chặt trong đó quá nhiều thứ để chuyển hóa thành đề tài, không bao giờ cạn nếu biết khai thác.

Thành phố này đã phát triển rất nhiều nhưng cũng để mất mát nhiều di sản khiến chúng ta tiếc nuối. Thế nhưng vì không thể quay ngược thời gian, việc của chúng ta bây giờ là cổ xúy giữ gìn những gì còn lại, kể cho thế hệ trẻ chưa từng chứng kiến một Sài Gòn xưa về những giá trị đã có ở thành phố này, giữ gìn ký ức của thành phố. Việc ấy mất nhiều công phu và cần nhiều người tham gia. Tôi có góp sức nhỏ trong đó với vài cuốn sách. Qua từng năm tháng, tôi thấm thía lời ca: “chuyện dài của quê hương, hiểu nhiều càng yêu hơn…”. 

Nhà báo - tác giả Phạm Công Luận

* Quyển sách thứ hai của anh, được phát hành cũng dịp cuối năm này là quyển sách như thế nào?

- Cuốn sách này có tên Sài Gòn, ngoảnh lại trăm năm do Phanbook xuất bản. Khác với bộ sách Sài Gòn - chuyện đời của phố tập hợp từng bài viết độc lập, cuốn này dẫn dắt độc giả nhìn lại cuộc sống của Sài Gòn trên dưới trăm năm với kết cấu nội dung tương đối chặt chẽ, qua từng lĩnh vực từ chuyện nhà cửa, dịch vụ ẩm thực, giải trí và thưởng ngoạn, nguồn nhân lực… Đây không phải là cuốn sách biên khảo.

Tôi giữ quan niệm: viết những điều nghiêm túc bằng cách thức dễ tiếp nhận và có cảm xúc, nên độc giả không khó tiếp cận nội dung cuốn sách này qua những bài sưu khảo, hồi ức và ghi chép đan xen nhau. Những tư liệu mới giúp tôi viết cuốn này khá hào hứng, dù mất nhiều công sức - hơn hai năm - không như các cuốn trước chỉ mất phân nửa thời gian hoàn thành.

* Từng là tác giả viết sách cho thiếu nhi và thanh thiếu niên thuộc hàng “bestseller” nhưng anh đã chọn rời đi. Liệu một ngày, anh sẽ trở lại viết những câu chuyện về tụi con nít con nôi, về những chàng trai cô gái mới lớn?

- Cuốn sách đầu tiên được in của tôi là truyện vừa dành cho thiếu nhi, cuốn Chú bé Thất Sơn, được giải thưởng hẳn hoi (giải Văn học thiếu nhi vì tương lai đất nước). Cuốn Nếu biết trăm năm là hữu hạn viết chung với bà xã Đông Vy, dành cho tuổi mới lớn, là cuốn thường được trích dẫn, làm đề thi. Viết cho thiếu nhi hay tuổi mới lớn, theo tôi, là việc khó khi tuổi tác ngày càng xa dần thế giới trong trẻo đó. Tôi nghĩ mình cũng có những điều muốn tiếp tục trò chuyện, trao đổi, gửi gắm với các em, các cháu nên mong có thể sớm quay lại viết cho họ và về họ.

* Cảm ơn anh đã chia sẻ.

Hoàng Linh Lan (thực hiện) 
Ảnh: Nhân vật cung cấp

 

 

 

 

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI