Người phụ nữ đi khắp 112 quốc gia để giới thiệu vải Batik

19/04/2022 - 06:54

PNO - Vừa qua, Tổng lãnh sự Indonesia tại TP.HCM kết hợp Bảo tàng Áo dài, Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị TP.HCM tổ chức sự kiện Áo dài - Batik: Nơi di sản hội tụ. Kỹ thuật sản xuất vải Batik đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể nhân loại năm 2009.

Người truyền tải, giới thiệu nét văn hóa đặc sắc này là chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hóa Venny Afwany Alamsyah. Bà tốt nghiệp ngành văn học Anh, Đại học Padjajaran (Indonesia), là thạc sĩ ngành quan hệ quốc tế. Trong hơn 20 năm, Venny Afwany Alamsyah nghiên cứu về vải Batik và kỹ thuật sản xuất chúng. Bà đã đi đến 112 quốc gia để quảng bá Batik. Venny cũng là giảng viên thỉnh giảng cho sinh viên nghệ thuật, thời trang tại hơn 42 quốc gia. 

Phóng viên: Năm 2009, kỹ thuật sản xuất Batik được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Indonesia đã làm gì để thúc đẩy quá trình này?

Bà Venny Afwany Alamsyah: Chúng tôi mất hơn ba năm cho quá trình này. Đó là thành quả của sự chung tay từ nhiều bộ, ngành của đất nước chúng tôi như: Bộ Văn hóa, Bộ Du lịch, Bộ Giáo dục… Chúng tôi kết hợp với nhau thực hiện rất nhiều nghiên cứu, hội nghị về Batik để hoàn thiện hồ sơ gửi đến UNESCO.

Bà Venny Afwany Alamsyah (giữa) hướng dẫn thực hiện họa tiết trên vải Batik
Bà Venny Afwany Alamsyah (giữa) hướng dẫn thực hiện họa tiết trên vải Batik

Tại một số quốc gia, khu vực châu Á, chúng tôi cũng thấy được một số loại vải tương tự Batik, chẳng hạn ở phía Bắc Việt Nam, các vùng giữa Việt Nam và Lào… nhưng kỹ thuật sản xuất, công cụ thì khác hoàn toàn. Điểm khác biệt lớn nhất giữa Batik với những loại vải kia là quá trình sản xuất. Chúng tôi có công cụ gọi là canting, gồm thanh gỗ, trên có gắn một chiếc phễu bằng kim loại có vòi. Nghệ nhân sẽ dùng canting để múc sáp ong nóng chảy, sau đó vẽ lên các họa tiết đã được phác thảo bằng bút chì trên nền vải. Với canting, nghệ nhân có thể xử lý những chi tiết rất nhỏ. Họ cứ tỉ mẩn làm việc như thế trong nhiều tháng, thậm chí nhiều năm để cho ra một mảnh vải.

* Được công nhận là di sản đã khó, việc bảo tồn và phát huy giá trị của di sản cũng không phải dễ dàng?

- Chính phủ Indonesia đặc biệt quan tâm đến việc bảo tồn và phát huy giá trị của Batik. Chúng tôi có rất nhiều chương trình quảng bá Batik đến nhiều quốc gia. Việc giữ gìn nghề truyền thống, văn hóa truyền thống thực sự là thử thách lớn. Giới trẻ ngày nay phần nhiều không muốn nối tiếp công việc sản xuất theo phương thức truyền thống nữa. Sự phát triển của máy móc, thiết bị hiện đại cũng đe dọa đến di sản này, bởi lẽ phương thức nguyên bản là sản xuất thủ công hoàn toàn. Vì thế, Bộ Giáo dục nước chúng tôi đã đưa việc học về vải Batik vào nhà trường, bắt đầu từ lớp Bốn, đặc biệt tại các vùng quê, bởi hiện tại phần lớn các nghệ nhân sản xuất Batik chuyên nghiệp đều sống ở đây.

Tôi nghĩ với bất kỳ di sản, giá trị văn hóa nào, thì đi đầu là việc quảng bá, kế đến là việc giáo dục cho giới trẻ. Đây là những yếu tố quan trọng hàng đầu để phát huy văn hóa truyền thống, di sản của mỗi quốc gia.

Một tấm vải Batik mất vài tháng, thậm chí vài năm để hoàn thành
Một tấm vải Batik mất vài tháng, thậm chí vài năm để hoàn thành

* Được biết bà đã đến 112 quốc gia để thuyết trình, giảng dạy về Batik. Điều đó có ý nghĩa như thế nào?

- Từ thực tế, tôi thấy việc cử chuyên gia đi quảng bá văn hóa thật sự quan trọng. Nhưng việc này cũng không dễ. Tôi phải đảm bảo rằng mỗi người nơi chúng tôi đến đều phải hiểu Batik là gì, cho họ thấy được sự độc đáo của kỹ thuật này để hào hứng tìm hiểu.

Trước khi muốn quảng bá văn hóa của đất nước, thì điều đầu tiên phải hiểu văn hóa của quốc gia chúng tôi đặt chân đến. Sau khi hiểu, chúng tôi có thể đưa ý tưởng làm ra Batik giống như của người Indonesia, bằng cách sử dụng kỹ thuật của chúng tôi nhưng kết hợp với hoa văn, yếu tố truyền thống của quốc gia sở tại. Chúng tôi muốn kể câu chuyện về sự giao thoa, thích nghi của Batik với nhiều nền văn hóa khác nhau.

* Trong bất kỳ ngành nghề truyền thống nào, yếu tố con người luôn quan trọng và cần được quan tâm hàng đầu phải không thưa bà?

- Chính phủ, các cơ quan liên quan cùng với các nghệ nhân có nhiều chương trình, các cuộc đối thoại để cùng nhau giữ gìn nghề này. Đặc biệt, chúng tôi có nhiều chương trình đưa các nghệ nhân đến nhiều quốc gia để quảng bá Batik. Đây là cơ hội phát triển, cũng là dịp để họ nhận ra những thách thức trong thời điểm hiện tại, nhằm duy trì, phát triển di sản này.

Mỗi tấm vải Batik rất đắt với giá từ vài ngàn USD trở lên. Việc sản xuất chất liệu này không dễ dàng, và mất nhiều thời gian. Chúng tôi đánh giá cao công sức của nghệ nhân, nên luôn cần quảng bá tốt, để đặt đúng giá trị của chúng. Chỉ khi nghệ nhân có cuộc sống đủ tốt, thì việc giữ nghề mới bền vững.

* Xin cảm ơn bà. 

Hai chiếc áo dài làm bằng vải Batik được các nghệ nhân Indonesia thực hiện trong bốn tuần. Kỹ thuật may, cắt rập có sự khác biệt so với người Việt, đặc biệt ở phần thân trên của áo. Công chúng có thể chiêm ngưỡng hai tác phẩm này tại Áo dài Exhibition (77 Nguyễn Huệ, Q.1, TP.HCM).

Chiếc áo dài màu đỏ có các đường cắt nối ở thân, eo nhưng vẫn có độ rộng vừa phải, tạo cảm giác thoải mái. Nghệ nhân sử dụng họa tiết chim phượng hoàng để trang trí. Theo họ, đây là hình ảnh phổ biến với nhiều quốc gia châu Á, tượng trưng cho sự quyền quý, thịnh vượng.

Chiếc áo dài màu xanh lại không có đường cắt, ráp ở thân, nhưng vẫn ôm sát cơ thể, tạo ra những đường cong đẹp mắt. Nhiều nghệ nhân cùng trang trí các họa tiết đặc trưng của vải Batik lên mảnh vải.

 

Thành Lâm

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI