Người nước ngoài cũng chen chân kinh doanh hàng nhái

03/11/2017 - 15:30

PNO - Rất nhiều người nước ngoài đã trực tiếp mua bán tại các quầy sạp ở các trung tâm thương mại (TTTM) của TP.HCM, nơi bày bán công khai hàng giả, hàng nhái.

Ngay lối vào TTTM Sài Gòn Square (Q.1), khoảng 11g trưa, hàng chục ông chủ người Hàn Quốc ngồi bệt theo hàng dài hóng mát và tán dóc, chờ vào giờ cao điểm. Nhiều tiểu thương tại TTTM này cho biết, ngay tầng trệt, phía bên tay trái TTTM này có khoảng 30 sạp do người Hàn Quốc làm chủ và họ đứng bán trực tiếp cho khách.

Hiện tượng người nước ngoài tham gia kinh doanh tại đây rộ lên từ 3-5 năm nay, có người mới tham gia được 1-2 tháng. Như chủ sạp X., ban đầu chỉ là khách đi mua sắm, thấy cảnh mua bán tấp nập, dễ làm ăn nên quyết định mở sạp.

Không chỉ những người Hàn sinh sống ở Việt Nam mà nhiều người Hàn ở Hàn Quốc cũng biết đến các TTTM chuyên bán hàng nhái này. Rất nhiều du khách người Hàn khi đi du lịch Việt Nam đã không đem nhiều hành lý, khi sang đây họ tìm mua đồ nhái có giá rẻ mà ở các nước khác, họ khó mua được.

Nguoi nuoc ngoai cung chen chan kinh doanh hang nhai
Một gian hàng tại trung tâm thương mại Sài Gòn Square có người nước ngoài đứng bán.

Hầu hết những người Hàn Quốc này biết rõ đường đi nước bước và các mánh lới khi kinh doanh tại đây. Các ông chủ này trực tiếp làm việc với đầu mối giao hàng nhằm tránh để nhân viên biết rõ nguồn hàng nhập vào.

Một người phụ bán tại sạp Q.B. tiết lộ: “Theo tôi biết, sạp này và những sạp lân cận đều bán hàng nhái (fake) F1 và hàng nhái cao cấp (super fake). Trung bình mỗi tháng, ông chủ đi nước ngoài để nhập hàng về; cũng có khi, ông chủ nhập từ Taobao (website chuyên cung cấp hàng fake và super fake từ Quảng Châu, Trung Quốc - PV)”. 

Hàng gian, hàng giả xảy ra trên địa bàn mà tổ trưởng, cảnh sát khu vực, chính quyền địa phương nói không biết là không được. Có bao che, làm ngơ không? Tôi cho là có. Có thể là do thân quen với nhau nên làm ngơ.

Không chỉ dè chừng với nhân viên, các ông chủ này cũng biết cách đối phó với cơ quan chức năng Việt Nam. Họ trưng bày sản phẩm ở sạp với số lượng rất hạn chế, chỉ khoảng 30-50 sản phẩm/sạp, trong khi sạp của người Việt bày bán có khi lên đến vài trăm sản phẩm. Họ tính toán kỹ để hạn chế mức độ thiệt hại, giảm thiểu tiền phạt trong tình huống bị cơ quan chức năng kiểm tra, tịch thu hàng.

Thực tế, khi chúng tôi tỏ ý mua sản phẩm với số lượng lớn, một chủ sạp người Hàn hớn hở cho biết: “Sạp chuyên cung cấp hàng sỉ và lẻ. Những mặt hàng được trưng bày ở TTTM Sài Gòn Square cũng là hàng mẫu. Sau khi xem mẫu, nếu khách đồng ý giá, sẽ có người giao hàng tận nhà với số lượng lớn”. 

Do các quầy sạp tại đây chỉ là nơi trưng bày, còn kho thì ở nơi khác nên những ông chủ người nước ngoài này thường chọn thuê quầy sạp có diện tích rất nhỏ, chỉ khoảng 1,8 x 1,4m. Diện tích nhỏ, chi phí cũng dễ chịu nên họ có thể đầu tư vào vị trí đắc địa ở trung tâm TP.HCM.

Với diện tích này, giá sang sạp (có sẵn sản phẩm) khoảng 20.000 - 22.000 USD, còn nếu thuê thì có giá 450 USD/tháng (khoảng 10 triệu đồng). Với chi phí này, cộng với tiền điện, nước, thuê người bán, chủ vẫn dư sống, bởi việc bán hàng nhái đem lại lợi nhuận “khủng”.

Chẳng hạn, một đôi giày nhái hiệu Nike từ Quảng Châu (Trung Quốc) có giá đầu vào 599 - 799 nhân dân tệ (khoảng 204.000 - 273.000 đồng), tùy mẫu mã, có thể được bán tại TTTM Sài Gòn Square với giá 1,5 - 2 triệu đồng, thậm chí 3,5 triệu đồng nếu giỏi “đẩy giá”, tức lời gấp 11 lần.

Trong khi đó, nếu kinh doanh hàng chính hãng, giá được niêm yết rõ ràng thì tiền lời mỗi đôi giày cũng chỉ khoảng 300.000 - 500.000 đồng.

Ông Phan Hoàng Kiếm - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM khẳng định, chi cục chưa phát hiện có sự bao che, dung túng của cán bộ, nhân viên, nếu có, lãnh đạo chi cục cam kết sẽ xử lý nghiêm.

Dù có nhiều chủ sạp kinh doanh tại TTTM Sài Gòn Square là người nước ngoài, nhưng một vị quản lý tại đây cho biết, tất cả hợp đồng, giấy tờ liên quan đến việc thuê/sang sạp đều do người Việt Nam đứng tên.

Khi xảy ra vấn đề trong kinh doanh, công ty sẽ làm việc với người trực tiếp đứng tên trên giấy tờ. Bản thân công ty cũng không có chủ trương ưu tiên cho người nước ngoài thuê (dù là người nước ngoài định cư) vì bất đồng ngôn ngữ, phong tục tập quán sẽ khó giải quyết nếu xảy ra tranh chấp. Công ty cũng chỉ cho thuê đối với các trường hợp có giấy phép kinh doanh do quận cấp và quận quản lý.

Ông Trương Hòa Bình - Phó thủ tướng thường trực: Sẽ xử lý trách nhiệm người đứng đầu chính quyền, các cơ quan chức năng nếu để buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả lộng hành do thiếu trách nhiệm, không quyết liệt trong đấu tranh phòng ngừa, chậm phát hiện, xử lý vi phạm. 

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI