Hàng nhái được bày bán công khai tại trung tâm TP.HCM

01/11/2017 - 14:00

PNO - Ngay trung tâm Q.1, TP.HCM, từ nhiều năm qua, ba trung tâm thương mại gồm Saigon Square, Taka và Luky Plaza bày bán công khai hàng fake (giả hàng hiệu), hàng nhái… với giá thấp đến mức chỉ bằng 1/10 hàng thật.

Ngang nhiên bán hàng nhái giá bèo

12 giờ trưa là giờ cao điểm mua sắm giày dép, quần áo, túi xách tại Trung tâm thương mại (TTTM) Saigon Square.

Ngay cổng ra vào, sạp D1 khá thu hút khách vì hàng loạt mẫu áo, đầm trẻ trung mang thương hiệu Zara Basic được treo dọc theo lối đi, trông rất bắt mắt. Với mẫu áo thêu thổ cẩm ghi giá 360 euro, nhân viên báo giá chỉ 220.000 đồng.

Tương tự, tại sạp D5, hàng loạt mẫu áo thương hiệu Mango Suit, trên mác ghi 30 euro nhưng lại được bán với giá 150.000 đồng. Tại một sạp đối diện, nhân viên liên tục rao “Adidas, Nike, Reebok chính hãng đại hạ giá” và trên mỗi sản phẩm đều có dán tờ giấy nhỏ ghi mức giá dao động từ 100.000-150.000 đồng/sản phẩm. 

Hang nhai duoc bay ban cong khai tai trung tam TP.HCM
 

Nhiều “tín đồ” mua sắm kháo nhau, muốn mua túi xách, ví đúng hãng thì đến gian hàng tên Sky ở Saigon Square vì “nghe nói ông chủ là người Hàn Quốc hay Nhật Bản gì đó, bảo đảm sản phẩm chất lượng”.

Tại đây, có đủ thương hiệu như Prada, Louis Vuitton, Chanel, Fendi, Hermes, Gucci, Saint Laurent… Với chiếc ví Gucci nguyên vân GG, nhân viên báo giá 5,4 triệu đồng. Trong khi cùng sản phẩm này, chúng tôi tra cứu trên trang web chính hãng thì giá khoảng 13,4 triệu đồng. 

Còn tại TTTM Taka, khách hàng cũng dễ dàng mua được “hàng hiệu” với giá bèo. Tại sạp D54, đủ loại đồ lót mang thương hiệu Adidas, Nike, Victoria Secret… nhưng có giá 150.000-350.000 đồng/bộ, thậm chí có sản phẩm đang sale chỉ có giá 40.000 đồng. 

Tại các TTTM khác như Luky Plaza, An Đông Plaza… khách hàng dễ dàng mua được mắt kính RayBan (Ý), Chanel, Gucci, Dior; đồng hồ G - Shock, Burberry, Rolex (Thụy Sĩ), Cartier (Pháp), Longines (Thụy Sĩ), Montblanc (Đức)… nhưng chỉ có giá từ 350.000-1,25 triệu đồng/sản phẩm có mẫu mã, kiểu dáng giống như hàng thật. 

Theo người bán, tất cả đều là hàng fake, tùy theo từng cấp độ mà có giá khác nhau. Một chiếc áo Zara có mác “Made in Vietnam” cũng có đủ thông số, size; vải trên mác được dập nhiều lớp sắc sảo, chỉ thêu rõ nét; tem giá thì có mã vạch, tiếng Anh, số tiền cũng ghi bằng đồng euro… thoạt trông không khác gì hàng chính hãng nên rất thu hút người mua.

Người bán còn cho biết, tất cả sản phẩm này đều là hàng chuyền (dư vải, may thêm), hàng nhái do các xưởng copy mẫu mã nên mới có số lượng nhiều và giá rẻ như vậy. Trong số này, còn có cả hàng từ Quảng Châu, Trung Quốc. Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan năm 2016, khoảng 90% hàng giả, hàng nhái có nguồn gốc từ Trung Quốc và Hồng Kông.

Với trình độ làm hàng nhái bậc thầy, nguồn nguyên liệu dồi dào, Trung Quốc hoàn toàn dư thừa khả năng cung cấp các sản phẩm của tất cả thương hiệu nổi tiếng. 

Quản lý thị trường ở đâu?

Trong những cuộc họp về hàng Việt Nam chất lượng cao, bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao - luôn than thở: đi tới đâu, gặp ai cũng kêu hàng giả, hàng gian sao lộng hành quá.

Hàng giả, hàng nhái đang lộng hành, không chừa một sản phẩm nào. Hàng giả đang “tự chảy” vì lợi nhuận quá lớn, thương nhân chỉ cần bỏ một số vốn nhỏ là có thể mua được hàng về bán với giá nào cũng được, lừa được thì bán giá cao, không lừa được thì bán giá thấp, kiểu nào cũng có. Sở dĩ hàng giả lộng hành là do sự quản lý thị trường cẩu thả, lỏng lẻo. 

Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Hoàn Kiếm - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TP.HCM - thừa nhận, hiện một số TTTM có bán hàng gian, hàng giả. Tuần nào, QLTT cũng kiểm tra, thu giữ hàng ngàn sản phẩm gồm quần áo, đồng hồ đeo tay, túi xách hiệu Adidas, Nike, Longines, Omega, Lacoste, Burberry trên địa bàn TP.HCM. Từ đầu năm 2017 đến nay, QLTT đã tiêu hủy hàng gian, hàng giả với tổng giá trị 70 tỷ đồng.

Một cán bộ trong đoàn kiểm tra thuộc Chi cục QLTT TP.HCM cho biết, sở dĩ hàng gian, hàng giả còn công khai là do phía QLTT gặp không ít khó khăn trong việc kiểm tra, xử phạt. Ví dụ, QLTT phải giả danh, chọn được địa điểm, khi tiến hành ra quân thì sạp kinh doanh đó tẩu tán tài sản bằng cách đẩy qua sạp bên cạnh. Khi lực lượng kéo đi thì sạp đó lại treo lên bán tiếp.

Hàng giả trông rất giống hàng thật nên không thể xác định ngay từ đầu mà cần phải có xác nhận từ đơn vị chủ hãng sản phẩm. Chỉ khi có xác nhận là hàng giả thì QLTT mới lập biên bản để xử phạt hành chính.

Do đó, QLTT rất cần sự phối hợp thường xuyên của cơ quan đại diện pháp luật các hãng, cung cấp thông tin hàng thật - hàng giả để kịp thời kiểm tra, xử lý.

Bên cạnh đó, nhiều người tiêu dùng vẫn ưa chuộng những mặt hàng này, sẵn sàng tiêu thụ hàng nhái, hàng giả, nghĩa là đang dung túng cho các gian thương này.

Nhiều năm qua, các “thủ phủ” hàng gian, hàng giả này tồn tại trước mắt người tiêu dùng và cả các cơ quan chức năng ở TP.HCM. Dù viện dẫn nhiều lý do, việc để gian thương lộng hành là điều không thể chấp nhận được. 

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI