Người lạ an toàn và không an toàn

08/05/2019 - 11:30

PNO - Có thể vì quá lo lắng nên cha mẹ đã dạy con không được tiếp xúc với người lạ mà quên dạy cách phân biệt đâu là người an toàn và không an toàn. Điều này khiến trong mắt chỉ toàn là người xấu.

Có nên dạy trẻ không được tiếp xúc với người lạ?

Chúng ta không có quyền hoài nghi và kết tội một ai khi họ chưa làm bất kỳ hành động nào tổn hại đến mình, cũng giống như việc bố mẹ dạy con không được tiếp xúc với người lạ, và cho rằng họ phần lớn đều là người xấu. Việc cảnh giác trước một đối tượng nào đó là điều nên làm, nhưng phải xem xét tùy trường hợp.

Nguoi la an toan va khong an toan
 

Một bà mẹ dạy con mình không được nói chuyện với người lạ, cũng như không cho họ đụng chạm vào cơ thể, ví dụ như trường hợp đến bệnh viện khám bệnh, khi bác sĩ chạm vào người con mình để chẩn đoán, có thể đứa bé sẽ la toáng lên “Chú không được đụng vào người con, mẹ con dạy không cho người lạ đụng chạm cơ thể mình”.

Bạn sẽ không hình dung được suy nghĩ của một đứa trẻ như thế nào, trẻ em rất biết nghe lời, đặc biệt là những lời dặn dò như thế này.

Có thể bà mẹ đã lo lắng nên dạy con mình không được tiếp xúc với người lạ, nhưng đã không dạy con mình cách phân biệt được đâu là người lạ an toàn và không an toàn, như vậy sẽ làm tăng tính hoài nghi cho một đứa trẻ khi trong mắt chỉ toàn là người xấu.

Nhận diện để đề phòng cho đúng

Có phải người lạ nào cũng là người xấu? Chúng ta không thể đảm bảo 100% cho mọi trường hợp, nhưng ngoài việc dạy con mình cảnh giác với người lạ, thì bạn quên rằng việc nhận diện để đề phòng cho đúng là điều quan trọng nhất.

Tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục đã lên đến con số báo động. Riêng năm 2018 Bộ công an đã thống kê có 1.547 vụ xâm hại trẻ em xảy ra trên toàn quốc. Trước tình trạng này phụ huynh không khỏi lo lắng cho con em mình và đề ra các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn. Theo thông tin từ Hội LHPN các cấp tại TP.HCM thì đa phần kẻ xâm hại trẻ không phải là người lạ mà là người thân quen, thậm chí có quan hệ máu mủ với bé như cha ruột, cậu ruột, anh ruột…

Nguoi la an toan va khong an toan
Pa - nô tuyên truyền này đúng nhưng chưa đủ, bởi khi một người dù lạ hay thân quen mà đụng chạm vào bộ phận riêng tư của bé, bé cũng cần biết cách phản đối.

Như vậy, không thể áp đặt cho trẻ rằng người lạ nào cũng là người xấu.

Cách đây không lâu, một câu bé ở Sơn La đạp xe không phanh xuống Hà Nội để thăm em trai bị ốm, vì đuối sức cậu bé đã ngất xỉu, nhưng thật may đã có một người tài xế xe khách đã cứu và đưa cậu bé đến nơi an toàn chờ bố mẹ đến đón. Người tài xế đã giúp cậu bé cũng là một người lạ, nhưng hành động của anh đã giúp mọi người nhìn thấy đó là một cử chỉ đẹp, đáng được tuyên dương.

Ở một số trường hợp, chúng ta nên cần đến sự giúp đỡ của người lạ, khi con mình đi lạc, bệnh tật hay những trường hợp khẩn cấp như cháy nhà mà bố mẹ vắng mặt… thì sự giúp đỡ của họ là vô cùng cần thiết.

Nhận diện người lạ an toàn và không an toàn là điều đầu tiên nên dạy cho con mình. Dù không thể nhận diện được hoàn toàn nhưng phải chú ý đến các điều như sau, nói những lời nhạy cảm khiến các bé xấu hổ, chỉ nhìn hay đụng chạm vào vùng riêng tư trên cơ thể thì nên tránh xa và tìm cách bỏ chạy đến nơi an toàn. Như chị Lê Hoàng Oanh (Quận Bình Thạnh) chia sẻ: “Tôi vẫn cho con mình tiếp xúc với người lạ bình thường, nhưng khi cần phản công thì phản công, chứ không thể đánh đồng ai cũng là người xấu để con mình thấy ai cũng sợ, ngại tiếp xúc…”

Nhận định về vấn đề này, Thạc sĩ Lê Minh Huân (Giảng viên khoa Tâm lý học Trường Đại học Sư Phạm TP. Hồ Chí Minh) cũng cho biết: “Không thể trông mặt mà bắt hình dong, có những người trông dáng vẻ rất đàng hoàng lịch sự, không hề tỏ ra là một người có ý đồ xâm hại tình dục, cho đến khi vụ việc xảy ra. Một số phụ huynh còn nói với con rằng những người mặt dữ tợn đều là người xấu, nhưng đâu phải ai cũng thế, phụ huynh phải hết sức bĩnh để dạy con mình cho đúng cách. Có một vấn đề quan trọng là chúng ta không dám khẳng định hoàn toàn ai là người lạ an toàn và không an toàn, chỉ khi họ đụng chạm mà không được cho phép, có hành vi xâm hại đến trẻ thì phụ huynh và trẻ em mới có quyền nghi ngờ, và phản ứng”.

Ánh Mai

Trong buổi trò chuyện về “Phòng chống xâm hại tình dục cho trẻ” tại Nhà của thời ấu vào ngày 04/05 vừa qua; Thạc sĩ Lê Minh Huân cho rằng, các hành vi, lời nói đụng chạm đến các bộ phận riêng tư đều ẩn chứa nguy cơ xâm hại tình dục, trong đó xác định đúng bộ phận riêng tư là: môi miệng, ngực (cả nam và nữ), mông, cơ quan sinh dục.

Đụng chạm an toàn khi được phụ huynh cho phép, trẻ cảm thấy thoải mái, vui vẻ, cảm giác được yêu thương. Đụng chạm không an toàn là không được sự đồng ý từ phụ huynh, làm trẻ cảm thấy khó chịu và sợ hãi.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI