Người kinh doanh tìm đủ cách né tránh kiểm tra

06/06/2025 - 10:37

PNO - Nhiều chủ cơ sở kinh doanh đóng sạp, dừng bán hàng trực tuyến (online) để đối phó với đợt cao điểm đấu tranh, truy quét, ngăn chặn, đẩy lùi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất và lưu thông hàng giả, hàng nhái (kéo dài từ ngày 15/5 - 15/6) cũng như quy định về khai và nộp thuế bằng hóa đơn điện tử.

Đóng sạp, ẩn sản phẩm

Thường mua gạo ST25 hiệu Ông Cua của một cửa hàng (shop) online trên Shopee nhưng cuối tuần qua, khi vào shop này đặt mua gạo, chị Ngọc Thùy (TP Thủ Đức, TPHCM) chỉ thấy dòng thông báo “sản phẩm không tồn tại”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tình trạng ẩn đơn hàng như trên đang được nhiều cửa hàng, gian hàng trên sàn thương mại điện tử áp dụng do sợ các cơ quan chức năng phát hiện mình đang bán hàng giả, hàng nhái thương hiệu, hàng không rõ nguồn gốc hoặc không có hóa đơn.

Hơn 1 tuần nay, chị T.T.T - ở TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, chuyên bán bánh bao online - không còn rao bán bánh bao trên mạng xã hội Zalo, Facebook như trước. Chị phân bua: “Bán thì vẫn bán, nhưng không rao công khai nữa mà chủ yếu bán cho khách quen qua tin nhắn để tránh phiền phức”. Theo chị, chị mua nguyên liệu làm bánh từ nhiều nguồn khác nhau, có loại mua từ siêu thị nên có hóa đơn, có loại mua qua mạng hoặc ngoài chợ nên không có giấy tờ chứng minh đầu vào. Chị buôn bán nhỏ, thu nhập không ổn định, chỉ thống kê đầu ra, đầu vào bằng trí nhớ nên không thể áp dụng hóa đơn điện tử.

Nhiều gian hàng tại Saigon Square tìm cách đóng cửa, giấu bớt hàng hóa, tránh né lực lượng quản lý thị trường kiểm tra - ẢNH: MAI CA
Nhiều gian hàng tại Saigon Square tìm cách đóng cửa, giấu bớt hàng hóa, tránh né lực lượng quản lý thị trường kiểm tra - ẢNH: MAI CA

Tình trạng né kiểm tra không chỉ diễn ra trên nền tảng trực tuyến. Tối 2/6, không khí mua sắm ở trung tâm thương mại Taka Plaza trên đường Phạm Ngũ Lão, quận 1, TPHCM khá trầm lắng. Nhiều sạp đóng cửa, những sạp không đóng cửa chỉ bày bán lượng hàng ít ỏi. Cảnh tương tự cũng xảy ra ở trung tâm thương mại Saigon Square gần đó. Chủ sạp T.X.X. trong Taka Plaza nói: “Nhiều sạp đóng cửa tạm thời để khỏi làm việc với quản lý thị trường. Tôi đã cất bớt các sản phẩm có giá trị cao vì sợ bị tịch thu. Tôi nhập sỉ hàng từ nhiều công ty, nhưng các công ty này cũng trốn thuế nên không xuất được hóa đơn. Nếu bị phát hiện không có hóa đơn đầu vào, hàng sẽ bị tịch thu, chủ sạp sẽ bị xử phạt. Nhưng tôi không dám đóng cửa sạp vì sợ mất khách”.

Chủ sạp T.X.X. cho biết thêm, sạp có gần 4.000 sản phẩm không có hóa đơn đầu vào nhưng anh không biết phải làm sao. Gần đây, một số người đã tiếp cận, dụ mua hóa đơn giả với giá 400 đồng/tờ nhằm đối phó với lực lượng quản lý thị trường và cơ quan thuế nhưng anh không dám mua.

Chị Kim Hân - nhân viên kế toán của một công ty kinh doanh hoa ở quận 10, TPHCM - cho biết, nhiều nhà cung cấp hoa tươi cho công ty liên tục thay đổi tài khoản ngân hàng để né thuế. Chị kể, tối 31/5, chị vừa chuyển khoản cho Công ty C. thì sáng hôm sau, công ty này đã khóa tài khoản cũ, yêu cầu chị chuyển tiền vào số tài khoản mới. Đến ngày 3/6, họ lại tiếp tục đổi tài khoản. Công ty C. cũng yêu cầu những người mua hoa trực tiếp trả bằng tiền mặt thay vì chuyển khoản.

Tuân thủ pháp luật là việc cần làm, nên làm

Tiến sĩ Đinh Thế Hiển - Viện trưởng Viện Nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng - nhận xét, đang có tình trạng “ẩn mình khỏi radar quản lý”, tức là né tránh sự kiểm tra của cơ quan thuế và quản lý thị trường.

Theo ông, phản ứng như trên là tiêu cực, tạo bất công cho thị trường. Từ góc độ kinh tế vĩ mô, Nhà nước dùng công cụ thuế, quản lý thị trường, công an để đảm bảo sự công bằng, lành mạnh. Do đó, mọi thành phần kinh tế đều cần tuân thủ nghiêm quy định pháp luật để đảm bảo thị trường vận hành công bằng, lành mạnh. Theo ông, trong 3 năm trở lại đây, những hoạt động không phù hợp với kinh tế thị trường đang dần bị loại bỏ. Đây là tín hiệu đáng mừng.

Ông phân tích thêm, các quy định pháp luật trong lĩnh vực thương mại đã có từ lâu nhưng người kinh doanh nhỏ lẻ, online thường làm theo thói quen, phớt lờ quy định, còn người bảo vệ pháp luật lại du di với sai phạm. Hiện nay, Chính phủ yêu cầu thực thi pháp luật đồng bộ, nghiêm minh để tạo lập trật tự, công bằng, minh bạch trong kinh doanh. Điều này có thể gây sốc cho một số tiểu thương chậm chuyển đổi, nhưng là việc cấp thiết phải làm.

Ông cho rằng, hộ kinh doanh, tiểu thương phải nghĩ cho đường dài, phải tuân thủ pháp luật để được pháp luật bảo vệ; những người cố tình né tránh quy định pháp luật, kinh doanh kiểu “bôi trơn”, dựa vào mối quan hệ sẽ không kinh doanh bền vững được.

Luật sư Trần Xoa - Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang - cho biết, Cục Thuế vừa gửi thư ngỏ khuyến nghị người nộp thuế chủ động tìm hiểu quy định pháp luật về thuế, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đăng ký thuế, khai thuế và nộp thuế theo quy định. Cơ quan thuế các cấp cũng đang tích cực rà soát, thu thập thông tin về người nộp thuế hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử và kinh doanh trên nền tảng số nhằm nâng cao hiệu quả quản lý thuế, phối hợp với các cơ quan liên quan xử lý hành vi trốn thuế, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng trên nền tảng số.

Theo luật sư Trần Xoa, bên cạnh những doanh nghiệp, hộ kinh doanh và cá nhân tuân thủ nghiêm pháp luật về thuế, vẫn còn một bộ phận chưa thực hiện đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế, khai báo thiếu trung thực hoặc không hoàn thành nghĩa vụ thuế từ hoạt động kinh doanh trên các nền tảng số. Đây là hành vi phạm pháp, gây thất thu ngân sách nhà nước, tạo sự cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường. Chỉ riêng trong năm 2024, ngành thuế TPHCM đã xử lý hơn 4.000 tổ chức, cá nhân kinh doanh trực tuyến, truy thu và phạt tổng cộng hơn 256 tỉ đồng.

Cũng theo ông Trần Xoa, Tổng cục Thuế (nay là Cục Thuế) đã có chỉ đạo về việc thanh toán không dùng tiền mặt, giúp cơ quan thuế đối chiếu dữ liệu giao dịch qua ngân hàng. Quy định về hóa đơn điện tử cũng là biện pháp để quản lý đầu vào, đầu ra một cách minh bạch. Người kinh doanh cần chấp hành đúng quy định pháp luật, không nên tìm cách né tránh.

Mai Ca - Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI