Người kể chuyện Việt Nam qua ảnh

30/04/2018 - 06:34

PNO - Ted Engelmann đã chụp hàng ngàn bức ảnh về Việt Nam suốt gần 30 năm qua. Đó là những hình ảnh Việt Nam thời bình, khác hẳn những bức ảnh người Mỹ rải chất khai quang mà ông chụp trong chiến tranh.

Và ông đem những bức ảnh đó đến nhiều nơi ở Mỹ để triển lãm, để kể một câu chuyện mới về Việt Nam ngoài hai chữ “chiến tranh”.

Câu chuyện mới về Việt Nam 

Nguoi ke chuyen Viet Nam qua anh
Ted và con trai của Trịnh Minh Trí, Hà Nội tháng 9/2013

Bên hồ Ngọc Hà ở Hà Nội, Ted Engelmann - một cựu chiến binh Mỹ - đi vòng quanh ngắm nhìn và thỉnh thoảng giơ máy lên bấm. Hồ Ngọc Hà - hay như mọi người gọi, là hồ B52, bởi có một phần xác chiếc B52 của Mỹ rơi xuống trong chiến dịch Điện Biên Phủ trên không kéo dài 12 ngày đêm vào năm 1972 - đã khác hẳn so với lần đầu Ted đến đây vào năm 1989.

Trong làng Ngọc Hà, làng hoa của Hà Nội, đất trồng hoa hầu như không còn; những ngôi nhà kiên cố, những biệt thự mọc lên khang trang, đông đúc. Hồ B52 không còn là ao bèo mà đã được xây kè lại, dọn sạch sẽ, đường quanh hồ rộng rãi, quang đãng. Những mảnh máy bay, trừ một phần đã được đưa đi, vẫn ở đó hàng mấy chục năm nay, chứng kiến tất cả những đổi thay của một góc nhỏ Hà Nội này. Đây là nơi mà Ted Engelmann hầu như lần nào đến Hà Nội cũng ghé qua, là nơi ông có một sự gắn bó đặc biệt nhờ một sự tình cờ. 

Năm 1989, khi quan hệ Việt - Mỹ chưa được bình thường hóa, Ted Engelmann đến Hà Nội trong lần đầu tiên trở lại Việt Nam kể từ sau chiến tranh. Khi đó, rất ít cựu binh Mỹ dám làm điều đó. Chấn thương tâm lý của người Mỹ sau cuộc chiến tranh ở Việt Nam - vẫn còn quá lớn - đã dựng lên một rào cản kiên cố.

Trong chiến tranh, Ted được phái sang Việt Nam từ tháng 3/1968 đến tháng 3/1969, khi ông mới ngoài 20 tuổi. Ngay từ khi đó, dù không phải phóng viên nhưng Ted ít khi rời chiếc máy ảnh. Thuộc lực lượng không quân Mỹ, Ted đóng quân ở Rạch Giá, Kiên Giang. Ông chụp rất nhiều, từ cảnh người dân Việt Nam gặt lúa, đánh cá, sinh hoạt ngày thường, đến các thiết bị chiến tranh, các hoạt động của quân đội Mỹ.

Có lần, ông ngồi trên máy bay của không quân Mỹ rải chất da cam xuống vùng Biên Hòa, những vệt rừng xám xịt phía dưới khiến ông hoảng sợ. Trong một phút luống cuống, ngón tay Ted che mất một phần ống kính, nhưng tất cả, cả những cánh rừng, cả vết ngón tay đều hiện rõ trên bức ảnh in ra. Ted bị ảnh hưởng bởi chất da cam và ông nhận được trợ cấp của chính phủ Mỹ cho tổn thương đó. 

Nhưng Ted muốn tự mình tìm câu trả lời cho rất nhiều câu hỏi ông đặt ra về cuộc chiến. Đến Hà Nội lần đầu tiên vào năm 1989, vẫn chiếc máy ảnh trên tay, Ted đi khắp nơi để chụp ảnh. Ông đến làng hoa Ngọc Hà, nơi có xác chiếc B52 bị bắn hạ. Ở đó, giữa bọn trẻ trong làng đang chơi đùa, Ted ấn tượng bởi một cậu bé có đôi má bầu bĩnh. Ông giơ máy ảnh lên chụp cậu bé, cô em gái của cậu liền rướn vào cạnh anh. Hình ảnh đó khiến Ted thấy thú vị và lần trở lại Việt Nam tiếp theo vào đầu những năm 1990, ông quay lại hồ B52 tìm hai anh em cậu bé.

Nhưng khung cảnh trong làng Ngọc Hà thay đổi quá nhiều, Ted không nhận ra đường đi lối lại. Đến tận năm 2005, nhờ những người bạn Việt Nam dẫn vào làng, hỏi người dân xung quanh, Ted mới tìm ra hai anh em cậu bé - Trí và Trang, lúc này đã trưởng thành. Từ đó, năm nào trở lại Việt Nam, Ted cũng vào hồ B52 tìm Trí và Trang, chụp ảnh hai anh em, trở thành nhân chứng cho những đổi thay của gia đình họ. 

Nguoi ke chuyen Viet Nam qua anh
Hai anh em Trang và Trí qua những bức ảnh của Ted Engelmann

Năm 2005, Ted thấy ngôi nhà của gia đình bắt đầu được xây kiên cố, rồi vài năm sau đó là ngôi nhà của người anh cả bên cạnh cũng được xây lên; còn Trí - người con thứ hai trong gia đình - đã lấy vợ và sinh con. Mùa xuân năm nay ông trở lại, Trang - cô em út - cũng đã lấy chồng và có cậu con trai một tuổi rưỡi. Trí cũng học xong cao đẳng rồi học lên đại học, mở công ty riêng về xây dựng, đi làm dự án nhiều nơi. Với Ted, câu chuyện về Trang và Trí là câu chuyện về sự thay đổi của Việt Nam, của người dân Việt sau cuộc chiến. 

Cô bé Hòa Bình và niềm hy vọng

Suốt gần 30 năm qua, Ted Engelmann đã đến Việt Nam hơn 20 lần, có lần hàng tháng trời và ông sở hữu cả một kho ảnh Việt Nam đồ sộ thời hậu chiến, do chính ông chụp. Trở về Mỹ sau chiến tranh, Ted làm giáo viên trung học, trợ giảng ở đại học và theo đuổi những dự án riêng của mình. Ted tìm hiểu nhiều về những ảnh hưởng của cuộc chiến tranh Việt Nam lên tâm lý các cựu chiến binh Mỹ và người thân của họ.

Ông mang những bức ảnh của mình chụp ở Việt Nam - cả trong chiến tranh và những tháng năm hòa bình - đi triển lãm khắp nước Mỹ, tổ chức nhiều buổi nói chuyện với các cựu chiến binh, sinh viên các trường đại học, học sinh các trường phổ thông.

Ông muốn giúp các cựu binh Mỹ thoát khỏi nỗi ám ảnh của bóng ma chiến tranh, khỏi sự trầm cảm, khỏi móng vuốt của rượu và ma túy bằng cách nói ra cảm xúc của họ, chia sẻ những trải nghiệm chung và hơn hết, là nói về một Việt Nam khác, một Việt Nam đổi mới, một Việt Nam hòa bình, rộng mở, phát triển. 

Những bức ảnh của Ted Engelmann đầy tính nhân văn, trong đó là những số phận con người, là sự hướng thiện. "Tôi tin rằng, những hình ảnh mới về Việt Nam sẽ khiến người Mỹ thấy cuộc chiến tranh đã qua, và họ có thể chấm dứt cuộc chiến trong chính tâm trí họ. Họ sẽ không quên, nhưng sẽ tha thứ, trước hết là cho chính mình" - Ted nói - "Người Việt luôn thân thiện, cởi mở, tốt bụng, mảnh đất này thật đẹp, đồ ăn thật ngon. Tôi yêu mến tất cả những điều đó". 

Dường như Ted nhớ từng mảnh đất, từng gương mặt ông gặp trong cả hành trình trở lại Việt Nam. Có một câu chuyện với ông cũng đặc biệt không kém câu chuyện về anh em - Trí - Trang, đó là câu chuyện với gia đình bác sĩ - liệt sĩ Đặng Thùy Trâm. Trong một lần Ted tới dự hội thảo ở Đại học Texas về cuộc chiến của Mỹ ở Việt Nam, ông đã gặp hai anh em Rob và Fred Whitehurst, đều là cựu chiến binh.

Fred là người nhặt được cuốn nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm từ trong chiến tranh và đã giữ suốt hàng chục năm trời, trong khi anh trai ông, Rob, cùng vợ là một phụ nữ người Việt, giúp em trai dịch cuốn nhật ký sang tiếng Anh.

Câu chuyện cuốn nhật ký ám ảnh gia đình Whitehurst cho tới khi Rob khuyên em trai tới hội thảo và họ gặp Ted Engelmann ở đó. Ted tình nguyện nhận lời giúp tìm gia đình bác sĩ Đặng Thùy Trâm và qua những người bạn Việt Nam của ông, thật kỳ diệu, ông đã tìm ra mẹ và những người chị em gái của nữ bác sĩ thuộc quân đội Bắc Việt hy sinh ở Đức Phổ, Quảng Ngãi năm 1970, ở tuổi 27. 

Ông chính là người đầu tiên, vào năm 2005, đem đến cho gia đình liệt sĩ Đặng Thùy Trâm đĩa CD chứa những hình ảnh của cuốn nhật ký, làm bùng nổ câu chuyện đầy xúc động về nữ liệt sĩ - bác sĩ này. Cũng như với anh em nhà Whitehurst, gia đình chị Trâm luôn xem Engelmann như người thân.

Ông đã cùng gia đình đến Texas mùa thu năm 2005, tận tay lật lại cuốn nhật ký thật. Ông cùng gia đình trở lại Đức Phổ, gặp và chụp ảnh những con người ở mảnh đất chị Trâm đã hy sinh. Từ lâu, Ted Engelmann mong muốn tổ chức ở Việt Nam triển lãm về những câu chuyện Việt Nam "một thời đạn bom, một thời hòa bình" của ông, trước hết là triển lãm về bác sĩ Đặng Thùy Trâm cùng gia đình chị. 

Trong một quán cà phê ở Hà Nội, Ted ngồi kể về những bức ảnh của ông. Lúc nào, trong tay ông cũng có một cuốn sổ và một cái bút, ghi những người ông cần gặp, những ý tưởng vừa nảy ra, những dự định sắp tới.

"Có lúc, tôi muốn Hà Nội giống như 10 năm trước, yên bình hơn, ít đông đúc hơn. Bây giờ, đôi khi tôi thấy mình như một con cá nhỏ trong những cái bể quá lớn" - Ted nói về những đổi thay của Hà Nội - "Có lúc, nhìn những khách du lịch trẻ tuổi từ các nước khác đến Hà Nội, tôi cảm thấy ghen tỵ với họ, bởi tuổi trẻ của họ được đi du lịch, còn tuổi trẻ của tôi là chiến tranh. Họ được ở Việt Nam và chứng kiến một cuộc sống hòa bình, năng động ở đây, còn khi tôi bằng tuổi họ, tôi ở Việt Nam và chỉ có những đau buồn, chết chóc, sự hỗn loạn. Nếu không có chiến tranh, tôi có thể đã rất khác, tôi không biết tốt hơn hay xấu hơn, nhưng chắc chắn sẽ khác, sẽ không phải có những trải nghiệm ấy". 

Ted bảo rằng năm tới, ông sẽ lại sang Việt Nam, đúng 30 năm từ khi ông gặp Trang - Trí, đúng 50 năm khi ông rời quân ngũ. Có thể khi đó, ước nguyện của ông về tổ chức triển lãm ở Việt Nam sẽ thành hiện thực và có thể nhiều câu chuyện về chiến tranh với ông sẽ hoàn toàn khép lại.

Trong số những bức ảnh Ted chụp năm 1989, có một bức ông chụp ở Bệnh viện Phụ sản Hà Nội - một em bé vừa được mẹ sinh ra và đặt tên là Hòa Bình. Ted luôn muốn tìm lại cô bé ấy, cô bé Hòa Bình, bởi với ông, những đứa trẻ như Trang, Trí hay Hòa Bình đã đem lại cho ông hy vọng về sự thay đổi. Hành trình trở lại Việt Nam, với Ted, chính là hành trình tìm kiếm hòa bình. 

Mỹ Hằng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI