Người dân khỏe mạnh thì đất nước khỏe mạnh

07/04/2024 - 06:46

PNO - “Mỗi người dân khỏe mạnh làm cho cả nước khỏe mạnh, mỗi người dân yếu ớt làm cho cả nước yếu ớt một phần”. Lời kêu gọi này của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Nhà tôi cách công viên Phú Nhuận (TPHCM) khoảng 3 phút đi bộ. Trước dịch COVID-19, hằng ngày, tôi thường ra đây tập luyện nhưng 2 năm gần đây, tôi chuyển sang công viên Lê Văn Tám tập dù đi xa gấp nhiều lần. Đơn giản vì công viên Phú Nhuận quá tải người tập.

Nhiều người dân ở TPHCM rèn luyện sức khỏe bằng môn chạy bộ Ảnh: Nguyên Thảo
Nhiều người dân ở TPHCM rèn luyện sức khỏe bằng môn chạy bộ - Ảnh: Nguyên Thảo

Từ nửa năm nay, số người tập ở công viên Lê Văn Tám cũng tăng rõ rệt, đặc biệt là từ khi nơi đây cho ra mắt 2 sân tập mới: sân đá bóng và sân đánh bóng chuyền trên cát. Mỗi ngày, công viên có gần 2.000 người tập từ sáng đến tối với gần 15 môn như chạy bộ, đá cầu, cầu lông, dưỡng sinh, khiêu vũ, cầu mây, trượt patin, bóng đá, bóng bàn, bóng chuyền. Một nhân viên công viên cho hay, riêng ở sân bóng rổ, nhiều thanh thiếu niên chơi bóng đến tận 1-2 giờ sáng.

Không chỉ trong công viên, ở đường phố, bờ kênh, sân chung cư, đâu đâu cũng có cảnh người dân hăng say tập luyện. Hình ảnh những công dân đủ mọi lứa tuổi đạp xe hoặc chạy bộ trên đường phố đang dần trở nên quen thuộc.

Không chỉ ở Việt Nam mà ở nhiều quốc gia, sau đại dịch COVID-19 người dân cũng quan tâm việc tập luyện thể dục, thể thao (TDTT). 2 năm đại dịch cướp đi sinh mạng của hơn 15 triệu người trên thế giới đã khiến nhiều người nhận ra sức khỏe là thứ quý giá nhất chứ không phải tiền bạc, công danh hay sự nghiệp.

Trong hội thảo quốc tế về khoa học thể thao với chủ đề “Sự hồi phục và xu hướng của nền công nghiệp thể thao sau đại dịch COVID-19” do Trường đại học Tôn Đức Thắng tổ chức hồi năm ngoái, phó giáo sư, tiến sĩ Lim Boon Hooi của Đại học SEGi (Malaysia) cho biết, sau đại dịch, mối quan tâm của người dân đối với sức khỏe và tập luyện TDTT ngày càng tăng. Tiến sĩ Hooi nói: “Khi căng thẳng của dịch bệnh qua đi, người dân quan tâm hơn đến sức khỏe và thể chất của họ. Hiện nay, có đến 50% người dân tham gia tập thể dục thường xuyên”.

Lợi ích của tập luyện TDTT là không cần bàn cãi. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tập luyện đều đặn sẽ giúp con người phòng ngừa và quản lý tốt hơn những bệnh không lây như tim mạch, đột quỵ, đái tháo đường và nhiều loại bệnh ung thư. Tập luyện cũng giúp phòng ngừa cao huyết áp, duy trì cân nặng cơ thể lý tưởng và có thể cải thiện sức khỏe tâm thần, chất lượng sống.

Do đó, sự phát triển phong trào tập luyện TDTT trong cộng đồng thật sự là điều đáng mừng, bởi đó là minh chứng cho thấy xã hội đang phát triển lành mạnh, trong đó người dân biết chăm sóc bản thân để tạo ra những giá trị tích cực cho gia đình và xã hội.

Đầu năm 2022, UBND TPHCM đã triển khai cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” giai đoạn 2021-2030 với một trong những mục tiêu là đến năm 2025, số người luyện tập TDTT thường xuyên đạt 38% và đến năm 2030 đạt 42% dân số.

Theo một số chuyên gia, mục tiêu này là một thách thức không nhỏ khi không gian công cộng và mảng xanh dành cho người dân sinh hoạt, tập luyện thể chất vẫn còn thiếu. Nhiều khu đất công được quy hoạch là đất công viên cây xanh nhưng thực tế lại đang được cho thuê, sử dụng vào mục đích khác.

Một tín hiệu vui là vào năm 2021, UBND TPHCM cũng đã thông qua “Đề án phát triển công viên và cây xanh công cộng giai đoạn 2021-2030” với nhiều chỉ tiêu quan trọng như đến năm 2025, tăng thêm tối thiểu 150ha đất công viên công cộng và tăng thêm 10ha mảng xanh công cộng; phấn đấu đến năm 2030, đất công viên ở thành phố đạt 1 m2/người và diện tích cây xanh đạt 3-4 m2/người.

Ngày 27/3/1946, trong Lời kêu gọi toàn dân tập thể dục, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Mỗi người dân khỏe mạnh làm cho cả nước khỏe mạnh, mỗi người dân yếu ớt làm cho cả nước yếu ớt một phần”. Lời kêu gọi này đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Phan Sơn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI