Người học hạnh phúc, đến bao giờ?

13/03/2021 - 13:13

PNO - Năm 2020, do dịch COVID-19, học sinh được cắt giảm còn ba môn: toán, ngữ văn, ngoại ngữ. Nay, vẫn còn COVID-19 nhưng bọn trẻ đã đạt “thành tựu xuất sắc” bằng học online thì thi bốn môn có sao đâu.

Một lần nữa, những cha mẹ ở Hà Nội có con thi vào lớp Mười năm nay như tôi lại ngồi trên đống lửa sau công bố của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, học sinh phải thi bốn môn, lịch thi vào ngày 29 và 30/5/2021. Trong tháng Ba này, để chờ sở chốt môn thi thứ tư là gì, học sinh chỉ còn vỏn vẹn 60 ngày.

Thôi, cũng được đi, vì xét cho cùng cũng vì sự toàn diện của kiến thức, bọn trẻ sẽ phải học đều tất cả các môn chứ ai lại học tủ, học lệch. Vả lại, kiến thức cũng vẫn chỉ là trong khuôn khổ sách giáo khoa thôi chứ cao siêu gì đâu.

Học sinh Hà Nội dự thi vào lớp 10    Ảnh: tienphong.vn
Học sinh Hà Nội dự thi vào lớp 10           Ảnh: tienphong.vn

Từ năm 2019, sau cả chục năm chỉ thi hai môn toán, ngữ văn; lần đầu tiên học sinh phải thi bốn môn. Năm 2020, do dịch COVID-19, học sinh được cắt giảm còn ba môn: toán, ngữ văn, ngoại ngữ. Nay, vẫn còn COVID-19 nhưng bọn trẻ đã đạt “thành tựu xuất sắc” bằng học online thì thi bốn môn có sao đâu. 

Là cha mẹ, chúng tôi chỉ biết nỗ lực cố gắng cùng sở. Gần 111.000 học sinh với gấp đôi con số đó là phụ huynh, và hàng ngàn thầy cô đang dạy lớp Chín cũng mướt mồ hôi để luyện cho học trò.

Trước năm 2019 thì chỉ là thầy cô môn toán và ngữ văn; từ năm 2019, ngoài thầy cô môn toán, ngữ văn, ngoại ngữ thì thầy cô các môn sinh, sử, địa, lý, hóa, giáo dục công dân cũng phải vào cuộc vì đến cuối tháng Ba mới biết môn nào là môn thi thứ tư. 

Chưa hết, năm nay lại thêm vấn đề sổ hộ khẩu. Tôi đang tiếc nuối khi vừa tuân thủ pháp luật, làm lại sổ hộ khẩu từ Q.Hoàn Kiếm đổi về Q.Hoàng Mai. Nếu tôi vẫn giữ hộ khẩu cũ, con tôi sẽ có cơ hội thi vào các trường thuộc khu vực 1: Q.Hoàn Kiếm và Q.Hai Bà Trưng, toàn những trường mà con muốn thi vào.

Nhưng tôi đã lỡ chuyển hộ khẩu về Q.Hoàng Mai - khu vực 4, toàn những trường con không thích. Sổ hộ khẩu có giá trị vàng mười lúc này. Giữa nguyện vọng 1 với nguyện vọng 3 cách nhau đến 2 điểm, nghĩa là nếu con có đủ điểm vào trường yêu thích thì vẫn phải giỏi hơn các bạn có hộ khẩu tại đó 2 điểm. 

Còn nhớ ngày 22/4/2019, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã chủ trì lễ phát động triển khai kế hoạch nâng cao năng lực ứng xử sư phạm, đạo đức nhà giáo vì một trường học hạnh phúc, đồng thời chỉ ra các tiêu chí quan trọng, nòng cốt để xây dựng nên trường học hạnh phúc. Mô hình “Happy School” của UNESCO xoay quanh ba chữ P: people (con người) - proscess (hệ thống) và place (môi trường). 

Nhưng người học hạnh phúc thế nào nếu số môn thi tăng theo năm tháng? Phải chờ đến cuối tháng Ba mới công bố môn thi thì liệu “động tác” đó có giúp cho việc học tập của học sinh tốt hơn? Tại sao cần đến bốn môn và liệu có công trình nghiên cứu khoa học nào chứng minh việc đứa trẻ 15 tuổi thi bốn môn sẽ tốt hơn thi ba hay năm, sáu môn? Có quá nhiều câu hỏi mà phụ huynh như chúng tôi vẫn đang ngơ ngác. 

Và thật đáng tiếc, chúng tôi chẳng ai có thể tìm được lời giải thích từ các phụ huynh đi trước, vì mỗi năm một kiểu. Làm cha mẹ có con sinh năm 2006 khác với làm cha mẹ có con sinh năm 2003, 2004 nhiều lắm.

Đến cả thầy cô đang trực tiếp giảng dạy hẳn cũng cần thêm nhiều cuộc họp nghe phổ biến từ cấp trên mới có thể đủ thông tin mà giải đáp cho phụ huynh. Tôi chạnh lòng tự hỏi người học hạnh phúc, đến bao giờ? 

Hoàng Anh Tú

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI