Sở GD-ĐT TPHCM đề xuất thay đổi cách tính điểm tuyển sinh vào lớp 10

10/03/2021 - 16:10

PNO - Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết sở này đang xin ý kiến UBND TP về một số thay đổi trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm nay.

Tại Hội nghị trực tuyến Sơ kết học kỳ I năm học 2020 – 2021 diễn ra vào sáng 10/3, ông Hiếu cho biết Sở GD-ĐT đang xin ý kiến UBND TP về việc thay đổi cách tính điểm các môn thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2021-2022. Trong đó, tất cả 3 môn thi toán, văn, ngoại ngữ đều tính điểm hệ số 1 (thay vì môn toán, văn nhân hệ số 2, môn ngoại ngữ chỉ tính hệ số 1 như trước đây). 

"Việc thay đổi trên nhằm khẳng định tầm quan trọng của môn ngoại ngữ. Đây cũng là môn học quan trọng, nền tảng trong quá trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho thành phố", ông Hiếu lý giải. 

Sở GD-ĐT cũng cho biết về cơ bản, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm nay sẽ giữ sự ổn định về nội dung thi và dự kiến sẽ diễn ra vào đầu tháng 6 tới. 

Cũng trong buổi sơ kết này, rất nhiều vướng mắc của các trường THCS và các Phòng Giáo dục và Đào tạo quận/ huyện đã được lãnh đạo sở giải đáp, hướng dẫn, từ đó tiến tới việc triển khai tốt cho định hướng giảng dạy học kỳ II, lên kế hoạch chuẩn bị cho năm học 2021 – 2022.

Hai nội dung được các trường thắc mắc nhiều nhất xoay quanh vấn đề triển khai lưu hành sách giáo khoa để kịp thời chuẩn bị cho kế hoạch giảng dạy năm học mới và việc bồi dưỡng giáo viên dạy môn Khoa học tự nhiên nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế trong giảng dạy.

Hội nghị trực tuyến Sơ kết Học kỳ I tại Sở Giáo Dục và Đào tạo TP. HCM. Ảnh: Thanh Huyền.
Hội nghị trực tuyến Sơ kết Học kỳ I tại Sở Giáo Dục và Đào tạo TP. HCM. Ảnh: Thanh Huyền.

Đại diện Phòng GD-ĐT Q. Tân Bình cho rằng vẫn còn vướng mắc trong việc bồi dưỡng giáo viên dạy bộ môn Khoa học tự nhiên. Có nên chia nhỏ môn Khoa học tự nhiên thành bốn nhóm phân môn toán, lý, hóa, sinh để tiện hơn cho công tác giảng dạy hay không?

Đa số ý kiến bày tỏ mong muốn sở sớm triển khai lưu hành sách giáo khoa để các trường nghiên cứu và có kế hoạch giảng dạy trong năm học mới.

Giải thích những khúc mắc trên, ông Lê Duy Tân – Trưởng Phòng Giáo dục Trung học, Sở GD-ĐT TP HCM cho biết, ngành giáo dục TP đã triển khai dạy tích hợp liên môn đối với môn Khoa học tự nhiên tới nay cũng được gần bốn năm. Hiện nay, việc bồi dưỡng cho giáo viên dạy môn Khoa học tự nhiên đang được Đại học Sài Gòn tổ chức. Do dó, các đơn vị cần chủ động liên hệ với Đại học Sài Gòn để lên lịch học bồi dưỡng, điều chỉnh sao cho phù hợp với giáo viên của mình.

Theo ông Tân, không nên phân công giáo viên dạy môn Khoa học tự nhiên ra thành các chủ đề như thế. Việc chia nhỏ môn Khoa học tự nhiên thành các phân môn sẽ làm mất đi ý nghĩa của môn học này.

Lãnh đạo Sở nhấn mạnh các thầy cô cần chủ động trong kế hoạch giảng dậy, sách giáo khoa chỉ là một kênh để tham khảo. Ảnh: Thanh Huyền.
Lãnh đạo Sở GD-ĐT TPHCM nhấn mạnh các thầy cô cần chủ động trong kế hoạch giảng dạy, sách giáo khoa chỉ là một kênh để tham khảo. Ảnh: Thanh Huyền

Theo ông Tân, phải thực hiện đúng theo hướng dẫn của Thông tư 25 nên không thể lưu hành sách giáo khoa sớm hơn được. Sách giáo khoa chỉ được coi như một cơ sở chứ không phải là kênh duy nhất để giáo viên tham khảo cho việc soạn giáo án. Kế hoạch giảng dạy của thầy cô nên căn cứ vào sự thống nhất của các tổ chuyên môn.

“Đừng chờ tới lúc có sách giáo khoa để soạn giáo án theo sách. Thầy cô nên chủ động hơn trong kế hoạch giảng dạy của mình”, ông Tân nhấn mạnh. Sở GD-ĐT TP HCM đã tạo điều kiện để các nhà xuất bản giới thiệu sách giáo khoa. Các trường có thể lên trang thông tin của các nhà xuất bản để đọc bài giới thiệu về sách giáo khoa của họ (Nhà xuất bản Giáo dục, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TPHCM…).

Ngoài ra, ông Tân nhắc nhở đối với bậc Trung học phổ thông thời gian học trên internet vừa qua không dài nên một số bộ môn không tổ chức dạy trên internet được. Vì vậy, giáo viên cần nhanh chóng bố trí dạy bổ sung trong thời gian còn lại của học kỳ.

Liên quan tới việc dạy học trên Internet trong đợt vừa qua, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM cho biết có một số phản ánh về đường truyền không được ổn định khi tập trung số lượng lớn người tham gia. Do đó, các trường cần rà soát lại thời gian dạy học trên internet trong đầu học kỳ II để đảm bảo học sinh giữ được nền tảng kiến thức.

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI