Ngư dân Quảng Trị chuyển nghề không dễ!

27/07/2016 - 11:52

PNO - Thời gian này, nhiều thanh niên làng chài Quảng Trị đang theo nhau bỏ làng để vào Nam tìm kế sinh nhai; những người còn ở lại thì quẩn quanh không lối thoát trong việc chuyển nghề.

Buồn như lưới rách

Giữa trưa hè, xã biển Triệu Lăng, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị nắng đổ lửa. Bờ biển vắng hoe. Hàng trăm ngư lưới cụ phục vụ cho vụ cá Nam bị vứt lăn lóc khắp bãi biển. Anh Trần Luân, trưởng thôn 6, xã Triệu Lăng buồn rầu nhìn đống lưới bạc triệu nằm dồn đống. Đây là lần tiên trong đời anh chứng kiến cảnh người dân làng biển “đối xử tàn nhẫn” với ngư cụ. Giọng anh xót xa: “Có khi đi bạn (người đi làm thuê cho chủ tàu cá) cả đời không sắm nổi lưới bạt, nhưng giờ bà con nỡ vứt bỏ. Nhìn cảnh này, ngư dân chỉ còn biết nuốt nước mắt vào lòng. Xót của cũng đành chịu. Những người vứt lưới ở đây đã đi Nam mưu sinh, chờ khi mô biển sạch thì về đi biển lại”.

Hơn 40 năm đi biển, ông Trần Hạp ở xã Triệu Lăng, huyện Triệu Phong chưa bao giờ thấy cảnh lưới đánh cá được bọc lại thành đống rồi vứt bỏ dài trên bãi biển. Ông nói: “Ngư dân chừ chấp nhận vứt bỏ lưới ri đây. Người nào siêng thì ra biển nhặt lưới về rải khắp vườn để chăn nuôi vịt”.

Ngu dan Quang Tri chuyen nghe khong de!
Ngư dân xã Triệu Lăng nhói lòng khi nhìn cảnh lưới bạt bị vứt bỏ trên bờ biển

Cũng như hàng vạn ngư dân dọc các tỉnh miền Trung, gia đình ông Hạp đang rất khó khăn vì cá tôm đánh bắt về khó tiêu thụ. Hiện gia đình ông chuẩn bị làm chuồng nuôi heo nhưng chẳng biết chạy đâu ra vốn. “Trước đây, mỗi ngày đi biển về đem cá ra chợ bán, trúng mánh là kiếm hai đến ba triệu đồng. Giờ bà con chạy đôn chạy đáo mượn tiền ngân hàng để có vốn chuyển đổi nghề, cực lắm chú ơi. Ngư dân làm trang trại khổ đủ bề: không có đất sản xuất, không có kinh nghiệm chăn nuôi, thuốc men phòng dịch cho gia súc gia cầm thì cũng mù tịt”, ông Hạp rầu rĩ.

Ngu dan Quang Tri chuyen nghe khong de!
Ngư dân Trần Hạp mong muốn biển sớm sạch trở lại

Ngày 12/7 vừa rồi, UBND tỉnh Quảng Trị đã mở hội nghị bàn giải pháp chuyển đổi sinh kế cho nhân dân 16 xã, thị trấn vùng biển, nhưng vẫn bí lối. Theo báo cáo của UBND tỉnh, sự cố cá chết bất thường thời gian qua đã gây khó khăn cho hơn 8.000 hộ gia đình, với hơn 44.000 người dân ở 16 xã ven biển, thuộc bốn huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong và Hải Lăng. Tỉnh đã hỗ trợ mỗi người dân 22kg gạo/ tháng và tạm ứng hơn tám tỷ đồng để hỗ trợ bà con ngư dân.

Ngu dan Quang Tri chuyen nghe khong de!
Sau giờ ra biển, những người trong gia đình ông Trần Hạp bắt đầu nuôi vịt trên cát để cải thiện cuộc sống

Dự kiến, từ nay đến năm 2020, tỉnh sẽ chuyển đổi 50% tàu thuyền khai thác công suất từ dưới 20 CV đến dưới 90 CV lên công suất trên 90 CV và đóng mới 100 tàu cá có công suất 90 CV trở lên, đảm bảo khai thác xa bờ; từng bước chuyển đổi các nghề khai thác cá tầng đáy sang khai thác ở biển xa. Ngoài ra, có thể tận dụng 4.600ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó non 1.000ha trong 16 xã để quy hoạch, cải tạo, đầu tư cơ sở hạ tầng, hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp có giá trị cao.Tuy nhiên việc triển khai chuyển đổi nghề, đang gặp nhiều vướng mắc.

"Đau đầu" tòm hướng

Thôn 6, xã Triệu Lăng có 160 hộ ngư dân thiếu đất sản xuất. Ông Trần Mai Son, Chủ tịch xã Triệu Lăng cho biết, những khu vực đồi cát trong xã chỉ có thể trồng tràm. Muốn đưa ngư dân lên làm trang trại phải đầu tư điện, đường và hệ thống thủy lợi trên đất cát nhưng tất cả hiện chỉ là con số không. Vì thế, toàn xã chỉ có khoảng 20 hộ đăng ký tham gia kinh tế trang trại. “Ở đây nước ngầm nhiễm mặn, người dân lo khó có thể trồng trọt nên không mặn mà đăng ký”, ông Son nói.

Xã Hải An, huyện Hải Lăng có 346 lao động nghề biển tập trung ở khu vực Mỹ Thủy. Ngư dân ở đây chủ yếu khai thác bằng thuyền máy, gần bờ. Khi nghe thông tin tỉnh sẽ chuyển đổi 50% tàu thuyền khai thác công suất từ dưới 20 CV đến dưới 90 CV, nhiều bà con vô cùng lo lắng vì nếu hoán cải, nâng cấp, hoặc đóng mới tàu cá, thì số tàu thuyền này sẽ vào ra, neo đậu ở đâu? Đặc biệt, những lao động từ 55 đến 65 tuổi gặp rất nhiều khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn vay để nâng cấp, đóng thuyền mới.

Ngu dan Quang Tri chuyen nghe khong de!
Ngư dân xã Hải An bắt đầu thực hiện mô hình nuôi heo trang trại

Ông Phan Thanh Phúng, thôn Mỹ Thủy, xã Hải An, có bảy người con trai đang trong độ tuổi lao động, trong đó năm người theo nghề biển. Nghề đánh bắt gần bờ đã theo gia đình ông từ ba đời nay, nên khi nghe có chủ trương chuyển đổi tàu là ông lo ngay ngáy: “Nói tới biển bãi ngang là thấy ngay việc tàu thuyền lớn không thể vào bờ. Bây giờ cái khó của chúng tôi là đã lớn tuổi, việc làm thủ tục vay ngân hàng sắm thuyền công suất lớn khó hơn lớp trẻ. Ngư dân xã Hải An có hơn 200 thuyền máy đánh bắt gần bờ, nếu theo chủ trương của cấp trên thì phải vứt bỏ hết. Tôi nghĩ, muốn chuyển đổi nghề, việc cần làm trước tiên là hỗ trợ giống, cây trồng, phân bón, hỗ trợ vốn trực tiếp để chăn nuôi gia súc, gia cầm giúp bà con ổn định kinh tế, trong thời gian chờ biển vui trở lại”.

Ngu dan Quang Tri chuyen nghe khong de!
Tranh thủ những ngày không đi biển, vợ ông Trần Ngọc Lâm ở thôn 6, xã Triệu Lăng sửa lại lưới đánh mực

Tại cuộc họp bàn giải pháp chuyển đổi sinh kế cho ngư dân, ông Võ Văn Hưng, Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Trị dự kiến đưa số tiền được bồi thường sử dụng vào những việc cụ thể như tái tạo nguồn lợi thủy sản 200 tỷ đồng, khắc phục ô nhiễm môi trường 400 tỷ đồng, 200 tỷ đồng cho việc chuyển đổi sinh kế... Đặc biệt, số tiền 1.100 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, bao gồm cơ sở hạ tầng thủy sản, hạ tầng thủy lợi đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều. Theo một số cán bộ huyện Triệu Phong và Hải Lăng, dự kiến sử dụng chỉ 200 tỷ đồng cho việc chuyển đổi sinh kế, nhưng lại đến 1.100 tỷ đồng cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng là khó chấp nhận, bởi hạ tầng nào phục vụ trực tiếp cho sinh kế của người dân là việc vẫn chưa phân định rạch ròi.

Trao đổi với báo chí về vấn đề này, ông Nguyễn Quân Chính, Phó chủ tịch UBND tỉnh cho biết, việc bàn giải pháp chuyển đổi sinh kế cho nhân dân mới chỉ đề cập đến những thiệt hại cần đền bù, chứ chưa thực sự là giải pháp chuyển đổi. Việc làm này không hề đơn giản. Trước mắt, lãnh đạo các địa phương bị thiệt hại cần thống kê rõ số lượng lao động cần được chuyển đổi nghề hay hỗ trợ phát triển sản xuất một lĩnh vực nào đó; rồi tiềm năng, khả năng sản xuất cụ thể của từng hộ, từng địa phương là gì; chẳng hạn có bao nhiêu hộ mong muốn được hỗ trợ chăn nuôi trâu, bò; bao nhiêu hộ xây dựng trang trại nuôi heo... Có như vậy mới thảo luận được các giải pháp cụ thể giúp bà con vượt qua khó khăn.

Thuận Hóa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI