Ngồi một chỗ xin giấy phép xây dựng

04/05/2020 - 06:54

PNO - Ở huyện Nhà Bè, TPHCM, chuyện người dân nhọc công đi xin giấy phép xây dựng đã trở thành… quá khứ. Từ ngày 15/4, muốn xin giấy phép xây dựng, người dân ở huyện này chỉ cần ngồi một chỗ, nộp hồ sơ qua trang web: http://cpxd.nhabe.hochiminhcity.gov.vn.

Những nỗi khổ tâm chung

Năm ngoái, tích cóp đủ một khoản tiền, anh P.H. (xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè) quyết định xây căn nhà hai tầng trên mảnh đất được cha mẹ chia cho. Công đoạn xin giấy phép xây dựng (GPXD) nhà ở của anh H. tưởng chừng đơn giản, hóa ra lại nhiêu khê.

Anh H. kể, khi lên UBND huyện Nhà Bè xin giấy phép xây nhà, anh được một cán bộ tận tình hướng dẫn thực hiện các thủ tục. Về nhà, anh dự tính làm theo các yêu cầu rồi quay lại nộp hồ sơ, đợi kết quả. Công đoạn này mất tầm… một tháng. Nhưng mẹ anh đổ bệnh, phải nhập viện, vừa chăm mẹ, lại phải lo công việc nên không có thời gian hoàn tất hồ sơ xin GPXD. “Đến lúc rảnh, tôi tìm tờ giấy ghi chú các thủ tục cần có thì đâu mất, lại phải chạy lên huyện hỏi”, anh H. cho hay.

Nỗi khổ tâm của anh nói riêng, người dân nói chung khi xin GPXD chưa dừng lại, bởi không phải một lần lên UBND cấp quận, huyện là hoàn thành; mà quá trình làm hồ sơ có thể mắc sai sót phải tới, lui nhiều lần.

Người dân H.Nhà Bè thích thú với ứng dụng chỉ cần ngồi một chỗ, có thể xin giấy phép xây dựng với nhiều tiện ích mà nếu như trước đây, để thực hiện họ phải mất rất nhiều thời gian cho công đoạn tìm hiểu về quy hoạch, chỉ tiêu xây dựng…
Người dân có thể ngồi một chỗ xin giấy phép xây dựng 

Nhiều năm qua, “ăn theo” sự nhọc nhằn này của người dân, các dịch vụ môi giới - nhận ủy quyền xin cấp GPXD nở rộ. Tình trạng lừa đảo, hứa hẹn “chạy” GPXD diễn ra khắp nơi. Ở xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, câu chuyện của anh N.V.T. khiến người dân chưa nguôi bức xúc.

Theo đó, do không có thời gian lên chính quyền tìm hiểu, anh T. nhờ một người tự xưng là giám đốc một công ty bất động sản giúp đăng ký xin GPXD. Mặc dù biết đất của anh T. không đủ điều kiện để cấp phép nhưng người này vẫn cam đoan “lo được”. Đáp ứng cho chuyện “lo được” này, anh T. phải chi cho vị giám đốc đến hàng trăm triệu đồng. Sau đó, anh nhận được một GPXD… giả do vị giám đốc thực hiện công phu bằng con dấu giả. 

Không vướng chuyện GPXD giả tràn lan, bà V. (Q.Bình Tân) hai năm nay vẫn sống trên… đống lửa. Hai năm, căn nhà của bà đã xây xong, nhưng không cách nào hoàn công, được cập nhật tài sản trên giấy tờ chứng nhận. Chuyện của bà V. bắt đầu cũng từ sự tin tưởng người môi giới, được bà ủy quyền xin GPXD. Do mảnh đất nằm trong khu quy hoạch, chính quyền chỉ cấp cho bà V. - thông qua người môi giới - một GPXD tạm.

Tuy nhiên, để kiếm lợi được nhiều hơn từ bà V., người môi giới cam kết “chẳng có tạm gì ở đây, tạm chỉ là trên giấy tờ”. Bà V. an tâm đưa thêm một khoản và mạnh dạn xây một căn nhà mơ ước, tổng chi phí gần 2 tỷ đồng. Nhưng xây xong, bà V. ngã ngửa bởi không thể hoàn công. 

Sự tin tưởng của người dân vào bộ phận “môi giới” trong câu chuyện xin GPXD, lẫn sự hoạt động nở rộ của các đối tượng này đã góp phần làm tăng số vụ việc vi phạm trật tự xây dựng. Trong khi đó, ở góc độ chính quyền, tốc độ đô thị hóa quá nhanh, nhu cầu nhà ở ngày càng lớn khiến bài toán cấp GPXD rơi vào tình trạng quá tải. Áp lực cấp hàng chục ngàn GPXD mỗi năm đã khiến chính quyền các quận, huyện thiếu cán bộ, thiếu chuyên viên phụ trách mảng trật tự đô thị. 

Quan trọng nhất trong thực hiện giao dịch xin cấp giấy phép xây dựng trực tuyến, chính là người dân nhập đúng các thông số tọa độ trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của mình
Quan trọng nhất trong thực hiện giao dịch xin cấp giấy phép xây dựng trực tuyến, chính là người dân nhập đúng các thông số tọa độ trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của mình

Cải cách hành chính và hơn thế

Hiện tại, hầu hết các quận, huyện đều đã có app trực tuyến - cung cấp thông tin và tiếp nhận phản ánh của người dân trên tất cả lĩnh vực. Tuy nhiên, riêng quy hoạch đô thị, các app trực tuyến này chỉ giới hạn ở thông tin như khu vực đất người dân muốn tra cứu thuộc chức năng gì (là quy hoạch công trình công cộng hay dân cư hiện hữu…), chứ chưa xác định được quy hoạch chi tiết. Nếu muốn xin GPXD, người dân buộc phải đến UBND quận, huyện tìm hiểu các chỉ số được phép.

Ngày 15/4, UBND huyện Nhà Bè đã ra mắt mô hình trực tuyến cấp GPXD, bao gồm cung cấp các chỉ số xây dựng. Đây là địa phương đầu tiên tại TPHCM cho ra mắt một ứng dụng đáp ứng đúng nhu cầu của người dân.

Cụ thể, trang web http://cpxd.nhabe.hochiminhcity.gov.vn cung cấp hàng loạt thông tin về chỉ tiêu quy hoạch, như quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000, quy hoạch sử dụng đất được phê duyệt, kể cả quy hoạch nông thôn mới ở huyện cùng với chi tiết hệ thống quy hoạch giao thông, hẻm, các tuyến hành lang bảo vệ sông, rạch, lưới điện… 

Không cần đến UBND huyện để tìm hiểu về quy hoạch thuộc khu đất của mình, sau đó xin cấp phép xây dựng; từ nay, người dân huyện Nhà Bè có thể ngồi một chỗ, ở bất cứ nơi đâu để thao tác, thông qua trang web nói trên. Đơn cử, bằng việc điền đầy đủ các hạng mục, nhập đúng chỉ số tọa độ trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của mình; người dân sẽ biết được đất của mình thuộc đất gì - nông nghiệp hay phi nông nghiệp; nếu là đất nông nghiệp, có lên được thổ cư?

Trường hợp muốn xây dựng nhà ở, chỉ nhấp chuột, hệ thống sẽ lập tức trả kết quả cho người dân được biết: có được phép xây dựng? Nếu có, thì với diện tích bao nhiêu, số tầng cao bao nhiêu, trong giới hạn mật độ nào hoặc mảnh đất đó có phải bị trừ đi diện tích do nằm trong quy hoạch thuộc hành lang bảo vệ kênh rạch, đất cho lộ giới hẻm…

Người dân huyệ n Nhà Bè thích thú với ứng dụng chỉ cần ngồi một chỗ, có thể xin giấy phép xây dựng với nhiều tiện ích mà nếu như trước đây, để thực hiện họ phải mất rất nhiều thời gian cho công đoạn tìm hiểu về quy hoạch, chỉ tiêu xây dựng…
Người dân huyệ n Nhà Bè thích thú với ứng dụng chỉ cần ngồi một chỗ, có thể xin giấy phép xây dựng với nhiều tiện ích mà nếu như trước đây, để thực hiện họ phải mất rất nhiều thời gian cho công đoạn tìm hiểu về quy hoạch, chỉ tiêu xây dựng…

Việc cho phép nắm trước các thông số, giúp người dân chủ động tính toán khả năng xây dựng nhà ở của mình. Chiều 23/4, anh Thuận (xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè) thử điền các hạng mục trên website. Bất ngờ, với 100m2 đất anh dự kiến xây nhà, chỉ còn xây được tối đa 75m2. “Sau khi tra cứu, tôi biết được 25m2 đất của mình đã bị vướng các chỉ tiêu quy hoạch của huyện”, anh Thuận nói.

Do đó, với diện tích được phép xây dựng 75m2, anh sẽ phải tính toán lại bản thiết kế nhà. Ông Hà Minh Tân, Trưởng phòng Quản lý đô thị UBND huyện Nhà Bè, khẳng định: “Chuyện nắm được thông tin ban đầu này rất quan trọng, giúp người dân chủ động tính toán, mà không lo lắng sẽ thiết kế không đúng với quy hoạch chung hoặc xây dựng sai phép. Bên cạnh đó, người dân cũng không phải mất công tới lui gặp chính quyền, hỏi thăm các quy hoạch lẫn chỉ tiêu về xây dựng như trước”.

Sau khi nắm bắt các chỉ số, nếu muốn xin GPXD, người dân tiếp tục gửi lên web hình ảnh đơn xin cấp, bản vẽ, giấy chứng nhận quyền sở hữu đất. Ngay sau đó, hệ thống sẽ tự động xuất biên nhận bằng mã số, gửi đến số điện thoại hoặc e-mail đăng ký của người dân. Trường hợp người dân có sai sót, đặc biệt về tọa độ khu đất, chuyên viên tiếp nhận sẽ kiểm tra, đối chiếu, điều chỉnh thay.

Tất cả các điều chỉnh này được lưu lại và người dân đều biết. Nếu có sai sót về tọa độ có thể dẫn đến thông tin các chỉ tiêu quy hoạch, xây dựng quá khác biệt ban đầu, người dân sẽ được báo để điều chỉnh, cân nhắc thay cho việc thắc mắc vì sao xin cấp phép xây nhà mà chính quyền không cho. Do đó, theo ông Tân, quan trọng nhất trong đăng ký cấp GPXD trực tuyến là người dân phải nhập chính xác các thông số tọa độ được in trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của mình.

Việc cấp GPXD trực tuyến là một trong những đột phá cải cách hành chính của UBND huyện Nhà Bè; ở khả năng tiết kiệm tối đa quy trình và công sức của cán bộ đô thị. Ông Tân cho hay, với quy trình thủ công trước đây, “đường đi” của hồ sơ xin cấp GPXD của người dân trải qua nhiều công đoạn, mà ở công đoạn nào, cán bộ đều phải nhập liệu từ đầu, tiếp theo là trải qua nhiều khâu trình ký mới có thể chuyển trả ngược hồ sơ cho người dân.

Trong khi đó, với mã số hồ sơ, mỗi khâu tiếp nhận đều dễ dàng mở được và chỉ cần xử lý việc tiếp theo, thuộc chuyên môn của mình. Hơn thế, quá trình này, người dân cùng lãnh đạo UBND huyện Nhà Bè có thể truy xuất “lịch sử” của hồ sơ, qua đó giám sát việc giải quyết hồ sơ cho người dân đã ở công đoạn nào. Tương tự, với mỗi yêu cầu được biết của người dân về thông tin quy hoạch, chỉ tiêu xây dựng được phép; nếu là trước kia, cán bộ ở mỗi công đoạn đều phải lục tìm, trích xuất hồ sơ gốc để giải quyết khiến mất nhiều thời gian.

UBND huyện Nhà Bè cho hay, do đã tích hợp trang web lên app “Nhà Bè trực tuyến”, người dân dễ dàng mở app, xem công trình đang xây dựng này đã có GPXD hay chưa. Tiện lợi này sẽ là nền tảng quan trọng cho câu chuyện giám sát cộng đồng trong thực hiện chỉ thị 23 về trật tự xây dựng; khi người dân thực hiện quyền kiểm tra, giám sát, cùng với chính quyền ngăn chặn, xử lý các vụ việc vi phạm trật tự xây dựng. 

Cầm trên tay cẩm nang hướng dẫn đăng ký cấp GPXD trực tuyến của UBND huyện Nhà Bè, anh Triệu Long (xã Phú Xuân) hồ hởi: “Ba tháng nay, tính xây nhà thì vướng dịch bệnh COVID-19 khiến tôi ngại, chưa đi xin GPXD. Nay với ứng dụng này, tôi có thể thao tác dễ dàng”. Là luật gia, anh Long cho rằng, ứng dụng trực tuyến đã tạo đột phá trong việc áp dụng phù hợp với thực tế phòng, chống COVID-19 của thành phố cùng sự giảm thiểu nhọc nhằn, tiết kiệm thời gian cho người dân, chính quyền qua các giao dịch công.

Tuyết Dân

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI