Nghệ sĩ: Xin đừng quật mộ, bán thân!

08/12/2017 - 07:33

PNO - Cho đến hôm nay, khi đã rời đỉnh cao, những câu chuyện của họ giúp ích gì cho sự phát triển của nghệ thuật?

Chiều 6/12, video tập 10 của chương trình Sau ánh hào quang đã bị gỡ khỏi các kênh chính thức. Được biết, đây là chỉ đạo của HTV - Đài truyền hình TP.HCM - đối với đơn vị sản xuất Đông Tây Promotion sau những phản ứng gay gắt của nghệ sĩ Duy Phương lẫn nhiều nghệ sĩ Việt về sự thô thiển, phi nhân của chương trình này.

Xuyên suốt nhiều tập phát sóng, những lời kể của nhân vật đều được cho là một chiều, phiến diện và trong hầu hết trường hợp là không thể xác minh hoặc gây tổn thương cho nhiều người khác, thậm chí là cho chính bản thân nhân vật.

Nghe si: Xin dung quat mo, ban than!
Tập phát sóng câu chuyện của Lê Giang đã được gỡ bỏ

 Chuyện nghệ sĩ Duy Phương có kiện HTV và nhà sản xuất chương trình như ông nói hay không hiện vẫn còn chưa rõ. Song dù ông có kiện hay không thì bản chất vấn đề vẫn không thay đổi: khi nghệ sĩ quật mộ chính mình với sự tiếp sức của người khác để cùng mang ra bán giữa chợ đời thay vì hoạt động nghệ thuật, nền nghệ thuật của chúng ta đã trở nên yếu ớt và thảm hại hơn bao giờ hết.

Hãy thử kiểm lại suốt một năm 2017 vừa qua, chúng ta có bao nhiêu sản phẩm âm nhạc, bao nhiêu vở tuồng, bao nhiêu bộ phim thực sự thu hút khán giả (chưa nói đến chất lượng chuyên môn của chúng). Trong khi đó, các nghệ sĩ ngày ngày chạy show khắp các kênh truyền hình để hết làm thí sinh đến làm giám khảo, hết diễn hài nhảm đến bán mua chuyện đời tư. Ừ thì, khán giả vẫn có nhu cầu được biết về cuộc đời phía sau sân khấu của những nghệ sĩ mình mến mộ, nhưng chắc chắn đó không nên là những câu chuyện giật gân, rẻ tiền và khó kiểm chứng.

Đừng nói đó là những câu chuyện, tâm tư sau ánh hào quang để công chúng hiểu thêm và yêu thương nghệ sĩ. Hãy một lần sòng phẳng nhìn nhận lại! Những nghệ sĩ ấy, cả ở thời cực thịnh của họ, đã tỏa được bao nhiêu hào quang thực sự cho nền văn hóa nghệ thuật Việt Nam? Hào quang nghệ thuật xám xịt và lập lòe thế thôi ư? Cho đến hôm nay, khi đã rời đỉnh cao, những câu chuyện của họ giúp ích gì cho sự phát triển của nghệ thuật? 

Nghe si: Xin dung quat mo, ban than!
Duy Phương- một nạn nhân của Sau ánh hào quang

Kể cả nếu là chuyện mua vui thì cũng chẳng hề vui. Có vui chăng là nhà đài, nhà sản xuất, với những hợp đồng quảng cáo, tài trợ nhận được. Còn nghệ sĩ bán chuyện nhận thù lao thì âu cũng đã trả giá rồi.

Ở một góc khác, có quan điểm cho rằng chỉ nên xem đó như hồi ký của người trong cuộc. Dù vậy, khi một cuốn hồi ký được viết ra, người chấp bút, nhà xuất bản chẳng thể bảo mình không hề liên quan và không chịu trách nhiệm gì. Đó chính xác là thái độ vô trách nhiệm và không tử tế, kém chuyên nghiệp.

Cũng trong ngày 6/12, nữ ca sĩ Taylor Swift xuất hiện trên trang bìa tạp chí Time với tư cách là Nhân vật của năm 2017 và đứng chung với "Những người phá vỡ sự im lặng" (The Silence Breakers). Họ đã chọn nói lên tiếng nói trước nạn bạo hành, nạn quấy rối tình dục.

Họ đã dũng cảm đối diện với quá khứ để lôi những kẻ thủ ác ra ánh sáng, để khơi dậy niềm tin, tình yêu vào cuộc sống và truyền cảm hứng cho những người đang phải cúi đầu chịu đựng.

Cách họ lên tiếng, cách họ tự vệ và chống lại cái xấu hoàn toàn khác hẳn với cách các nghệ sĩ Việt rêu rao câu chuyện cá nhân để làm quà cho những người buôn chuyện. 

Liên Châu 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI