Ngày xưa Hà Nội

24/07/2013 - 11:13

PNO - PN - Liveshow đầu tiên trở lại sau khi được vinh danh với giải Cống hiến 2013, In The Spotlight một lần nữa khẳng định không chỉ đẳng cấp chất lượng của âm nhạc họ mang tới công chúng, mà còn khiến người ta trân trọng ở sự kỹ...

Khái niệm “Hà Nội” trong âm nhạc giống như một định nghĩa khác về tình yêu, nghĩa là ai cũng có một Hà Nội trong tim mình, thân thương và cảm động theo cách riêng của mình. Bài hát về Hà Nội nhiều vô kể, cũng không thiếu bài hay - điều tưởng là thuận lợi, hóa ra lại thành thách thức nếu định làm đêm nhạc về chủ đề này. In The Spotlight số 7 - Người Hà Nội (hai đêm 19 - 20/7) đã chọn cách dùng ngôn ngữ âm nhạc để kiến tạo một không gian lãng mạn mà hào hùng; kỹ lưỡng, tinh tế mà đơn giản. Phong vị ấy vừa đúng với cốt cách Hà Nội, vừa nhất quán với dấu ấn hình ảnh của chuỗi chương trình từ khi họ xuất hiện trên thị trường làm show.

Nhà hát Lớn đón khách từ sảnh là những thanh nữ bận áo dài trắng quần lụa đen, backdrop tranh phố cổ lô xô mái ngói của Bùi Xuân Phái, hoa trang trí (và tặng nghệ sĩ) là sen trắng Hồ Tây cuối mùa… Một bắt đầu dễ chịu, ngay khi bạn bước chân vào cửa nhà hát, bởi bạn đã gặp sự hòa hợp “rất Hà Nội” trong khán phòng hơn trăm năm tuổi này.

Ngay xua Ha Noi

Nhớ mùa thu Hà Nội được Đài PT-TH Hà Nội chọn làm nhạc hiệu. Chiều tan tầm, đi qua Hồ Gươm vẫn được nghe giọng Hồng Nhung lảnh lót từ chiếc loa mắc trên cây xà cừ nào đó “Mùa hoa sữa về thơm từng cơn gió/Mùa cốm xanh về thơm bàn tay nhỏ/Phố xưa vỉa hè thơm bước chân qua…”. Những bài hát cũ thân thương và quen thuộc đến nỗi, ai cũng có thể lẩm nhẩm hát theo. Thế nhưng, khi những nốt nhạc vang lên dưới mái vòm nhà hát, người nghe vẫn thấy run rẩy và xúc động, có thể vì trong không gian đó, họ đã dọn sẵn lòng mình cho cuộc viễn du trở về ký ức. Hà Nội kiên cường của những tháng năm nghèo khó mà đượm tình, kiêu bạc và hào hoa, tần tảo thương khó mà rộng lòng phóng khoáng - đã trở lại vẹn nguyên với chùm ca khúc Người Hà Nội, Bài ca Hà Nội, Hà Nội một trái tim hồng, Hà Nội mùa thu… Trước buổi diễn, ca sĩ Mỹ Linh có nói, chị sẽ hát giản dị và thành thực như Hà Nội vẫn ở trong tim chị “bài hát về Hà Nội lạ lắm - chỉ cần hát lên thôi, tự nó đã xúc động”. Và không chỉ Linh, mà cả Hồng Nhung cũng hát như thế, cảm động và đơn giản như cách họ kể một câu chuyện về ruột thịt, về tuổi trẻ của chính mình. Vũ Thắng Lợi, với cảm nhận của một chàng trai tuổi đôi mươi, đã thổi sự nồng nhiệt và trong sáng cho Hà Nội niềm tin và hy vọng. Giọng thính phòng chuẩn mực của Lợi gây bất ngờ với Mong về Hà Nội trên bản phối Rn’B hoàn toàn mới mẻ. Có thể nói, In The Spotlight số 7 đã “nâng hạng” giọng hát Vũ Thắng Lợi một cách ngoạn mục trong lòng khán giả mộ điệu.

Hà Nội là tuổi trẻ, là những mối tình vụng dại. Có thể ngọt ngào hay buồn đau, có thể ấm áp hay nhiều ngại ngùng, ngây thơ hoặc rất đỗi điên rồ… Cái góc nhỏ riêng tư ấy đôi khi tưởng như chúng ta đã lãng quên giữa mệt mỏi của đời sống thường nhật, nhưng hóa ra nó vẫn yên ổn trong một vùng thương nhớ, chỉ cần có cơn cớ là trở về sống động. Âm nhạc đã làm được điều kỳ diệu ấy, Người Hà Nội như một bảo tàng tình yêu, mà người nghe nhạc như được tìm về chính mình. Qua giọng hát Mỹ Linh, Hồng Nhung, Quang Dũng, Thắng Lợi - Chiều Hà Nội (Vũ Quang Trung), Ngẫu hứng sông Hồng (Trần Tiến), Trở về (Dương Thụ), Không còn mùa thu (Việt Anh)… những bản tình ca thập kỷ 90 mà lứa 7X không ai không thuộc, với nhiều khán giả là khoảnh khắc họ được trở lại vẹn nguyên của tuổi trẻ bị đánh mất.

Người Hà Nội - chương trình được ấp ủ lâu nhất của ê kíp In The Spotlight, sau một năm thai nghén mới thành hiện thực, được tự xem như tỏ bày yêu thương của mình với mảnh đất này. Hà Nội đang thay đổi từng ngày, phần nhiều những thay đổi trên khía cạnh tinh thần là bát nháo, nhưng phẩm chất lịch lãm, thơm thảo, tự trọng của ngày xưa Hà Nội không hề mất đi, mà vẫn còn được lưu giữ trong từng nếp nhà, trong văn chương và trong những bài hát.

 Quỳnh Hương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI