Ngày càng nhiều hơn những trang sách hay về biển đảo

16/04/2025 - 06:12

PNO - Trường Sa nói riêng và biển đảo nói chung đã và đang xuất hiện ngày càng nhiều trong các tác phẩm văn học, với nhiều thể loại. Những người cầm bút đã cùng nhau lan tỏa giá trị ý nghĩa về chủ quyền biển đảo đến thế hệ trẻ.

“Mỗi người đều có một câu chuyện để kể về Trường Sa”

Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy - tác giả Tôi kể em nghe chuyện Trường Sa, Biển xanh màu lá - vừa trở về sau chuyến công tác đến quần đảo Trường Sa. Anh đã mang theo những tác phẩm viết về nơi đầu sóng trao tặng các chiến sĩ, nhân dân và thiếu nhi ở các điểm đảo.

Một số  tác phẩm  giàu cảm xúc viết về biển đảo
Một số tác phẩm giàu cảm xúc viết về biển đảo

25 năm trước, nhà văn Nguyễn Xuân Thủy từng là người lính công tác tại Trường Sa. Nay, anh trở lại với vai trò một người cầm bút. Tôi kể em nghe chuyện Trường Sa là tập sách viết cho thiếu nhi, được trao giải Vàng - giải thưởng Sách hay năm 2012. Còn Biển xanh màu lá (in lần đầu vào năm 2008, đến nay đã tái bản nhiều lần) được xem là tiểu thuyết đầu tiên viết về Trường Sa, trở thành một trong những tựa sách gối đầu giường của các chiến sĩ hải quân. Nguyễn Xuân Thủy chia sẻ rằng từ thế hệ anh đến bây giờ, Trường Sa đã có rất nhiều đổi thay, phát triển và ngày càng được ươm xanh với những vườn rau, cây cối…

Quãng thời gian gắn bó với nơi đầu sóng đã cho nhà văn chất liệu để viết nên những tác phẩm có ý nghĩa với trẻ thơ và cho cả bạn đọc trưởng thành. “Mỗi người cầm bút đều có những câu chuyện để kể về Trường Sa” - nhà văn Nguyễn Xuân Thủy chia sẻ khi nhìn lại những tác phẩm viết về nơi đầu sóng trong những năm qua.

Mới đây, nhà thơ, nhà báo Hồ Huy Sơn cũng vừa ra mắt tập thơ thiếu nhi Trái tim của đảo (tác phẩm tham dự giải thưởng Văn học Kim Đồng lần thứ nhất, giai đoạn 2023-2025). Các tác phẩm viết về đề tài biển đảo những năm gần đây còn có: Trường Sa - Kì vĩ và gian lao (Sương Nguyệt Minh), Nơi đầu sóng, Ngang qua bình minh (Lữ Mai), Trường Sa - Nơi ta đến (Nguyễn Mỹ Trà), Trong giông gió Trường Sa (Nhiều tác giả)…

Trước đây, tác phẩm về Trường Sa rất hiếm hoi, nổi bật có Đảo chìm của nhà thơ Trần Đăng Khoa (ông từng là chiến sĩ Trường Sa, công tác ở đảo Thuyền Chài) cùng một số tuyển tập nhiều tác giả, sách nghiên cứu - tư liệu… Nay, sách về đề tài biển đảo được bổ sung nhiều tác phẩm mới với các thể loại: tiểu thuyết, truyện ngắn, truyện dài, bút ký - tản văn, thơ, các tác phẩm dành cho thiếu nhi… Biển đảo đã đi vào trang viết ở nhiều góc độ, với những cảm xúc và phong cách riêng của mỗi người cầm bút. Các tác phẩm góp thêm những gam màu làm đầy lên bức tranh văn chương với những sáng tác về Trường Sa nói riêng và biển đảo nói chung.

Những tác phẩm giàu cảm xúc

Có những nhà văn - người lính, thầy giáo từng công tác ở quần đảo Trường Sa viết sách chia sẻ ký ức không quên về nơi đầu sóng như nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhà văn Nguyễn Xuân Thủy, nhà thơ Nguyễn Hữu Phú, chiến sĩ Hoàng Hải Lý… Cũng có rất nhiều người cầm bút từ đất liền đến Trường Sa và mang về những niềm cảm xúc quý giá cho văn chương. Thậm chí các tác giả chưa từng đặt chân đến miền hải đảo xa xôi cũng có những sáng tác giá trị, lan tỏa bằng tình yêu dành cho biển đảo.

Các tác giả trực tiếp hiện diện, trải qua và thấu hiểu sự khắc nghiệt của cuộc sống giữa trùng khơi đã kể cho người đọc những câu chuyện đầy chất liệu từ thực tế. Từng là người lính theo chân ngư dân trong nhiều chuyến đi biển, những trang viết của tác giả Lê Văn Chương trong Kể chuyện Hoàng Sa, Như cây phong ba trên đảo Hoàng Sa (Nhà xuất bản Trẻ) rất chân thực và xúc động. Vẻ đẹp của hải đảo, cuộc mưu sinh bám biển của ngư dân và cả những cuộc đối đầu căng thẳng trên Biển Đông được kể lại trong những tác phẩm này. Trong khi đó, tác giả Vũ Phi Hoàng - người có nhiều năm công tác trên các vùng biển - đã viết về những quần đảo sinh động, đầy sức sống trong tập sách Kể về hải đảo của chúng ta.

Tình yêu và cảm xúc dành cho biển đảo còn được thể hiện trong những tác phẩm đặc sắc dù tác giả chưa đến Trường Sa: tiểu thuyết Hùng binh (viết về hải đội Hoàng Sa, tác giả Đặng Ngọc Hưng - giải B, giải thưởng Sách Quốc gia năm 2019), Nơi khôn thiêng của biển (thơ, Lương Hữu Quang, giải B - giải thưởng chủ đề Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2018)… Các tác phẩm không chỉ có giá trị với bạn đọc ở đất liền mà còn trở thành những món quà ý nghĩa trở về Trường Sa, dành tặng chiến sĩ, nhân dân và trẻ em nơi đầu sóng.

“Tôi nghĩ rằng Trường Sa đã cho mỗi người dân Việt Nam những cảm xúc chung: nhịp đập của Tổ quốc. Mỗi người cầm bút đã đặt chân đến nơi đầu sóng có lẽ đều mong muốn viết về nơi này bằng những rung động của riêng mỗi cá nhân. Các tác phẩm đều xứng đáng được ghi nhận và trân trọng” - nhà văn Nguyễn Xuân Thủy bày tỏ.

Ngày càng có thêm những tựa/bộ sách khơi gợi tình yêu biển đảo quê hương dành cho thiếu nhi: Em yêu biển đảo quê hương (6 tập, sách tranh, Nhà xuất bản Trẻ), Hải âu đi tìm cha (truyện dài, Trần Thu Hằng), Cùng em tìm hiểu Hoàng Sa - Trường Sa (Nguyễn Như Mai, Nguyễn Quốc Tính, Nguyễn Huy Thắng, Nhà xuất bản Kim Đồng…).

Lục Diệp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI