Ngành "công nghiệp chuột túi" trị giá triệu đô và nạn thảm sát kangaroo

18/11/2020 - 06:00

PNO - Mặc dù được xem là một trong những biểu tượng của đất nước Australia, thế nhưng tình trạng săn bắn và nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm từ kangaroo tăng cao khiến loài động vật có túi này đang phải đối mặt với nhiều vấn đề, kể cả nguy cơ bị tuyệt chủng.

“Khi đang ngon giấc thì đột nhiên bị đánh thức bằng tiếng nổ đanh gọn của súng trường và ánh đèn pha công suất lớn dọi thẳng vào cửa sổ phòng ngủ. Vậy là xong. Con vật mà bạn yêu quý vừa đổ vật xuống”, Greg Keightley, một nhà bảo vệ động vật kể lại.

Kangaroo là mục tiêu của những cuộc săn bắn diễn ra hàng đêm ở nước Úc - Ảnh: Independent
Kangaroo là mục tiêu của những cuộc săn bắn diễn ra hàng đêm ở nước Úc - Ảnh: Independent

Hơn 10 năm nay, anh Keightley sống trong ngôi nhà nhỏ ở bang New South Wales (Úc) nằm sát bên khu vực được phép săn bắn, mà anh gọi là “khu vực chiến tranh” bởi quá nhiều súng đạn và tận mắt chứng kiến những con vật bị sát hại hàng đêm.

Những “sát thủ” hoạt động trong khu vực này với lịch trình cố định từ 20 giờ đến 2 giờ sáng bởi đây chính là khoảng thời gian mà màn đêm che giấu hành tung của họ, và cũng là lúc dễ tiếp cận con mồi nhất. Họ chính là những kẻ săn bắn kangaroo, một loài động vật có túi đặc trưng mang tính biểu tượng của Australia, và cũng là một ngành công nghiệp với nguồn lợi nhuận khổng lồ lên đến nhiều triệu đô la.

“Những con kangaroo ngã vật xuống ngay trước mắt, bên ngoài hàng rào nhà tôi, ngay trước mũi xe ô tô của tôi. Có cả những con kangaroo còn nhỏ”, anh Keightley mô tả. “Và không ít lần chính tôi cũng trở thành mục tiêu hứng đạn khi di chuyển bên trong khu vườn của nhà mình. Bởi dưới ánh đèn soi của súng trường lúc đêm khuya thì tôi cũng chẳng khác gì một con kangaroo”.

Kangaroo được sử dụng như là biểu tượng của đất nước Australia, và xuất hiện trên nhiều sản phẩm lưu niệm nhằm quảng bá cho ngành du lịch - Ảnh: hellomelbourne
Kangaroo được sử dụng như là biểu tượng của đất nước Australia, và xuất hiện trên nhiều sản phẩm lưu niệm nhằm quảng bá cho ngành du lịch - Ảnh: hellomelbourne

Nhắc đến kangaroo, ngay lập tức người ta nghĩ đến Australia bởi hình ảnh của loài chuột túi này xuất hiện hầu như mọi nơi với nhiệm vụ quảng bá cho đất nước. Chúng xuất hiện một cách trang trọng trên các tập san du lịch, đoạn phim quảng cáo, thanh chocolate, áo quần, xe hơi,... Thậm chí đội tuyển bóng bầu dục cấp quốc gia cũng chọn loài động vật cao gần 2m này để đặt tên cho mình.

Thế nhưng, có một góc khuất khác không hề dễ chịu dành cho những con thú có túi khổng lồ hiền lành này. Hàng năm, có hàng triệu con kangaroo bị săn bắn để lấy thịt và da phục vụ con người.

Nhu cầu quá lớn ở thị trường quốc tế, phần lớn là từ châu Âu với ước tính khoảng 2/3 số lượng các sản phẩm từ kangaroo được xuất sang lục địa này, đã khiến loài động vật có túi bị đẩy vào những cuộc thảm sát với quy mô lớn. Thịt của chúng sẽ trở thành thực phẩm phục vụ con người hay thức ăn của thú cưng, còn da thì được biến thành giày, ủng, tấm lót ghế trong xe ô tô, và nhiều món đồ thời trang khác được trưng bày trong các cửa hiệu sang trọng.

Thịt kangaroo được tiêu thụ rộng rãi như là nguồn thực phẩm hàng ngày tại Australia và thị trường châu Âu - Ảnh: fuchsiadunlop
Thịt kangaroo được tiêu thụ rộng rãi như là nguồn thực phẩm hàng ngày tại Australia và thị trường châu Âu - Ảnh: fuchsiadunlop

Mặc dù tình trạng săn bắn kangaroo đã gây nhiều tranh cãi trong công chúng từ lâu, nhưng mãi đến khi nạn cháy rừng quy mô lớn tàn phá khắp một khu vực rộng lớn ở Úc hồi cuối năm 2019 và đầu năm nay mới khiến người ta giật mình lo lắng.

Giới bảo tồn động vật hoang dã ước tính có khoảng 3 tỷ động vật đã chết do bị thiêu sống trong các vụ cháy rừng, trong đó chắc chắn có một số lượng lớn kangaroo. Loài động vật này nổi tiếng bởi khả năng chạy và nhảy rất nhanh, nhưng không thể nào nhanh hơn những ngọn lửa dữ. Và kể cả khi một số con kangaroo may mắn kịp chạy thoát khỏi đám hỏa hoạn kia thì cũng không thể tránh được những họng súng đang chĩa thẳng vào chúng bởi con người.

Mặc dù được tôn vinh như là biểu tượng của quốc gia, thế nhưng sự tồn tại của loài động vật có túi này cũng mang nặng những mâu thuẫn trong đời sống con người.

Một số người cho rằng, sự phát triển ồ ạt về số lượng kangaroo đã gây nên nhiều tác động tiêu cực - Ảnh: Indievillage
Một số người cho rằng, sự phát triển ồ ạt về số lượng kangaroo đã gây nên nhiều tác động tiêu cực - Ảnh: Indievillage

Với sự phát triển ồ ạt về số lượng, nhiều người lo ngại rằng kangaroo đang gây hại đến cừu và các loài vật nuôi khác bởi chúng chiếm hết thức ăn và nguồn nước trong tự nhiên. Ngay cả với chính phủ Australia, vốn ủng hộ xuất khẩu thịt kangaroo, cũng cho rằng, sự gia tăng “dân số” của loài động vật này đã và đang gây nên những “tác động to lớn đến môi trường và ngành nông nghiệp”, hay thậm chí chiếm cả chỗ ở của con người.

Thế nhưng, những nhà hoạt động bảo vệ động vật hoang dã thì lại có quan điểm khác. Họ cho rằng, tình trạng săn bắn và giết hại kangaroo như hiện nay, nhất là sau khi một số lượng lớn đã bị thiêu cháy bởi các vụ cháy rừng gần đây, chính là hành động tấn công trực diện vào tính đa dạng sinh học vốn được tạo nên bởi các loài động vật bản địa. Còn với những người yêu mến kangaroo thì không thể chịu nổi hành vi mà họ cho là “tàn ác" gây ra bởi những người săn bắn động vật.

Các nhà bảo vệ động vật lên án hành vi ngược đãi kangaroo. Trong ảnh là một con kangaroo bị bắn trọng thương, không thể ăn uống được, và chết sau nhiều ngày chịu đựng sự đau đớn và sợ hãi - Ảnh:
Trong ảnh là một con kangaroo bị bắn trọng thương, không thể ăn uống được và chết sau nhiều ngày chịu đựng sự đau đớn  - Ảnh: Indievillage

Theo tổ chức châu Âu bảo vệ động vật (Eurogroup for Animals) với mạng lưới hơn 70 tổ chức thành viên, thì có tới 40% con kangaroo bị bắn phải chịu đựng đau đớn bởi những vết thương gây ra trước khi chết, chứ không hưởng “đặc ân” được chết ngay sau khi trúng đạn.

“Những con kangaroo thường không bị bắn vào đầu để có thể chết ngay. Thay vào đó, những vết đạn ở khắp nơi trên cơ thể sẽ khiến chúng phải nằm đợi cái chết từ từ đến với mình trong đau đớn và hoảng sợ”, một người dân nói.

Chưa kể, theo con số thống kê của Hiệp hội Kangaroo Australia thì hàng năm có tới 440.000 kangaroo con bị “mồ côi”, bị bỏ rơi sau khi kangaroo mẹ bị bắn chết, khiến chúng bị đói, hoặc tự chết sau đó bởi nhiều nguyên nhân khác nhau.

“Có những con kangaroo bị trúng đạn nhưng chạy thoát được khỏi những tay thợ săn. Chúng phải sống hàng tuần với những vết thương hoại tử cùng tình trạng cơ thể bị vi khuẩn tấn công”, anh Keightley cho biết.

Một con kangaroo bị thương đang được người dân cố gắng cứu chữa - Ảnh: David Maurice Smith
Một con kangaroo bị thương đang được người dân cố gắng cứu chữa - Ảnh: David Maurice Smith

Ở bên ngoài nước Úc, việc tiêu thụ các sản phẩm từ kangaroo cũng gây nên nhiều tranh cãi trong công chúng.

Tại Anh, thịt kangaroo đã từng bày bán rộng rãi trong các hệ thống siêu thị lớn và được người tiêu dùng ưa chuộng vì cho rằng chúng ít béo và có nhiều chất dinh dưỡng.

Thế nhưng giờ đây, sản lượng tiêu thụ thịt kangaroo đã bị chững lại do sự phản đối của giới bảo vệ động vật. Năm 2006, cầu thủ bóng đá nổi tiếng David Beckham đã công khai ngưng sử dụng các sản phẩm giày thể thao làm từ da kangaroo sau khi biết được nguồn gốc xuất xứ của những tấm da làm nên các đôi giày thể thao đắt tiền này.

Thị trường thực phẩm Nga, vốn trước đó rất ưa chuộng món thịt kangaroo, gần đây cũng đã ra lệnh ngưng nhập khẩu.

Nhiều cuộc vận động chống lại tình trạng bắn giết kanagroo đã diễn ra ở Australia. Trong ảnh là một người biểu tình đóng vai kangaroo với tấm bảng mang dòng chữ: Tôi đã thoát được khỏi đám cháy, nhưng không thoát được những viên đạn - Ảnh: Jenny Elliott
Một người biểu tình đóng vai kangaroo với tấm bảng mang dòng chữ: "Tôi đã thoát được khỏi đám cháy, nhưng không thoát được những viên đạn" - Ảnh: Jenny Elliott

Còn giới khoa học thì đưa ra các báo cáo, trong đó cảnh báo nguy cơ con người có thể bị bệnh khi ăn thịt kangaroo bởi “đã phát hiện có tới 75% lượng thịt kangaroo bày bán tại các hệ thống siêu thị ở Úc bị phát hiện có nhiễm E coli và vi khuẩn gây bệnh đường ruột Salmonella", một nghiên cứu được công bố bởi Hiệp hội bảo vệ Kangaroo Australia đầu năm 2020.

Thế nhưng, kể cả khi nhiều nỗ lực bảo vệ loài động vật có túi này đã và đang được triển khai thì việc săn bắn kangaroo, vốn được cho là đã thu về hơn 174 triệu đô la Úc/năm (số liệu năm 2014) vẫn không hề có dấu hiệu dừng lại. Điều này khiến số lượng kangaroo bị sụt giảm, và thậm chí theo một số báo cáo của các tổ chức bảo vệ động vật thì “tại một số bang ở Australia, kangaroo đã bị tuyệt chủng ở cấp địa phương”.

Đang có nhiều lo ngại về tình trạng sụt giảm số lượng kangaroo, thậm chí tuyệt chủng khi mà việc săn bắn kangaroo vẫn đang được cho phép ở Australia - Ảnh: David Maurice Smith
Một con kangaroo bị đưa vào tầm ngắm. Đang có nhiều lo ngại về tình trạng sụt giảm số lượng kangaroo khi việc săn bắn vẫn đang được cho phép ở Australia - Ảnh: David Maurice Smith

Và mỗi tối, anh Keightley vẫn phải thức giấc theo cách không mong muốn bởi những loạt đạn xé tan màn đêm khi ngoài kia đang có những con kangaroo vừa bị bắn hạ, và đang gục xuống.

Nguyễn Thuận (theo Independent)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI