Nếu không bắt kịp xu hướng, nhà bán lẻ Việt sẽ thua trên sân nhà

13/11/2018 - 14:00

PNO - Thị trường bán lẻ thế giới nói chung và Việt Nam (VN) nói riêng đang thay đổi rất nhanh. Nếu không đón đầu xu hướng, nhà bán lẻ sẽ bị đào thải khỏi cuộc chơi.

Tiếp thị số và mô hình tích hợp đa kênh

Ông Jason Moy - Giám đốc điều hành của công ty Boston Consulting Group (BCG) Singapore cho rằng, bán lẻ thế giới và bán lẻ VN đều thay đổi rất nhanh. Nhà bán lẻ cần tập trung vào tiếp thị số và các ứng dụng bán hàng online. Đây là xu hướng chung giúp nhanh chóng tiếp thị đến cho khách họ những cái họ muốn, làm cho những trải nghiệm dễ dàng hơn và thuận tiện hơn.

Bên cạnh đó, dân số VN hiện đang già đi, nhóm khách hàng (KH) 8X, 9X mua sắm nhiều, song hành vi mua sắm khác nhau. Nhiều ý kiến cho rằng, để thu hút khách, nhà bán lẻ phải nắm bắt nhu cầu tiêu dùng mới của từng nhóm dân số VN. Cần phát triển mô hình mua sắm kết hợp vui chơi, giải trí; trung tâm thương mại tích hợp.

Neu khong bat kip xu huong, nha ban le Viet se thua tren san nha
Để giữ chân khách hàng, các nhà bán lẻ phải áp dụng công nghệ mới đẩy mạnh sản xuất, bán hàng; liên kết với khách hàng, đem lại giá trị cho họ mà họ không thể từ chối

Ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc thương mại công ty Kantar Worldpanel dẫn chứng, thương hiệu Alfamart (Indonesia) có tới 13 mô hình cửa hàng khác nhau, tích hợp mọi nhu cầu của người tiêu dùng (NTD) trong một cửa hàng (như thanh toán điện nước, cước điện thoại, internet, mua vé máy bay, cắt tóc, giặt quần áo,…); đồng thời nhấn mạnh đến mô hình “tiện lợi và hơn thế nữa”. Cơ hội phát triển vẫn còn nhiều ở mô hình kinh doanh nhỏ, song cần tăng tốc độ mua hàng, giao hàng, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng (NTD).

Sự tiện lợi ngày nay tính bằng tốc độ thay vì khoảng cách, Amazon và Uber đã thay đổi thói quen của NTD.  Quy trình mua sắm của NTD ngày càng tích hợp, đa kênh. Vì vậy, các nhà bán lẻ phải đáp ứng các công cụ hỗ trợ mua sắm nhanh chóng hơn, sử dụng app, thanh toán thẻ,…tạo tiện lợi cho KH.

Mặc khách, định nghĩa mua sắm online, offline đang mờ dần, nhà bán lẻ cần cung cấp cho NTD mô hình mua sắm đa kênh, đa phương tiện và tận dụng những công nghệ đột phá. Ví dụ, NTD khi bước vào cửa hàng có thể dùng app để mua hàng và tự tính tiền trong ví tiền điện tử của họ. Hay, một công nghệ mới mà Hàn Quốc đang sử dụng:  NTD bước vào gian hàng may mặc thì trên ứng dụng của khách hiện ngay hàng may mặc đang giảm giá bao nhiêu %...

Thông thường, NTD tới chỉ mất 90 giây mua hàng và đi. Để NTD ủng hộ cái mới, nhà bán lẻ phải thay đổi, mở rộng “mắt và tai” để nghe.

Đặc biệt, việc cá nhân hóa KH nên được áp dụng. Nhà bán lẻ hãy năng động hơn tiếp cận với KH. Nên đa dạng kênh tiếp cận KH, không chỉ là tin nhắn mà kể cả Viber, Zalo, Instagram,…

Bà Nguyễn Hương Quỳnh, Tổng giám đốc công ty Nielsen

Nói đến công nghệ trong ngành bán lẻ, ông Bod Hayward, đại diện công ty KPMG cho hay sự thay đổi  hiện nay theo cấp số nhân và bán lẻ không ngoại lệ. Một số công ty đã phải đóng cửa khi không bắt kịp xu hướng liên quan đến trí tuệ nhân tạo, máy bay không người lái, bán hàng tự động, blockchain,…

Nhiều đơn vị áp dụng công nghệ mới đẩy mạnh sản xuất, bán hàng; liên kết với KH, đem lại giá trị cho họ mà họ không thể từ chối. Như ở nước Anh có công ty sử dụng công nghệ mới nhất để cải thiện chuỗi cung ứng (quản lý kho, cung cấp hàng kịp thời) phục vụ KH nhanh chóng.

Đáng lưu ý, xu hướng bán lẻ trên thế giới hiện nay, cái KH cần là khi họ bước vào cửa hàng, họ biết rằng có người hiểu họ đang cần, muốn tìm kiếm cái gì. Tức là biết KH cần gì trước khi họ mua, có sẵn món hàng cho khách chọn, thông qua phân tích dữ liệu KH sẽ làm được điều này. Nếu các nhà bán lẻ theo dõi được vòng đời KH mua sắm, sẽ nắm bắt được trước nhu cầu của KH và có được giá trị từ KH mang lại.

Liên kết cùng phát triển

Một trong những thách thức của thị trường bán lẻ VN hiện nay là sự canh tranh gay gắt và thiếu sự liên kết giữa các nhà cung cấp với nhà bán lẻ. Trong khi đó, các tập đoàn nước ngoài có sự liên kết rất tốt.

Neu khong bat kip xu huong, nha ban le Viet se thua tren san nha
Một trong những thách thức của thị trường bán lẻ VN hiện nay là sự canh tranh gay gắt và thiếu sự liên kết giữa các nhà cung cấp với nhà bán lẻ

Khi họ vào VN thì phía sau họ là cả một mạng lưới nhà cung cấp, dịch vụ ngân hàng, tài chính, luật hỗ trợ họ và đặc biệt, nhà cung cấp nước ngoài có tầm nhìn dài hạn, sẵn sàng chia sẻ một phần lợi nhuận, hỗ trợ nhà bán lẻ từng bước giành lấy thị phần ở VN và khi đó, chính sách giá của họ sẽ thay đổi.

Còn ở VN, phần lớn nhà sản xuất nhỏ lẻ không có cái nhìn dài hạn. Vì vậy, việc chia sẻ lợi nhuận từ các nhà cung cấp VN không cao, tỉ lệ nhà cung cấp chịu đồng hành, hậu thuẫn cho nhà bán lẻ VN không lớn so với tỉ lệ này ở nhà cung cấp nước ngoài, do đó nhà bán lẻ VN gần như tự đi một mình.

“Quyết tâm của nhà bán lẻ, nhà cung cấp ngoại là giành lấy thị phần tại VN, còn nhà cung cấp VN cũng có quyết tâm nhưng chủ yếu xác định “sống qua ngày” nên quyết tâm không cao. Quyết tâm khác nhau dẫn đến tiêu chí sản xuất, hướng liên kết để đẩy mạnh ngành bán lẻ trong nước cũng khác nhau”, ông Diệp Dũng - Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op nêu ý kiến.

Đồng tình, bà Lê Thị Thùy Trang - Giám đốc đối tác nhà bán lẻ của Nielsen cho rằng, đây là thời đại cần hợp tác để cùng phát triển. Các nhà bán lẻ cần theo dõi tâm lý của người mua sắm, tăng dịch vụ đặc trưng, dịch vụ cộng thêm để khuyến khích tăng mua sắm, cá nhân hóa từng KH khác nhau dựa vào dữ liệu thông tin KH, thẻ thành viên giúp nhà bán lẻ nắm bắt hành vi, tâm lý mua sắm...

Từ đó, phối hợp với nhà cung cấp chăm sóc KH tốt hơn; đồng thời tạo sự khác biệt ở sản phẩm đặc trưng, dịch vụ cũng là điều nhà bán lẻ cần lưu ý.

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI