Nền giáo dục... im lặng!

07/08/2018 - 11:45

PNO - Việc để các địa phương chấm thi rồi bây giờ lại rà soát việc mình đã làm là thiếu khách quan, tạo ra những kẽ hở để cho tiêu cực phát sinh và tồn tại.

Trong khi thời gian tuyển sinh đang đến rất gần, nhưng Bộ GD-ĐT vẫn loay hoay với việc chấm thẩm định ở một số tỉnh, sau vụ việc bê bối nâng điểm tại tỉnh Hà Giang.

Nen giao duc... im lang!
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đang chỉ đạo việc rà soát lại kết quả thi năm 2018.

Bộ đề nghị Trưởng ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia các tỉnh, thành chỉ đạo nghiêm túc rà soát quy trình tổ chức kỳ tại địa phương mình. Trong quá trình rà soát, nếu phát hiện sai phạm, kịp thời báo cáo Bộ.

Theo chúng tôi, việc để các địa phương chấm thi rồi bây giờ lại rà soát việc mình đã làm là thiếu khách quan, tạo ra những kẽ hở để cho tiêu cực phát sinh và tồn tại. Điều này đã thấy rất rõ qua việc công bố kết quả cao bất thường ở một số địa phương khiến xã hội hoài nghi, rồi những hoài nghi ấy đã trở thành hiện thực ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình.

Cụ thể, Sở GD-ĐT Hòa Bình sau khi rà soát theo chỉ đạo của Bộ đã báo cáo rằng: kết quả chấm thẩm định là 100% bài thi có kết quả trùng khớp với kết quả do Hội đồng thi Sở GD-ĐT Hòa Bình công bố trước đó. Nhưng chẳng bao lâu, khi công an vào cuộc thì chuyện gian lận ở Hòa Bình là vô cùng nghiêm trọng.

Nen giao duc... im lang!
Vụ gian lận điểm thi năm 2018 tại Hoà Bình là rất nghiêm trọng

Trước đó, ông Vũ Văn Sử - Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Giang- cũng phát biểu rất hùng hồn, rằng không thể tiêu cực, rằng quy trình rất nghiêm ngặt đến “ho một tiếng cũng bị lập biên bản”. Nhưng cuối cùng thì hàng trăm bài thi đã được nâng điểm.

Sau khi sự việc bung bét, đến nay, chẳng thấy những vị đứng đầu Hà Giang, Sơn La và Hoà Bình lên tiếng dù nhiều cấp dưới của các ông đã bị khởi tố, bắt giam để điều tra xét hỏi.

Điều đáng buồn là sau khi công bố kết quả thẩm định, nhiều thí sinh có số điểm rất cao trước đó, nay không đỗ nổi tốt nghiệp.

Câu nói "Mũi dại, lái chịu đòn" đúng, nhưng chưa đủ. Bản thân các em đó phải là người biết rõ nhất học lực của bản thân, biết rõ kết quả không phải là của mình, nhưng các em vẫn chọn cách im lặng, đồng lõa với sự gian dối của người lớn! Thậm chí có học sinh, sau khi được nâng nhiều điểm còn dám "tự tin" nói về “kinh nghiệm học tập và làm bài thi”!

Nen giao duc... im lang!
Trung thực là phẩm chất cần phải được tạo điều kiện để phát huy trong học sinh.

Các em đã đủ tuổi chịu trách nhiệm trước pháp luật. Với hành vi “đồng lõa với sự gian dối”, các em sẽ phải chịu hình thức xử lý từ cấm thi cho đến việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Một nền giáo dục mà từ người lớn đến con trẻ đều chọn im lặng và đồng lõa với những tiêu cực, thì giáo dục của chúng ta đang hướng đến điều gì chứ không phải là để phát hiện và phát triển tiềm năng, đào tạo hiền tài. Nó cũng không thể “đánh thức tiềm lực đất nước” như câu hỏi trong đề thi môn Văn mà Bộ GD-ĐT muốn cổ vũ cho sự đổi mới, sáng tạo.

Cái mà giáo dục cần hướng đến là giáo dục tính nhân bản, giáo dục con người phân biệt được cái đúng- sai, giáo dục văn hóa ứng xử, giao tiếp trong cộng đồng, bên cạnh phát triển năng lực cá nhân. Để từ đó con người tìm đến chân lý cuộc sống, hiểu biết quy luật của tự nhiên và khám phá năng lực bản thân. Nhưng một khi không có sự trung thực thì nền giáo dục đã đánh mất niềm tin, và sẽ thất bại.

Giáo dục mãi chọn cách im lặng như hiện nay thì bao lâu nữa mới đưa đất nước sánh vai với các cường quốc trên thế giới!

 Lâm Vũ - Công Chính

(Giáo viên trường THPT Nguyễn Du, TPHCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI