Nên bỏ kỳ thi THPT quốc gia?

09/04/2020 - 17:17

PNO - Dịch COVID-19 bùng phát đến nay đã hơn ba tháng, toàn thế giới rúng động. Mọi sinh hoạt xã hội ngừng trệ. Trường học đóng cửa, kế hoạch năm học bị động, kéo theo câu chuyện có nên bỏ thi THPT quốc gia?

Nhiều tranh luận về kỳ thi tốt nghiệp

Nhớ lại năm 2009, trên diễn đàn truyền thông, nhiều ý kiến trao đổi nghiêng về phương án bỏ thi tốt nghiệp THPT, lấy kết quả cuối năm lớp 12 xét tuyển đại học (ĐH), cao đẳng. Bộ GD-ĐT lắng nghe nhưng vẫn chưa yên tâm, chưa dám bỏ kỳ thi. Do vậy, năm tiếp theo đó (2010), bộ vẫn chỉ đạo tổ chức riêng hai kỳ thi với lý lẽ: “để tạo niềm tin trong chính ngành giáo dục và thúc đẩy học sinh học tập”. Và, cho đến năm 2014 vẫn không thay đổi, vẫn thi hai kỳ.

Học sinh
Nghỉ học kéo dài gây khó cho học sinh lớp 12 trong việc ôn luyện cho kỳ thi THPT quốc gia. Ảnh Thanh Thanh

Năm 2015, sau một thời gian nghiên cứu, nghe ngóng ý kiến trong ngoài ngành, bộ rất thận trọng khi quyết định tổ chức kỳ thi “hai trong một” (thi tốt nghiệp THPT kết hợp xét vào ĐH) và được đánh giá là thành công.

Tuy nhiên, đến nay vẫn còn nhiều ý kiến cho rằng: sáp nhập hai kỳ thi là ý tưởng sai lầm. Bởi hai kỳ thi với mục đích khác nhau: một bên là thi tốt nghiệp THPT -  chủ yếu xem xét, kiểm tra, khảo sát để đánh giá kết quả học tập của học sinh ở bậc THPT; một bên thi tuyển - mang tính chất đua tranh, phân biệt năng lực học tập hơn kém, tuyển chọn những em có đủ điều kiện học cao hơn. Tiến sĩ Võ Thế Quân, Hiệu trưởng Trường THPT Đông Đô (Hà Nội), cho rằng: “Một kỳ thi xét đầu ra và một kỳ thi xét đầu vào, nếu gộp hai kỳ thi làm một thì đây là việc làm khiên cưỡng, chẳng khác gì chúng ta ép duyên với nhau, rõ ràng đẻ ra nhiều điều phức tạp”.

Cố Giáo sư Văn Như Cương, thời còn phụ trách Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội), băn khoăn việc hợp nhất hai kỳ thi không có cùng mục tiêu đã tạo ra những khó khăn trong việc đánh giá học sinh. Ví dụ đề thi có 10 câu, trong đó 6 câu đầu vừa sức tốt nghiệp THPT (tạm gọi phần A), 4 câu sau khó hơn để sàng lọc thí sinh vào ĐH (tạm gọi phần B). Nếu xảy ra trường hợp hai thí sinh cùng có 6 điểm nhưng một người làm được 6 câu phần A, không làm được câu nào phần B và một người làm được 4 câu phần A, 2 câu phần B thì việc đánh giá năng lực thí sinh sẽ như thế nào?

Gộp hai trong một - bắn một mũi tên nhằm hai mục tiêu là cách làm tiện lợi về mặt kỹ thuật nhưng rất khó phân định rạch ròi chất lượng “sản phẩm” khi cấu trúc đề theo kiểu “ba rọi” (6 câu dễ, 4 câu khó) và tâm lý ngòi bút giám khảo ít nhiều trôi giữa hai bờ “đãi cát tìm vàng” (đủ điểm đỗ) và lạnh lùng “chặt” theo đúng đáp án biểu điểm (tuyển chọn).

Đề xuất nên bỏ thi

Với thực tế hiện nay, tôi đề xuất nên bỏ kỳ thi THPT quốc gia. Bậc THPT mang tính chất phổ cập, cần gọn nhẹ, do vậy Bộ GD-ĐT cần mạnh dạn giao (tất nhiên có sự theo dõi kiểm tra) cho địa phương (Sở GD-ĐT) chịu trách nhiệm tổ chức - gộp vào đợt kiểm tra học kỳ II năm cuối cấp. Sở có thể ra đề một vài môn chính.

Về công tác tuyển sinh ĐH: Nhóm trường ĐH đào tạo chuyên biệt như bách khoa, y dược, sư phạm, kiến trúc, kỹ thuật công nghiệp, tự chịu trách nhiệm trực tiếp tổ chức thi (ra đề + coi thi + chấm thi + tuyển chọn).

Các trường ĐH tổng hợp, đa ngành - dạy kiến thức khoa học cơ bản hoặc đào tạo có định hướng nghề nghiệp - cho đăng ký ghi danh tự do - mở toang cửa đầu vào, siết chặt đầu ra. Khi ra trường, cầm tấm bằng cử nhân trên tay, sinh viên sẽ cảm nhận được công khó nhọc học tập và giá trị thực của trình độ mà mình sở hữu.

Tóm lại, thi cử mang tính chất kỹ thuật, là công cụ kiểm định chất lượng giáo dục. Bớt một kỳ thi, giảm được sức ép - giao quyền tuyển sinh cho các trường ĐH chủ động, bộ đỡ sa vào sự vụ, rảnh tay cho nhiều công việc hệ trọng khác ở tầm chiến lược vĩ mô. Còn việc gian lận thi cử như đã xảy ra vừa qua ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình, đúng là chuyện tày trời đã bị “trừng trị” thích đáng. Niềm tin ít nhiều bị mài mòn nhưng không vì thế chúng ta nản lòng.

Chất lượng giáo dục quyết định từ lúc sản phẩm còn nằm trên “dây chuyền sản xuất”. Nó phụ thuộc vào một chuỗi tác động: chương trình sách giáo khoa (phổ thông không quá hàn lâm, ôm đồm trùng lắp, dàn trải), đội ngũ thầy cô được đào tạo sư phạm chuẩn, trang thiết bị giảng dạy đầy đủ. Ngoài ra, chế độ lương bổng của giáo viên cần được quan tâm ưu đãi. Ban giám hiệu quản lý hoạt động dạy và học chặt chẽ, nghiêm túc.

Điều quan trọng ở phổ thông là “cách học” chứ không phải học cái gì”. Jame Beatle đã chỉ ra: “Mục đích của giáo dục là dạy cách nghĩ chứ không phải dạy suy nghĩ cái gì”. Cần phân định rạch ròi nhiệm vụ: khai mở kiến thức thuộc trách nhiệm trường phổ thông; nâng cao, đào sâu chuyên môn là chuyện của bậc ĐH.

Phan Văn Thạnh

(Nguyên Phó hiệu trưởng Trường THPT Gia Định - TP.HCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI