Nắng nóng, gia tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm ở trẻ

26/05/2025 - 06:00

PNO - Mùa hè là thời điểm nguy cơ ngộ độc thực phẩm ở trẻ em tăng cao, khi trẻ thường xuyên ăn uống bên ngoài. Báo Phụ nữ TPHCM đã phỏng vấn bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thị Thu Thủy - Phó trưởng khoa Tiêu hóa Bệnh viện Nhi Đồng 2 - về vấn đề này.

* Phóng viên: Thưa bác sĩ, mùa nắng nóng, phụ huynh rất lo sợ tình trạng ngộ độc thực phẩm ở con trẻ. Vậy đâu là nguyên nhân chủ yếu và những dấu hiệu nhận biết?

- Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Thủy: Khí hậu nóng ẩm làm vi khuẩn dễ sinh sôi và tăng nguy cơ nhiễm khuẩn thức ăn. Mùa hè, các ca ngộ độc thực phẩm có xu hướng tăng hơn bình thường. Ngộ độc thực phẩm là do ăn uống phải thức ăn, đồ uống bị nhiễm vi khuẩn hoặc độc tố. Biểu hiện là triệu chứng ở dạ dày - ruột, thần kinh hoặc các triệu chứng khác tùy theo tác nhân gây ngộ độc.

Ngộ độc thực phẩm thường là nhẹ, tự khỏi trong vòng 24 giờ, nhưng cũng có trường hợp nặng, thậm chí gây tử vong.

Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Thủy khám cho bệnh nhi bị đau bụng, tiêu chảy nghi do ngộ độc  thực phẩm
Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Thủy khám cho bệnh nhi bị đau bụng, tiêu chảy nghi do ngộ độc thực phẩm

Nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm trước tiên phải kể tới do nhiễm khuẩn. Cụ thể hơn như thực phẩm bị nhiễm vi khuẩn Salmonella, C. botulinum hoặc chứa sẵn độc tố của vi khuẩn không bị hủy ở nhiệt độ cao (S. aureus) gây viêm dạ dày - ruột. Vi khuẩn có thể sinh độc tố, ví dụ như độc tố botulinum do vi khuẩn C. botulinum gây ra. Bên cạnh đó, cũng có trường hợp ngộ độc không do nhiễm khuẩn. Chẳng hạn như thực phẩm có sẵn độc chất tetrodotoxin trong cá nóc, bufotoxin trong trứng cóc, cyanide trong khoai mì cao sản...

Cũng cần nhắc tới trường hợp nạn nhân ăn phải thực phẩm có chứa độc chất như phụ gia, hóa chất bảo quản, chất tạo màu, tạo mùi, tạo vị hoặc rau nhiễm phốt pho hữu cơ. Nếu thấy từ 2 người trở lên có cùng dấu hiệu ngộ độc sau khi ăn cùng 1 loại thực phẩm tại cùng 1 địa điểm, thời gian hoặc chỉ có 1 người mắc nhưng triệu chứng nặng, thậm chí tử vong thì cần nghĩ tới khả năng bị ngộ độc thực phẩm.

* Ngộ độc thực phẩm gây ra những biến chứng nào cho sức khỏe của trẻ, thưa bác sĩ?

- Các triệu chứng tiêu hóa thường xuất hiện trong vòng vài phút đến vài ngày sau khi trẻ ăn phải thực phẩm hoặc thức uống bị nhiễm khuẩn, chứa độc tố. Điển hình là đau bụng, ói và tiêu chảy, dẫn đến mất nước nghiêm trọng, đặc biệt nguy hiểm ở trẻ nhỏ. Ngoài ra, trẻ còn có thể bị sốt, nhất là trong các trường hợp ngộ độc do nhiễm khuẩn.

Bên cạnh triệu chứng tiêu hóa, ngộ độc do độc tố còn gây ra những biểu hiện thần kinh nguy hiểm. Chẳng hạn, ngộ độc cá nóc không chỉ gây đau bụng, ói, tiêu chảy mà còn có thể khiến trẻ bị tê lưỡi, miệng, môi, mặt, bàn tay, bàn chân, thậm chí yếu cơ, liệt chi và liệt hô hấp, đe dọa tính mạng. Tương tự, ngộ độc botulinum thường do sử dụng đồ hộp không bảo quản đúng cách, có thể biểu hiện qua nhìn mờ, nuốt khó, liệt cơ và liệt hô hấp. Những trường hợp này đều cần được can thiệp y tế khẩn cấp.

* Trong nhiều trường hợp, các triệu chứng của ngộ độc thực phẩm ở trẻ có thể bị nhầm lẫn với các bệnh khác. Vậy, những dấu hiệu nào của ngộ độc thực phẩm cần lưu ý để phân biệt với các bệnh thông thường?

- Việc chẩn đoán ngộ độc thực phẩm ở trẻ em thường gặp nhiều thách thức do các triệu chứng đa dạng và dễ nhầm lẫn với nhiều bệnh khác. Mặc dù ngộ độc thực phẩm thường được chẩn đoán là nhiễm trùng tiêu hóa, nhưng khi trẻ có biểu hiện thần kinh, tình trạng này dễ bị nhầm lẫn với viêm não, viêm màng não.

Cần lưu ý là ngộ độc thực phẩm không chỉ gây ra các dấu hiệu ở đường ruột mà còn có thể ảnh hưởng đến các cơ quan khác như hệ thần kinh hay tim mạch. Do đó, việc chẩn đoán trở nên phức tạp hơn, dễ nhầm lẫn với tình trạng dị ứng thức ăn, tiêu chảy do siêu vi Rotavirus (đặc biệt ở trẻ nhỏ), viêm dạ dày ruột, nhiễm khuẩn huyết hoặc các bệnh tiêu hóa ngoại khoa.

* Khi nghi ngờ trẻ bị ngộ độc thực phẩm, cha mẹ cần làm gì?

- Khi xử trí ngộ độc thực phẩm, việc đầu tiên cần làm là cung cấp nước điện giải để phòng ngừa và điều trị tình trạng mất nước. Đối với trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi đang bú mẹ, hãy tiếp tục cho bé bú bình thường.

Với trẻ lớn hơn, nên cho ăn thực phẩm dễ tiêu hóa như cháo, cơm, chia thành nhiều bữa nhỏ. Cần tránh cho trẻ uống nước giải khát công nghiệp, cũng như các thức ăn chua cay, nhiều chất béo. Loại bỏ ngay những thực phẩm nghi ngờ là nguyên nhân gây ngộ độc.

Trong trường hợp trẻ có các dấu hiệu nghiêm trọng, cần gọi cấp cứu 115 hoặc đưa đến bệnh viện ngay. Những dấu hiệu nguy hiểm gồm: rối loạn tri giác, hôn mê, co giật, khó thở, than mệt mỏi, có dấu hiệu mất nước rõ rệt, sốt cao khó hạ từ 39 độ C.

* Xin cảm ơn bác sĩ.

Thanh Huyền (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI