Nàng công chúa ở thung lũng gió - Giấc mơ chữa lành

12/07/2020 - 07:34

PNO - Trong tình hình thế giới đang đối đầu với dịch COVID-19, nhiều người tìm xem lại bộ phim hoạt hình "Nausicaä of the Valley of the Wind" như một sự chữa lành, một niềm hy vọng.

Nausicaä of the Valley of the Wind (Nàng công chúa ở Thung lũng Gió) được chuyển thể từ một số phần trong bộ truyện manga cùng tên của tác giả - đạo diễn Hayao Miyazaki. Phim ra đời năm 1984. Tuy vậy, nếu lần đầu tiên thưởng thức, có thể bạn nghĩ đây là tác phẩm mới bởi bạn không ngờ phim có tuổi đời thâm niên như vậy.

Dấu ấn thẩm mỹ cùng cách kể chuyện dung dị, nên thơ chính là điều khiến tác phẩm được xếp vào hàng ngũ những bộ phim hoạt hình kinh điển, vượt thời gian. 

Nausicaä of the Valley of the Wind lấy bối cảnh hậu tận thế, khoảng 1.000 năm sau khi nền văn minh công nghiệp sụp đổ. Đất đai và không khí bị nhiễm độc tạo thành rừng Chất Độc, hồ A-xít, biển Thối Rữa không ngừng lan rộng. Giữa các quốc gia xảy ra chiến tranh, đói kém và lần lượt bị xóa sổ. Ở vương quốc Thung lũng Gió, nhờ vị trí thuận lợi được che chắn, người dân nương tựa nhau sinh sống khá yên bình bên bờ vực thảm họa. 

Jihl, vị vua của vương quốc ấy, không lướt gió được nữa vì ảnh hưởng của hơi độc từ biển Thối Rữa. Những người dân có đôi tay dần chai lại như đá. Ngài Yupa - một chiến binh huyền thoại - rong ruổi luôn luôn để tìm câu trả lời cho vận mệnh của dân tộc mình: “Liệu sống gần biển Thối Rữa có phải là một định mệnh”. Và liệu có còn con đường nào khác cho một tương lai tốt đẹp? Niềm hy vọng của người dân ở Thung lũng Gió là những đứa trẻ lớn lên sẽ được ban phước lành để khỏe mạnh như công chúa Nausicaä. 

Với tâm hồn trong sáng, lòng quả cảm và biệt tài cưỡi gió, giao tiếp với muông thú, Nausicaä là nữ anh hùng được rất nhiều thế hệ khán giả yêu mến. Nausicaä cũng là người gìn giữ hòa bình, là cầu nối giữa con người với thiên nhiên - một chủ đề thường thấy trong những tác phẩm của Hayao Miyazaki.

Thế giới hậu tận thế lộng lầy siêu thực  

So với phiên bản truyện tranh kéo dài hơn 13 năm từ chương đầu tiên ra mắt tháng 2/1982 và chương cuối cùng ra mắt tháng 3/1994, Nausicaä phiên bản điện ảnh có nội dung giản dị và tập trung hơn.  

Tác phẩm phơi bày từng lớp, từng lớp một, quyến rũ và toàn bích như lớp vỏ của loài Ohmu trong phim, vừa hiện thực vừa huyền ảo. Ở đó, sự tàn khốc hậu tận thế cũng có vẻ đẹp của riêng mình. Bào tử nấm từ cây mushigoyashi rơi xuống cũng mang đến cảm giác êm đềm, lộng lẫy.

Là người nhận ra và trân trọng vẻ đẹp ấy, công chúa Nausicaä không lảng tránh rừng Chất Độc và biển Thối Rữa. Thay vào đó, cô tìm hiểu, khám phá nguyên lý vận hành của nó và đồng cảm với những sinh vật bị người ta tránh xa. Sự giao hòa giữa con người và thiên nhiên hậu tận thế là sự giao hòa siêu thực đến chạnh lòng. 

Gam màu chủ đạo xuất hiện trong phim là nâu vàng của sa mạc hoang tàn, phế tích. Đó cũng là màu của đất mẹ và cánh đồng, của ánh sáng xuất hiện trong những giấc mơ, tiềm thức, trong sự chữa lành kỳ diệu. Gam màu ấn tượng thứ hai mà bạn sẽ khó quên là màu xanh da trời huyền hoặc, màu của mắt và máu loài Ohmu, màu của hy vọng, hòa bình, tha thứ và gắn kết. Đối lập với gam màu đỏ và đen từ sự giận dữ, cơn thịnh nộ của thiên nhiên sẽ là gam màu trắng tinh khiết, có thể độc hoặc không độc, cũng giống như một loài cây, tùy vào việc bạn cung cấp cho nó dưỡng chất nào.  

Bên cạnh hình ảnh nên thơ, lãng mạn, âm nhạc trong trẻo, giàu tính thấu cảm của phim sẽ khiến bạn đem lòng yêu mến. Nhà soạn nhạc Joe Hisaishi cũng là người gắn bó với nhiều tác phẩm sau này của Hayao Miyazaki. 

Cũng vì được làm trên tinh thần của những mong ước, giấc mơ, hy vọng nên bộ phim mang đến vẻ đẹp của một thế giới khác. Ở đó, từng lớp hình ảnh, âm nhạc, âm thanh của tiếng chim, tiếng sáo, tiếng côn trùng, tiếng gió và cát, cả tiếng động cơ gầm rú và tiếng súng của những trận không chiến sẽ bám vào ký ức của bạn, mang vẻ đẹp hoàn mỹ vượt thời gian. Nausicaä of the Valley of the Wind là bộ phim mà bạn có thể xem đi xem lại nhiều lần để rồi sau mỗi lần phát hiện thêm những điều mới. 

Bộ phim của hy vọng chữa lành 

Nhân vật Nausicaä được đặt theo tên của công chúa Nausicaä trong tác phẩm The Odyssey, là con gái của Alcinous và Arete, người đã giúp Odysseus trở về nhà ở Ithaca sau chuyến hành trình sử thi của mình. Tính cách nhân vật một phần được lấy cảm hứng từ những bài viết đào sâu về Nausicaä (The Odyssey) của Bernard Evslin. Mặt khác, Nausicaä còn được lấy cảm hứng từ nhân vật nữ anh hùng dân gian Nhật Bản là nàng công chúa yêu mến côn trùng - The Princess Who Loved Insects.

Phim được cảm tác từ thảm kịch vịnh Minamata. Trong suốt những năm 50 và 60 của thế kỷ trước, nhà máy hóa chất của tập đoàn Chisso không ngừng thải thủy ngân hữu cơ ra vịnh Minamata. Điều này gây ra ngộ độc thủy ngân nghiêm trọng cho người, chó, mèo, heo và cả cá, sò ốc cùng những hiệu ứng được gọi tên là bệnh Minamata. Thậm chí sau khi nguồn chất thải được xử lý, bệnh Minamata bẩm sinh vẫn còn đeo bám thế hệ trẻ em ở thập niên tiếp theo. Mỗi năm có hàng ngàn nạn nhân, và năm 2004, tập đoàn Chisso đã phải bồi thường 86 triệu USD.

Tất nhiên ngoài những nạn nhân thì môi trường cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Thông qua bộ phim Nausicaä of the Valley of the Wind, Miyazaki mang đến góc nhìn “mong ước” của mình về việc môi trường thích nghi với chất độc, trái đất tự chữa lành theo cách của mình.

Đạo diễn chọn cách giải quyết phi bạo lực. Tương tự như hai phim sau này của chính ông là Princess Mononoke năm 1997 và Howl’s Moving Castle năm 2004, nhân vật chính cũng chọn cách làm cầu nối giữa con người với thiên nhiên, ngăn chặn sự đổ máu giữa các quốc gia và giống loài. 

Phim được thực hiện chỉ trong vòng 9 tháng với kinh phí tương đương 1 triệu USD. Phim do công ty Toei phát hành ở Nhật ngày 4/3/1984 và bán được hàng triệu vé. Sau thành công của phim, Hayao Miyazaki, Isao Takahata và nhà sản xuất Toshio Suzuki đồng sáng lập nên hãng phim Ghibli. 

Làn gió mới trong ngành công nghiệp phim hoạt hình 

Có thể nói, sự ra đời của Nausicaä of the Valley of the Wind đóng vai trò rất lớn trong lịch sử điện ảnh thế giới. Dù ra đời trước khi hãng phim Ghibli thành lập nhưng bộ phim vẫn được xem là một phần của Ghibli. Cũng giống như tên gọi của mình, hãng đã thổi một luồng gió mới đến với ngành công nghiệp hoạt hình. 

Người ta gọi Hayao Miyazaki là Walt Disney của phương Đông. Tuy vậy, đạo diễn người Nhật tiếp cận và kể câu chuyện của mình một cách hoàn toàn khác. Tác phẩm được làm tự nhiên như nó vốn là. Trẻ em được tiếp cận với thế giới của mình một cách trong sáng như nó vốn là. Ở đó không có định kiến, méo mó và áp đặt từ góc nhìn của người lớn. 

Không chỉ riêng Nausicaä of the Valley of the Wind mà hầu hết những phim hoạt hình của Hayao Miyazaki nói riêng cũng như những phim hoạt hình của hãng Ghibli đều thấm đẫm mỹ cảm xứ Phù tang. Phim có sự trau chuốt về mặt thẩm mỹ, đẹp, tình cảm, sâu lắng.  

Còn nhớ lần đầu tiên Nausicaä of the Valley of the Wind được phát hành ở thị trường nước ngoài mà cụ thể là Bắc Mỹ với tựa đề Warrior of the Wind, phim bị cắt thô bạo đến tận 22 phút vì người ta cho rằng nhịp phim chậm quá. Nội dung về môi trường bị xóa mờ, nhân vật đàn Ohmu trong phim trở thành những kẻ hiếu chiến. Hầu hết các nhân vật bị đổi tên... 
Rút kinh nghiệm từ sự cố, studio Ghibli và Miyazaki đề nghị người hâm mộ hãy quên sự tồn tại của bản phim đó, đồng thời sau này áp dụng luật “không cắt” cho các bản chiếu tương lai ở nước ngoài. 

Yến Lê

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI