Mỹ lo lắng về cuộc khủng hoảng y tế hậu COVID-19

24/02/2021 - 06:05

PNO - Số người chết vì COVID-19 vượt hơn 500.000 là một nỗi đau của người Mỹ. Tổng thống Joe Biden đã tổ chức lễ mặc niệm và thắp nến tại Nhà Trắng đồng thời ra lệnh hạ cờ Mỹ tại các tòa nhà liên bang trong năm ngày. Tuy nhiên, điều người Mỹ quan tâm là những tác động của COVID-19 tiếp tục đeo bám người sống sót, đe dọa tạo nên cuộc khủng hoảng y tế khác.

Một nghiên cứu ở Vũ Hán, Trung Quốc cho thấy, 76% bệnh nhân COVID-19 vẫn biểu hiện  các triệu chứng sau sáu tháng kể từ khi khởi bệnh. Con số này trong nghiên cứu tại Mỹ  là 30% sau chín tháng
Một nghiên cứu ở Vũ Hán, Trung Quốc cho thấy, 76% bệnh nhân COVID-19 vẫn biểu hiện các triệu chứng sau sáu tháng kể từ khi khởi bệnh. Con số này trong nghiên cứu tại Mỹ là 30% sau chín tháng

Số người chết tiếp tục tăng

Theo ghi nhận của Đại học Johns Hopkins, cột mốc nửa triệu người được đưa ra khi các bang nỗ lực gấp đôi để đưa vắc-xin COVID-19 vào tiêm chủng, sau khi sự khắc nghiệt của mùa đông và tình trạng mất điện do băng tuyết buộc các phòng khám đóng cửa, làm chậm việc cung cấp vắc-xin và khiến hàng chục ngàn người phải bỏ lỡ mũi tiêm.

Bất chấp việc triển khai vắc-xin từ giữa tháng 12/2020, một mô hình được theo dõi chặt chẽ từ Đại học Washington dự đoán, nước Mỹ sẽ có thêm 90.000 người chết vì COVID-19 cho đến nửa đầu năm 2021. Con số thiệt hại ở Mỹ cho đến nay là cao nhất trên thế giới, chiếm 20% trong số gần 2,5 triệu ca tử vong do COVID-19 trên toàn cầu, mặc dù con số thực sự được cho là lớn hơn do có nhiều trường hợp bị bỏ sót, đặc biệt là ở giai đoạn đầu bùng phát dịch.

Từ bang Washington đến Florida, từ California đến Massachusetts, nhiều cơ sở y tế quyết định mở trung tâm chăm sóc đặc biệt nhằm giúp đỡ số người (ngày càng tăng) duy trì các triệu chứng của COVID-19 nhiều tháng sau khi được chẩn đoán và chữa trị.

Đau đầu với hội chứng “COVID dài hạn”

Không rõ có bao nhiêu bệnh nhân COVID-19 tiếp tục phát triển hội chứng gọi là “COVID dài hạn”. Theo một nghiên cứu gần đây tại Mỹ trên những người mắc COVID-19 nhẹ, 30% tiếp tục báo cáo các triệu chứng trong vòng chín tháng sau khi nhiễm virus. Các nghiên cứu khác thậm chí cho ra tỷ lệ cao hơn.

Mount Sinai là nơi đầu tiên của Mỹ mở phòng khám dành riêng cho những người mắc “COVID dài hạn”
Mount Sinai là nơi đầu tiên của Mỹ mở phòng khám dành riêng cho những người mắc “COVID dài hạn”

Hầu như mỗi ngày, các bác sĩ làm việc với bệnh nhân “COVID dài hạn” lại biết thêm những thông tin mới về hội chứng, biểu hiện qua một loạt các triệu chứng ở bệnh nhân từ mọi lứa tuổi và mọi tình trạng sức khỏe trước khi nhiễm COVID-19.
Tiến sĩ William Li - bác sĩ nội khoa và là người sáng lập Angiogenesis Foundation, một tổ chức phi lợi nhuận tập trung vào vấn đề mạch máu trong các bệnh lý - cho biết: “Giờ đây, chúng tôi nhận ra rằng, “COVID dài hạn” vượt xa hội chứng tiêu chuẩn sau khi cơ thể nhiễm virus. Những triệu chứng này được cho là có thể kéo dài chín tháng. Trong một năm qua, chúng tôi vẫn tiếp tục thấy các triệu chứng mới xuất hiện”. 

Hơn 100 triệu chứng được bệnh nhân báo cáo bao gồm mệt mỏi, đau đầu, đờ đẫn và mất trí nhớ, các vấn đề về đường tiêu hóa, đau cơ và tim đập nhanh. Một số ca thậm chí còn phát triển bệnh tiểu đường. Dayna McCarthy - bác sĩ điều trị các ca “COVID dài hạn” tại Bệnh viện Mount Sinai, New York - cho biết: “Tôi thực sự ngạc nhiên trước những gì diễn ra hằng ngày, với một danh sách dài các triệu chứng, bao gồm đờ đẫn, nhịp tim nhanh và huyết áp không đều”. 

Mount Sinai là nơi đầu tiên của Mỹ mở phòng khám dành riêng cho những người mắc “COVID dài hạn”. Trung tâm đã tiếp nhận hơn 1.600 bệnh nhân và số cuộc hẹn chờ kéo dài hàng tháng do nhu cầu quá cao. Hiện tại, không có phương pháp điều trị đặc hiệu cho hội chứng này. Các bác sĩ chỉ tập trung vào điều trị dựa trên các triệu chứng được báo cáo bởi một bệnh nhân cụ thể, đặc biệt là khi mỗi bệnh nhân có các triệu chứng khác nhau.

Mặt khác, một số bệnh nhân nói rằng, các trung tâm chăm sóc “COVID dài hạn” vẫn không thực sự mang lại lợi ích cho cuộc sống của họ ngoài việc giúp loại trừ tổn thương nội tạng hoặc dễ dàng kiểm tra vấn đề sức khỏe. May mắn, họ đã tìm thấy sự giúp đỡ và hỗ trợ thông qua các nhóm trực tuyến như Survivor Corps, do Diana Berrent - một bệnh nhân nhiễm COVID-19 vào tháng 3/2020 - thành lập. Hiện nhóm có hơn 150.000 thành viên. Các nhóm như Survivor Corps không chỉ mang lại lợi ích cho những người từng mắc COVID-19 mà còn cho các nhà nghiên cứu và bác sĩ, những người luôn muốn lắng nghe phản hồi từ bệnh nhân.

Bác sĩ William Li - hiện cũng là thành viên ban cố vấn y tế của Survivor Corps - chia sẻ: “Đây là một trong những dịp hiếm hoi trong lịch sử y học, bệnh nhân mang các triệu chứng của căn bệnh mới đến bác sĩ để dạy cho bác sĩ những gì đang thực sự xảy ra”.

Với hơn 110 triệu ca nhiễm COVID-19 trên toàn thế giới và hơn 28 triệu ca ở Mỹ, các chuyên gia y tế lo ngại rằng “COVID dài hạn” có thể là một đại dịch thứ hai, sinh ra từ cuộc khủng hoảng y tế đầu tiên. 

Linh La (theo AP, CNN)

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI