Mứt Trung Quốc 'nổ' thành hàng Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ...

01/01/2020 - 06:50

PNO - Cận tết, thị trường xuất hiện nhiều loại mứt mới, phần lớn hàng ngoại dưới dạng hàng xá, liệu đây có phải mứt ngoại thật hay là hàng tự phong?

Một loại mứt có ba xuất xứ

Tại chợ Bình Tây (Q.6), chợ An Đông (Q.5), lượng khách đến mua mứt đã bắt đầu nhộn nhịp hơn thường ngày. Nhưng theo các tiểu thương, so với mọi năm, khách đến chợ mua mứt, các mối lái lấy mứt đã giảm khá nhiều. Nguyên nhân, do nhiều người ưu tiên mua mứt nhà làm vì họ cho rằng an toàn hơn; chỉ có người lao động và mối lái từ các tỉnh mới đến chợ này mua mứt, lấy mứt.

“Ngày trước khu bán mứt đều tập trung phía từ cổng chợ đi sâu vào trong. Cạnh tranh không lại các sạp bán sỉ, nhiều sạp phải dời ra mặt tiền chợ (phía bên hông chợ giáp đường Trần Bình, Q.6) để bán lẻ. Em nhìn đó, Tết tới nơi rồi khách đến các sạp này mỗi người chỉ mua 1-2 ký mứt để ăn” – một người bán tại sạp mứt Kim Minh chỉ tay vào dãy sạp mứt đang chỉ có loe hoe vài khách nói.

Dạo quanh các sạp mứt tại chợ An Đông, chúng tôi đều được các tiểu thương mời chào mua mứt đào sấy dẻo, loại mứt mới của của Hàn Quốc, giá 180.000 đồng/kg. Mặc dù đã sấy dẻo nhưng khi ăn vẫn có độ giòn, chua chua, vị không quá ngọt.

Tại chợ Bình Tây, cũng loại đào sấy dẻo này, nhưng chúng tôi hỏi về nguồn gốc xuất xứ thì được tiểu thương giới thiệu là đào hạnh nhân Thổ Nhĩ Kỳ, giá 180.000 đồng/kg. Trong khi đó, theo chủ cửa hàng chuyên bán đồ nhập khẩu trên đường Hàm Nghi (Q.1), hàng Thổ Nhĩ Kỳ có mơ hạnh sấy dẻo (còn gọi là hạnh đào), giá 150.000đ/gói hoặc hộp 200g (khoảng 500.000 đồng/kg) chứ không có loại nào là đào hạnh nhân (?).

Đáng chú ý là hình dạng quả mơ hạnh sấy dẻo Thổ Nhĩ Kỳ tại cửa hàng Hàm Nghi lại giống hệt với loại đào hạnh nhân sấy dẻo mà chúng tôi mua tại chợ chợ Bình Tây và An Đông.

“Quả mơ hạnh Thổ Nhĩ Kỳ thoạt nhìn như quả đào Sapa của Việt Nam nhưng trái vàng ươm như trái mơ chứ không pha lẫn màu tím, vỏ nhẵn bóng, mỗi quả chỉ bé bằng độ ba ngón tay người lớn. Quả mơ hạnh Thổ Nhĩ Kỳ này còn rất giống với đào vàng của Trung Quốc và Hàn Quốc. Có thể do hình dạng giống nhau nên người bán lấy đào Trung Quốc giả thành quả mơ hạnh Thổ Nhĩ Kỳ, do không nhớ rõ tên nên kêu là đào hạnh nhân” – chủ cửa hàng này cho biết.

Quay trở lại chợ Bình Tây, tiếp tục hỏi về nguồn gốc quả đào sấy dẻo, các tiểu thương cũng đều khẳng định, hàng nhập từ Thổ Nhĩ Kỳ. Tại sạp P.T sát đường Trần Bình, lúc đầu người bán nói là đào hạnh nhân Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng sau khi thấy chúng tôi đưa điện thoại lên chụp ảnh (có thể nghi ngờ chúng tôi là phóng viên hoặc cơ quan chức năng – PV), người bán không cho chụp, trong cuộc trao đổi sau đó chủ hàng mới mới thú thật đó là đào hạnh nhân sấy dẻo của Trung Quốc.

“Trung Quốc ngoài mứt đào hạnh nhân còn có mứt đào mơ, đào oliu, đào táo, đào tuyết… đồng giá 100.000 đồng/kg. Ngoài ra còn có các loại mứt khác như cherry, kiwi, cam, nho, chà là, hồng, bí, khoai lang… cũng từ Trung Quốc, chỉ có giá từ 100 – 180.000 đồng/kg. Ở đây bán sao em nói vậy, Trung Quốc thì em nói hàng Trung Quốc. Năm nay mứt Trung Quốc có mặt hàng mới là mứt đào, cherry vàng, cam vàng” – một nam thanh niên tại sạp này nói.

Tran ngap mut ngoai: da phan la hang “tu phong”
Nhiều loại mứt Trung Quốc được người bán "lên đời" thành mứt Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ, Ấn Độ...

Cũng tại sạp này, mứt được chia làm ba khu vực, một khu mứt Thái Lan, khu mứt Trung Quốc, khu mứt Việt Nam. Đặc điểm dễ nhận biết của mứt Trung Quốc là có màu sắc đỏ, vàng xanh rất đậm, đến mức lòe loẹt. Riêng mứt Thái Lan thì chủ yếu có các loại mứt xoài sấy dẻo, mứt xoài muối ớt, mứt vỏ bưởi, mứt me. Năm nay, Thái Lan xuất hiện thêm mứt chanh.

Riêng hàng nội địa thì quanh quẩn các loại mứt khoai, bí, mứt chuối, mứt dừa. Năm nay, các loại mứt Việt có sự đổi mới là đều được đựng trong bao bì, có nhãn mác. Đi khắp chợ đều thấy mứt dừa Thanh Hiệp, hạt sen Việt Hương; hạt dưa Gia Long, Tân Thuận Thành; mứt gừng dẻo Kim Hoa, mứt kẹo chuối Mai Trinh Bến Tre…

Mứt Trung Quốc chỉ mua… đem biếu

Theo các chủ sạp, đặc trưng của chợ là phải khui hàng hóa đổ đống cho khách thử, trước khi đổ đống thì tất cả đều đóng thùng hoặc bao bì, nhãn mác hẳn hoi.

Chủ sạp P.T cầm bịch kẹo socola lên và nói: muốn kẹo còn đóng gói từ Ấn Độ cũng có, nhưng ngoài đóng gói chúng tôi phải đổ ra khay cho khách thử, họ ăn ngon thì mới mua. Còn nếu không khui ra, cả năm cũng không bán được loại kẹo này. Mứt cũng vậy, dù hàng Việt Nam, Thái Lan hay Trung Quốc, các nhà sản xuất chỉ đóng thùng, về phải mở thùng, trưng ra khách mới thấy mà mua, mà trưng ra thì thành hàng xá. Mứt Trung Quốc, Thái Lan thường nhập thùng lớn, khó trưng bày nên tiểu thương lấy một ít đổ ra khay bày bán, mời khách; vừa giữ cho mứt đỡ bị nhót, oxy hóa. Riêng mứt Việt Nam được nhà sản xuất đựng thùng nhỏ, mỗi miếng mứt còn được đóng gói riêng nên các sạp đem nguyên thùng trưng bày cho tiện, vừa chứng minh được với người tiêu dùng đó là hàng có Việt có nguồn gốc xuất xứ.

Cũng theo chủ sạp này, nếu người tiêu dùng đến chợ mua mứt sẽ chọn các loại mứt dừa, mứt chuối, bí, khoai lang Việt Nam; còn các loại mứt Trung Quốc, họ thường mua rồi đóng hộp đem tặng vì đẹp. Thường gặp là các cửa hàng, một số nơi bán mứt đóng hộp, họ lấy số lượng nhiều, sau đó đóng gói thành các hộp mứt quà tặng, giỏ quà tặng rồi đem bán.

“Chị thấy các nơi bán hộp mứt ngũ sắc không, xanh, đỏ, vàng bắt mắt mà họ gọi là mứt Thái Lan thật ra đều lấy mứt Trung Quốc hết. Cứ vô hộp, lọ thủy tinh, in nhãn theo ý muốn của mình rồi dán lên là sang ngay” – chủ sạp này tiết lộ.

Tran ngap mut ngoai: da phan la hang “tu phong”
Nhiều loại mứt Trung Quốc được đóng hộp gắn mác mứt Thái Lan bán đầy chợ mạng

Kênh bán hàng trực tuyến rất nhiều người đang rao bán các hộp mứt ngũ sắc như tiểu thương này nói, với giá 385.000 đồng/hộp (1 kg). Đa phần đều giới thiệu là mứt Thái Lan, nhưng sản phẩm chỉ đựng trong hộp nhựa, bên ngoài có dán tờ giấy nhỏ xíu bằng ba ngón tay với vài dòng chữ Thái, hoàn toàn không có thông tin nào khác. Mỗi hộp sẽ gồm có mứt đào táo, đào hạnh, kiwi, bí, dừa, mơ, cherry, nho… Nếu mứt Trung Quốc gắn mác Thái Lan thật, mỗi ký mứt bán ra sẽ lời gấp đôi, gấp ba.

Có thể nói, rất nhiều loại kẹo mứt là hàng Trung Quốc, đều do tiểu thương “tự phong” với mác sang chảnh là làng Mỹ, Úc, Thổ Nhĩ Kỳ… Tuy nhiên, ý thức của người tiêu dùng đã thay đổi, quay sang chuộng mứt nội, có thông tin sản phẩm hẳn hoi chứ không vội tin những lời “tự phong” của các tiểu thương như trước kia.

Tran ngap mut ngoai: da phan la hang “tu phong”
Mứt được cho của Thái Lan bán chợ mạng không hề có nhãn mác, thông tin

Quan sát người tiêu dùng đến chợ này, nếu mua mứt lẻ một vài ký về ăn Tết, họ thường chọn các loại mứt quen thuộc của Việt Nam do Trung Quốc cũng có mứt bí, khoai lang... để tránh chọn nhầm, họ thường chọn loại đóng gói từng miếng mứt, có chữ tiếng Việt thay vì chọn hàng ký trần trụi bày sẵn trong khay. Hạt dưa, hạt bí thì cũng đều chọn loại đựng thùng có thương hiệu. Hiếm thấy khách mua lẻ nào hỏi đến các loại mứt xanh, đỏ, vàng của Trung Quốc. Nếu có, là khách sỉ và mối lái từ các tỉnh đổ về. 

Thanh Hoa

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI