Quảng Ngãi:

Một số nơi thiếu thuốc BHYT, thừa nữ hộ sinh...

14/07/2022 - 13:56

PNO - Trạm y tế xã, phường; một số trung tâm y tế, bệnh viên gặp khó khăn do thiếu thuốc BHYT; dư biên chế nữ hộ sinh khiến cho hoạt động khám chữa bệnh gặp nhiều khó khăn.

Thiếu thuốc điều trị

Bác sĩ Đinh Thị Mai Hương, giám đốc Trung tâm Y tế huyện Ba Tơ bùi ngùi, đứng trước bệnh nhân cấp cứu nhưng thiếu thuốc, y bác sĩ rất khó khăn trong điều trị. Hiện tại trung tâm gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thuốc để điều trị cho bệnh nhân. Vừa qua, các cấp, các ngành, kể cả bảo hiểm xã hội tỉnh Quảng Ngãi rất quan tâm để tháo gỡ khó khăn cho trung tâm nhưng đến nay tình hình vẫn chưa khác được.

Nhiều cơ sở khám chữa bệnh rơi vào tình trạng thiếu thuốc bảo hiểm y tế
Nhiều cơ sở khám chữa bệnh rơi vào tình trạng thiếu thuốc bảo hiểm y tế - ảnh T.P

"Tỉ lệ tự chủ quá cao, trong khi nguồn thu ít ỏi dẫn đến các đơn vị trong tình trạng khốn đốn", bác sĩ Hương bày tỏ.

Một nguyên nhân khác, ảnh hưởng đến thiếu hụt kinh phí cho công tác khám chữa bệnh tại một số đơn vị: có vướng mắc về thanh toán bảo hiểm y tế từ năm 2018 đến nay nhưng chưa được giải quyết dứt điểm. Tại trung tâm y tế huyện Ba Tơ, cơ quan bảo hiểm đã thực hiện kiểm tra, thẩm định nhiều lần nhưng vẫn chưa thể quyết toán dẫn đến tình trạng thiếu thuốc.

Theo Sở Y tế Quảng Ngãi, việc thiếu thuốc có nguyên nhân khách quan do tình hình dịch bệnh xảy ra; nhưng việc phải tự đảm bảo chi với tỉ lệ khá cao tại các cơ sở khám chữa bệnh như Ba Tơ, Sơn Hà, Tư Nghĩa… dẫn đến không đủ kinh phí cho công tác khám chữa bệnh. Vì vậy, các đơn vị chưa cân đối, bố trí được nguồn tiền để mua thuốc.

Dư thừa biên chế nữ hộ sinh

Hiện nay, trung tâm y tế tuyến huyện, trạm y tế tuyến xã ở Quảng Ngãi, xảy ra tình trạng thừa biên chế nữ hộ sinh, đặc biệt có nơi, nhu cầu chỉ khoảng 7 - 8 nữ hộ sinh nhưng có đến hơn 30 biên chế. Tình trạng dư thừa này gây khó khăn trong hoạt động của các đơn vị, khi các trung tâm thực hiện tự chủ về tài chính; gây ra tâm lý bất an cho đội ngũ nữ hộ sinh. 

sản phụ L. T. H., (26 tuổi), phường Phổ Thạnh, (thị xã Đức Phổ) đẻ rơi tại Trạm Y tế phường Phổ Thạnh hồi năm 2021
Sản phụ L. T. H., (26 tuổi), phường Phổ Thạnh, (thị xã Đức Phổ) đẻ rơi tại Trạm Y tế phường Phổ Thạnh hồi năm 2021

Trưởng trạm y tế phường Trương Quang Trọng (Tp.Quảng Ngãi) cho biết rất ít sản phụ đến trạm để sinh nở, vì họ lên tuyến trên, trường hợp "đẻ rớt" thì nhân viên y tế tại đây sẽ đỡ đẻ. 

Ông Phạm Minh Đức, Phó giám đốc phụ trách Sở Y tế Quảng Ngãi, khẳng định, nhu cầu chức danh nữ hộ sinh làm việc tại các cơ sở y tế nói chung và tại trạm y tế tuyến xã là cần thiết để thực hiện các nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu trong lĩnh vực Sức khỏe sinh sản - Kế hoạch hóa gia đình.

Nguyên nhân dư thừa nữ hộ sinh, được Sở Y tế Quảng Ngãi lý giải, trong giai đoạn trước năm 2010, việc tiếp nhận sản phụ đến sinh đẻ tại tuyến y tế cơ sở (tuyến huyện và tuyến xã) là khá phổ biến nên các đơn vị đã tuyển dụng chức danh nữ hộ sinh để phục vụ nhu cầu của nhân dân.

Trạm y tế phường Trương Quang Trọng (TP.Quảng Ngãi) gần các bệnh viện lớn nên khi sinh nở người dân ít đến đây
Trạm y tế phường Trương Quang Trọng (TP.Quảng Ngãi) gần các bệnh viện lớn nên khi sinh nở người dân ít đến đây - Ảnh: Thanh Vạn

Những năm gần đây, việc sinh đẻ ở trạm y tế giảm dần do người dân có điều kiện lên tuyến huyện, tỉnh để đẻ. Việc quản lý, tuyển dụng, tiếp nhận vào hợp đồng nhân viên y tế tuyến xã qua các giai đoạn khác nhau do Sở Y tế, hoặc UBND cấp huyện quyết định nên thiếu sự thống nhất trong theo dõi, quản lý viên chức tuyến xã.

Theo thống kê của ngành chức năng, đến 20/6/2022, số nữ hộ sinh tuyến huyện, xã có 491 người. Các nhân viên y tế này chưa phải là viên chức, do đó không thể điều chuyển, bố trí công tác tại các cơ sở y tế tuyến tỉnh, huyện. Vì vậy, sau khi thực hiện việc tuyển dụng thành viên chức năm 2020, số lượng hộ sinh tại tuyến xã còn nhiều.

Cơ sở y tế xuống cấp 

Hiện nay, cơ sở vật chất ở một số cơ sở y tế tuyến xã xuống cấp, không đáp ứng yêu cầu phục vụ công tác chuyên môn. Trang thiết bị y tế đầu tư không đồng bộ, nhiều thiết bị cũ kỹ, lạc hậu, chưa được thay thế kịp thời.

Trạm y tế xã miền núi Sơn Long, huyện Sơn Tây, Quảng Ngãi đang trong tình trạng xuống cấp
Trạm y tế xã miền núi Sơn Long, huyện Sơn Tây, Quảng Ngãi đang trong tình trạng xuống cấp - Ảnh: Thanh Vạn

Việc đầu tư một số máy móc, trang thiết bị phải song hành với nguồn nhân lực bác sĩ có chứng chỉ hành nghề và được đào tạo các dịch vụ kỹ thuật tương ứng, trong khi bác sĩ, bác sĩ y học cổ truyền tại nhiều trạm y tế chưa đáp ứng yêu cầu, đặc biệt là các trạm y tế xã miền núi.

Thêm vào đó, từ năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng dịch COVID-19, việc bố trí kinh phí mua sắm thiết bị y tế cho ngành y tế nói chung và các trạm y tế xã trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn.

Trạm y tế xã miền núi Sơn Long (huyện Sơn Tây, Quảng Ngãi) được trang bị 1 máy điện tim nhưng đã hư hỏng, chưa có máy siêu âm. Trạm chủ yếu cấp cứu, khám, chữa bệnh ban đầu những bệnh thông thường, cấp thuốc cho người dân. Trường hợp vượt quá khả năng, trạm sẽ chuyển lên tuyến trên.

Trạm y tế xã Sơn Long được tài trợ 1 máy điện tim nhưng đã hư hỏng
Trạm y tế xã Sơn Long được tài trợ 1 máy điện tim nhưng đã hư hỏng - Ảnh: T.V

Người dân địa phương còn phong tục cúng bái khi ốm đau; một số người không quan tâm đến con cái khi bị bệnh… là những khó khăn tại trạm y tế. Các phòng khám bệnh, làm việc tại trạm hiện đã xuống cấp, thấm nước. 

Thanh Vạn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI