Một di sản giáo dục nghệ thuật tầm nhìn đang dần mai một

09/06/2022 - 06:21

PNO - Nhân 85 năm ngày mất của họa sĩ Victor Tardieu, (12/6/1937 - 12/6/2022), tiến sĩ Trần Hậu Yên Thế - giảng viên Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam và nhà nghiên cứu mỹ thuật Phạm Long đã cùng trao đổi với Báo Phụ Nữ TP.HCM về di sản giáo dục nghệ thuật tầm nhìn mà Victor Tardieu để lại.

Victor Tardieu là người đã đề xuất với chính quyền thuộc địa mở Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (CĐMTĐD) nay là Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam, đồng thời là hiệu trưởng đầu tiên của ngôi trường này cho tới khi qua đời (1924-1937). Đây là ngôi trường mà trong Việt Nam văn hóa sử cương (1938), học giả Đào Duy Anh đánh giá: “Có cái địa vị rất trọng yếu là làm trung tâm cho một cuộc cải tạo lớn”.

Tiến sĩ Trần Hậu Yên Thế (bên trái) và nhà nghiên cứu mỹ thuật Phạm Long
Tiến sĩ Trần Hậu Yên Thế (bên trái) và nhà nghiên cứu mỹ thuật Phạm Long

Nhiều di sản về tầm nhìn

Phóng viên: Cá nhân ông đánh giá công lao lớn nhất của danh họa Victor Tardieu là gì?

Ông Phạm Long: Khai sáng nền mỹ thuật hiện đại. Nói như danh họa Tô Ngọc Vân, nếu không có thầy Victor Tardieu, thì không có mỹ thuật hiện đại Việt Nam. Thậm chí, không có cả mỹ thuật (ý nói mỹ thuật tạo hình). Bởi trước đó, mỹ thuật Việt Nam mới chỉ dừng lại ở mỹ thuật dân gian, mỹ thuật đình chùa. Vị trí của cụ trong lịch sử mỹ thuật là duy nhất - không ai thay thế được.  

* Theo ông, di sản cụ Victor Tardieu để lại có mối liên hệ ra sao đến tầm nhìn mỹ thuật đương đại Việt Nam hiện nay?

Ông Phạm Long: Theo tôi, có mấy “di sản về tầm nhìn” mà cụ Victor Tardieu để lại cho nền mỹ thuật đương đại Việt cần lưu ý. Biết trân trọng vốn cổ, truyền thống (của phương Đông, bản địa) để tiếp thu những cái hay, cái mới (của phương Tây, bên ngoài) một cách hài hòa, thận trọng. Sự ra đời và phát triển ngày càng thành công của nghệ thuật sơn mài và tranh lụa tại Trường CĐMTĐD là một bằng chứng.

Nhìn lại di sản của Victor Tardieu, thấy cả một mô hình rất liên ngành, liên lĩnh vực, liên kết được rất nhiều nguồn lực để thúc đẩy đào tạo, quảng bá các giá trị. Ngôi trường do ông sáng lập đã đào tạo cho Việt Nam một giới tinh hoa trong lĩnh vực nghệ thuật. Tôi cho rằng, đó là một khoảng trống trong công cuộc giáo dục hiện nay. Trách nhiệm của Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam khá nặng nề, không chỉ sở hữu vị trí, còn phải tiếp nối những giá trị mà di sản của Victor Tardieu để lại.

Tiến sĩ Trần Hậu Yên Thế

Phải mở rộng con mắt và tâm trí để học hỏi, trong một bầu không khí học thuật đa ngành, đa văn hóa. Chương trình giảng dạy tổng quát tiên tiến, mang tính khai phóng, liên ngành với các giáo sư/chuyên gia đến từ nước Pháp, từ các trường và các cơ quan ở Đông Dương với những chuyên môn khác nhau là một minh chứng!

Trường CĐMTĐD phải là nơi khởi xướng và chấn hưng thẩm mỹ (tốt) cho nhân dân; không bỏ rơi thủ công mỹ nghệ, quan tâm tới những người lao động và nhóm người yếm thế. Các lớp học buổi tối của Trường CĐMTĐD thu hút đông đảo người học, sự phối hợp nhịp nhàng của trường với Khu đấu xảo, Bảo tàng Maurice Long với Hội Chấn hưng Mỹ thuật và Kỹ nghệ của các địa phương (Hà Đông, Bắc Ninh…), với các tổ chức văn hóa xã hội (Khai Trí Tiến Đức, Trí Tri…)…  là một minh chứng về một hệ sinh thái sáng tạo có Trường CĐMTĐD làm hạt nhân.

Không đóng kín học đường, không xa rời các hoạt động xã hội, nhân văn; đào tạo những thế hệ sinh viên vừa có trình độ vừa “hiểu rõ sứ mệnh cao cả của người nghệ sĩ trong xã hội”. Thầy trò (sinh viên và cựu sinh viên) hăng hái tham gia các hoạt động đấu xảo, hội chợ (trong nước và quốc tế) và các phong trào (cải cách) văn hóa xã hội khác là một minh chứng.

Chúng ta quá thờ ơ với di sản quý báu 

Victor Tardieu (hàng ngồi, thứ tư từ trái qua) và các giáo sư dạy các ban mỹ thuật, kiến trúc, dự bị của Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương chụp ảnh cùng các sinh viên những khóa đầu tiên của trường, khoảng năm 1930 - ẢNH: TƯ LIỆU
Victor Tardieu (hàng ngồi, thứ tư từ trái qua) và các giáo sư dạy các ban mỹ thuật, kiến trúc, dự bị của Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương chụp ảnh cùng các sinh viên những khóa đầu tiên của trường, khoảng năm 1930 - Ảnh: Tư liệu

* Tinh thần nổi bật mà cụ để lại cho hậu thế là giáo dục khai phóng. Ông nghĩ gì về tinh thần đó khi đặt trong công cuộc giáo dục nghệ thuật nói chung ở nước ta hiện nay?

Tiến sĩ Trần Hậu Yên Thế: Trong quãng thời gian khá ngắn ngủi từ năm 1924 -1937, ông đã kịp để lại một di sản to lớn. Không chỉ là số lượng sinh viên tốt nghiệp, số mã ngành nghề đào tạo, những danh hiệu mà sinh viên Trường CĐMTĐD được giới nghệ thuật Âu - Mỹ ghi nhận qua các kỳ triển lãm; mà quan trọng là giáo dục thẩm mỹ, giáo dục nghệ thuật, giáo dục nhân cách - thông qua một môi trường rất cụ thể là Trường CĐMTĐD.

Trong bức thư gửi Toàn quyền Đông Dương năm 1924, khi mường tượng về một ngôi trường tổng quát, ông đưa ra một mô hình đào tạo có tính liên ngành, đề cao tri thức tổng thể. Bây giờ nhìn lại mới thấy, tư duy đó không hề bị cũ, vẫn hợp xu thế của thời đại, đặc biệt khi Việt Nam nằm trong mạng lưới các thành phố sáng tạo do UNESCO khởi xướng. Tiếc là, trong bức tranh đào tạo sau này, chúng ta đã có những “gãy vỡ” và phân tách thành mỹ thuật sân khấu, mỹ thuật ứng dụng, mỹ thuật “salon”.

Về cơ bản, diện tích của Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam ngày nay so với Trường CĐMTĐD thời đó không hề bé hơn. Nhưng xét về mức độ đào tạo, tầm ảnh hưởng thì bé hơn rất nhiều. Quy mô đào tạo, số lượng ngành nghề đào tạo cũng không bằng. 

Ngày nay, giáo dục nghệ thuật nói chung ở ta hầu như chỉ đào tạo được những người khá giỏi trong chuyên môn hẹp của mình, thiếu hụt nhiều kiến thức nền của nhiều lĩnh vực khoa học tự nhiên hay xã hội khác. Điều này vừa không phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế xã hội trong thời đại số hóa và toàn cầu hóa, vừa lạc hậu so với xu thế giáo dục khai phóng của các trường nghệ thuật quốc tế.

Chỉ cần phát huy tốt tinh thần giáo dục khai phóng và đường lối đào tạo liên ngành, liên văn hóa mà Victor Tardieu đã thực hiện rất hiệu quả từ gần 100 năm về trước, chúng ta đã có được những xuất phát điểm tốt để bắt kịp xu thế thời đại.

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Phạm Long

Thầy Tardieu cũng để lại dấu ấn của ông trong hoạt động của khu đấu xảo thời đó. Rõ ràng, so với trước, Hà Nội đã mở rộng rất nhiều. Nhưng tới nay, ta vẫn thiếu một trung tâm triển lãm tầm cỡ, không chỉ lớn về diện tích, mà còn ở cách quản lý, tổ chức mạng lưới. Giờ ta có các expo (hội chợ thế giới/triển lãm thế giới - PV), nhưng lại thiếu những expo lồng ghép nghệ thuật, kỹ nghệ và thương mại. Vẫn có những kỳ triển lãm hội chợ quốc tế, thậm chí đạt giải thưởng (EXPO 2020 Dubai); vẫn có không gian trưng bày, vẫn có các trường nghệ thuật, nhưng chúng ta chưa có sự kết nối như đã từng. 

* Nếu như không có Victor Tardieu, thì…?

Tiến sĩ Trần Hậu Yên Thế: Tôi không biết lịch sử mỹ thuật Việt Nam sẽ ra sao. Nhưng tôi nghĩ, nếu không có Victor Tardieu, rồi cũng sẽ có một ngôi trường nào đó thôi, cũng có thể sẽ là mô hình kiểu như Trường Mỹ thuật Trang trí Đồng Nai, Trường Mỹ thuật Gia Định - thuần túy đào tạo những người làm về ngành nghề nghệ thuật. Trường CĐMTĐD đã góp phần đào tạo ra những trí thức làm nghệ thuật - những người chở khát vọng tạo ra những sản phẩm làm thay đổi văn hóa nghệ thuật của một cộng đồng, thậm chí một dân tộc.

Đó là lý do vì sao khi nhìn áo dài Cát Tường, hay những sản phẩm đồ mộc của cụ Trịnh Hữu Ngọc (đều là học trò của Trường CĐMTĐD), ta nhận ra ngay sự khác biệt. Rõ ràng, đó là cả một tư duy và triết lý văn hóa. Cũng là một cuộc đối thoại sòng phẳng. Tardieu đã giúp chúng ta có cơ hội chiêm ngưỡng sự hoàn hảo, sự thích hợp đến tài tình giữa truyền thống và nhu cầu thay đổi của thời đại. Ông đã đến xứ sở này, kiến thiết nên một ngôi trường có tính lịch sử.

Ông Phạm Long: Thì sẽ không có nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam như diện mạo hiện nay - đặc biệt là sơn mài Việt và tranh lụa Việt có được vị thế nhất định trên bản đồ nghệ thuật khu vực và thế giới. 

ừ trái qua: Tiến sĩ Trần Hậu Yên Thế, nhà nghiên cứu Phạm Long và hoạ sĩ Trịnh Lữ dâng hoa tượng thầy Victor Tardieu  ngay tại trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam (tiền thân là trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương)
Từ trái qua: Tiến sĩ Trần Hậu Yên Thế, nhà nghiên cứu Phạm Long và hoạ sĩ Trịnh Lữ dâng hoa tượng thầy Victor Tardieu ngay tại trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam (tiền thân là trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương)

* Hiện, nhắc đến mỹ thuật Việt Nam, thế giới vẫn nhắc nhiều nhất đến mỹ thuật Đông Dương. Phải chăng, cụ Victor Tardieu và di sản của cụ đã tạo ra một chiếc bóng quá lớn, đồng thời cũng là một áp lực cho hậu thế?

Ông Phạm Long: Chúng ta - các cơ quan hữu quan, công chúng và giới hoạt động nghệ thuật - quá thờ ơ và càng ngày càng làm mai một di sản quý báu mà cụ để lại - một di sản lớn nhưng cũng “vừa vặn” với con người và xứ sở ta. 

Một ví dụ, đó là hai tấm phù điêu của Trường CĐMTĐD từng có mặt tại Đấu xảo Paris năm 1931, hiện vẫn còn trên bức tường tòa nhà vẽ hình họa, cho đến nay vẫn bị “nhốt”. Công chúng và giới nghiên cứu vẫn chưa có điều kiện tiếp cận công khai và chiêm ngưỡng, như một di tích văn hóa lịch sử hiếm hoi của nền điêu khắc hiện đại Việt thuở trứng nước, cách đây gần một thế kỷ.

Sắp tới là dịp kỷ niệm 100 năm thành lập Trường CĐMTĐD (1924-2024). Đây là một dấu mốc để chúng ta nhìn nhận đúng giá trị di sản này, để tôn vinh và phát huy vì sự phát triển của một xã hội hiện đại, văn minh. Hay ngắn gọn hơn: vì 
con người!   

* Cảm ơn hai ông. 

Đậu Dung (thực hiện)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI