Mối họa thịt rừng

26/12/2022 - 07:18

PNO - Hàng trăm vụ bùng dịch trong vài thập niên qua trên khắp thế giới đều liên quan đến động vật hoang dã (ĐVHD). Đó là HIV, SARS, MERS, H1N1 (cúm heo), H5N1 (cúm gia cầm) hay Ebola. Chúng cướp đi sinh mạng của nhiều triệu người và gây ra vô số thiệt hại về vật chất.

Bất chấp điều này, việc tiêu thụ ĐVHD trên thế giới vẫn không giảm. Tại Việt Nam, chỉ qua nghiên cứu sơ bộ trên internet giai đoạn 2016-2021, Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên và Phát triển đã thống kê có hơn 1.090 vụ rao bán khoảng hơn 11.000 cá thể ĐVHD.

Có cầu ắt có cung. Nạn săn bắt, buôn bán ĐVHD ở nước ta không thể phát triển mạnh nếu người tiêu dùng không có nhu cầu tiêu thụ. 

Trong 2 năm 2020 và 2021, GlobeScan (tổ chức tư vấn chiến lược toàn cầu) và WWF (Quỹ quốc tế Bảo tồn thiên nhiên) thực hiện cuộc khảo sát trực tuyến với người tham gia từ Việt Nam, Thái Lan, Myanmar, Trung Quốc, Hoa Kỳ nhằm đánh giá niềm tin và hành vi của con người về các khu chợ ĐVHD trong bối cảnh COVID-19 bị nghi ngờ có liên quan.
Kết quả, có 7% tổng số người được hỏi khẳng định, họ hoặc một người mà họ biết đã mua các sản phẩm từ ĐVHD trong 12 tháng qua; 9% nói rằng họ “rất có khả năng hoặc có khả năng” làm điều tương tự trong tương lai. Tỉ lệ tương ứng ở người Việt Nam được khảo sát lần lượt là 14% và 12%.

Kết quả có lẽ không quá bất ngờ về sự “hảo” ĐVHD của người dân nước ta. Trên các con đường Bắc, Trung, Nam, không khó để bắt gặp những nhà hàng, quán ăn có bảng hiệu Hương Rừng mà ở đó, người ta dễ dàng ăn được thịt các loài thú rừng như rắn, tê tê, cầy hương, gà rừng, heo rừng, chồn, cheo, nhím, dúi… Thậm chí, không ít người ăn thịt ĐVHD quý hiếm để chứng minh “đẳng cấp” giàu sang. Ngoài ăn thịt, trong những năm gần đây, người dân còn rộ lên trào lưu nuôi nhốt thú rừng “độc, lạ” trong nhà như một dạng thú cưng. 

Không chỉ là thị trường tiêu thụ, Việt Nam từ lâu trở thành “trạm trung chuyển” buôn bán ĐVHD trái phép xuyên quốc gia của các tổ chức quốc tế.

Rõ ràng, không nhiều người ăn thịt, nuôi nhốt, vận chuyển hay mua bán ĐVHD nhận thức được rằng, ngoài việc làm mất cân bằng hệ sinh thái thì đó còn là nguy cơ tiếp nhận các mầm bệnh từ ĐVHD rất cao.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cứ 10 loại bệnh truyền nhiễm ở người thì có hơn 6 loại bệnh được truyền từ động vật. Còn theo Tổ chức thế giới về Sức khỏe động vật (WOAH), trong số 335 loại bệnh mới xuất hiện ở người trong 60 năm qua, có đến 144 loại bệnh (43%) có nguồn gốc từ ĐVHD. 

Tháng 10/2022, Ngân hàng Thế giới (WB) đã công bố báo cáo liên quan COVID-19, trong đó nhấn mạnh hệ quả của sự tác động qua lại giữa con người, Trái đất và kinh tế, đồng thời kêu gọi mọi người quan tâm đến các bệnh lây truyền từ động vật. Thống kê của WB khiến chúng ta phải giật mình: mỗi năm, các bệnh lây truyền từ động vật đã gây ra hơn 1 tỉ ca nhiễm trùng và 1 triệu ca tử vong trên thế giới.

Ngày 21/12 vừa qua, WWF Việt Nam đã khởi động chiến dịch truyền thông giảm nhu cầu tiêu thụ thịt ĐVHD nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về các nguy cơ liên quan. Chiến dịch truyền thông có thông điệp “Thịt rừng kề miệng, nguy cơ chực chờ”, nêu bật 3 nguy cơ chính, gồm nguy cơ đối với sức khỏe cộng đồng; nguy cơ vi phạm pháp luật trong nước, quốc tế; nguy cơ tác động tiêu cực tới thiên nhiên. 

Giữa năm nay, Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam khởi động “Dự án bảo vệ các loài ĐVHD nguy cấp” kéo dài 5 năm, nhằm tăng cường năng lực lãnh đạo của Việt Nam trong công tác xử lý tội phạm về ĐVHD, cải thiện hiệu quả thực thi pháp luật và giảm thiểu nhu cầu tiêu thụ đối với các sản phẩm từ ĐVHD trái phép.

Hy vọng những dự án, chiến dịch trên sẽ làm giảm và tiến tới loại bỏ việc tiêu dùng ĐVHD trong cộng đồng. 

An Nhiên 
 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI