“Mỏ quặng” hình tượng Tả quân Lê Văn Duyệt trên sân khấu

30/11/2020 - 06:38

PNO - Tả quân Lê Văn Duyệt, con người có số phận đặc biệt với nhiều vinh quan lẫn bi kịch, nhưng hiện tại, các tác phẩm sân khấu mới chỉ khai thác được phần nào.

Đề tài lịch sử luôn là nguồn cảm hứng lớn lẫn thử thách cho người làm sân khấu. Việc khai thác nhân vật lịch sử với công danh sự nghiệp rõ ràng được ghi trong chính sử lại càng khó. Nhưng trong khoảng mười năm trở lại đây, có đến năm bản dựng sân khấu về Tả quân Lê Văn Duyệt - nhân vật lịch sử lẫy lừng của vùng đất phương Nam. Đây là một hiện tượng hiếm thấy.

Những màu sắc riêng

Đầu tiên phải kể đến vở kịch Tả quân Lê Văn Duyệt (tác giả: Nguyễn Văn Quý, đạo diễn: nghệ sĩ nhân dân (NSND) Doãn Hoàng Giang) của Nhà hát Kịch TP.HCM (tháng 9/2008). Với mức đầu tư hơn một tỷ đồng, cùng vị đạo diễn danh tiếng mời từ miền Bắc vào và lực lượng diễn viên tên tuổi (cố NSND Thế Anh, nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Quyền Linh, NSƯT Trịnh Kim Chi…), Tả quân Lê Văn Duyệt được xem là “bom tấn” của làng sân khấu thành phố.

Đến nay, vở cải lương Trung thần được xem là tác phẩm sân khấu khai thác hình tượng Tả quân Lê Văn Duyệt thành công nhất
Đến nay, vở cải lương "Trung thần" được xem là tác phẩm sân khấu khai thác hình tượng Tả quân Lê Văn Duyệt thành công nhất

Nhưng “bom tấn” đã nhanh chóng thành… “bom xịt”, khi vở không tạo được hiệu ứng như mong muốn. Cốt truyện bám khá sát công nghiệp của đức tả quân với vùng đất Nam bộ, đáng tiếc là phần lớn diễn viên lại không hợp vai. Vở có thêm vài suất diễn ở Nhà hát TP.HCM và Khu Di tích Lăng Tả quân Lê Văn Duyệt (Q.Bình Thạnh) rồi lặng lẽ rơi vào quên lãng.

Đến năm 2015, NSƯT Hoa Hạ dàn dựng vở cải lương Trung thần (chuyển thể cải lương: Hoàng Song Việt) đạt huy chương bạc tại Cuộc thi nghệ thuật sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc (tổ chức tại Bạc Liêu). Khắc họa khá đậm nét tính cách và công trạng của đức tả quân qua các lớp diễn cao trào đầy cảm xúc, cùng sự nhập vai nhuần nhuyễn của dàn diễn viên trẻ giỏi nghề và đồng đều, Trung thần được dư luận đánh giá cao.

“Ông bầu” Huỳnh Anh Tuấn của sân khấu IDECAF rất thích vở diễn, liền kết hợp với NSƯT Hoa Hạ tổ chức chương trình Tôi yêu cải lương nhằm mang những vở cải lương nguyên tuồng chuẩn mực trở lại với khán giả, mà Trung thần là phát pháo đầu tiên. Đáng tiếc, vì nhiều lý do, dự án lại “giữa đường gãy gánh”. Bất ngờ hơn, năm 2019, Trung thần được tác giả Từ Hải Thành chuyển thể thành tuồng, đến với khán giả miền Bắc qua bản dựng của NSND Hoàng Quỳnh Mai cho Nhà hát Tuồng Việt Nam. Đây là việc khá hy hữu, khi một đơn vị sân khấu phía Bắc lại khai thác kịch bản về một nhân vật lịch sử ở Nam bộ.

Vở hát bội Lê Công kỳ án đạt huy chương vàng tại Liên hoan Nghệ thuật Sân khấu chuyên nghiệp Tuồng, Bài chòi và Dân ca kịch toàn quốc 2018
Vở hát bội "Lê Công kỳ án" đạt huy chương vàng tại Liên hoan Nghệ thuật Sân khấu chuyên nghiệp Tuồng, Bài chòi và Dân ca kịch toàn quốc 2018

Tiếp đến, Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TP.HCM đã thắng lớn tại Liên hoan Nghệ thuật Sân khấu chuyên nghiệp Tuồng, Bài chòi và Dân ca kịch toàn quốc 2018 (diễn ra tại Quảng Ngãi) với vở Lê Công kỳ án (kịch bản: NSƯT Hữu Danh, đạo diễn: Nguyễn Hoàn) - lần đầu tiên mang về cho nhà hát chiếc huy chương vàng danh giá ở một kỳ hội diễn. Vai diễn Lê Văn Duyệt của nghệ sĩ Đông Hồ là tả quân… hiền nhất, khi vở chủ trương khai thác ông dưới góc độ một nhà lãnh đạo gần dân, hơn là hình ảnh một dũng tướng. 

Mới đây, NSƯT Mỹ Hằng giới thiệu phiên bản cải lương Lê Công kỳ án (chuyển thể: Phạm Văn Đằng) khi công diễn báo cáo tác phẩm tốt nghiệp đạo diễn sân khấu của mình. Điều thú vị là NSƯT Lê Trung Thảo, người từng gây ấn tượng với vai Tả quân Lê Văn Duyệt trong vở Trung thần, một lần nữa trở lại với vai diễn này. Lê Trung Thảo đã thành công khi thể hiện được một mặt tính cách khác nhưng thống nhất với khí chất mà vai diễn Lê Văn Duyệt trước đây đã tạo ra.

Vẫn còn không gian sáng tạo

Ngoài tôn vinh vị thanh quan, các kịch bản còn “mượn xưa nói nay”. Thông qua vụ án “chém cha vợ vua”, nêu cao tinh thần trừng trị thẳng tay những kẻ “sâu dân mọt nước” dù có là “hoàng thân quốc thích”, là lời cảnh tỉnh, cũng là kỳ vọng của quần chúng nhân dân vào công cuộc chống tham nhũng hiện nay. Đây là đề tài rộng mở và muôn thuở, nên các bản dựng trên dù cùng khai thác một sự kiện, nhưng đã có được góc nhìn, cách kể chuyện riêng.

Tuy nhiên, với một nhân vật được xem là “khai quốc công thần” của triều Nguyễn, được tôn vinh ở nhiều vai trò như tướng lĩnh (một trong “Gia Định ngũ hổ tướng”), nhà chính trị, nhà kinh tế, nhà ngoại giao (chủ trương mở cửa giao thương với phương Tây và lân bang), nhà văn hóa (người đưa hát bội cùng vào Nam và phổ biến ra dân chúng) thì vẫn còn nhiều góc độ có thể khai thác. 

Vở cải lương Lê Công kỳ án khai thác hình tượng Tả quân Lê Văn Duyệt khá sâu sắc và gần gũi
Vở cải lương "Lê Công kỳ án" khai thác hình tượng Tả quân Lê Văn Duyệt khá sâu sắc và gần gũi

Thêm nữa, Lê Văn Duyệt lại có số phận đặc biệt, khi ông là một thái giám (có tài liệu cho rằng ông trở thành thái giám vì sinh ra đã bất toàn, nhưng cũng có nguồn đề cập ông là người đồng tính) nhưng vẫn lập gia đình, ngoài chính thất là bà Đỗ Thị Phận, còn có thêm nàng hầu.

Vinh quang và bi kịch, rất nhiều mâu thuẫn trong một con người và số phận độc đáo đã tạo nên sức hấp dẫn vô cùng lớn cho nhân vật Tả quân Lê Văn Duyệt. Nhưng hiện tại, các tác phẩm sân khấu mới chỉ khai thác được phần nào. Chủ yếu vẫn là “kể chuyện”, chạy theo sự kiện bề mặt, chứ chưa đi sâu lý giải nhân vật và những vấn đề vĩ mô đằng sau một bản án, hoặc chân dung đầy đủ của một con người đặc biệt.

Có sự nghiệp quân sự lẫy lừng và tài kinh bang tế thế, là bậc đại công thần với lắm đặc quyền (thậm chí là “nhập triều bất bái”), nhưng cũng nhiều đồn đoán rằng ông và vua Minh Mạng “bằng mặt mà không bằng lòng” - cũng là nguyên do thảm án ông phải gánh sau khi qua đời. Nhà vua tước hết chức vụ ông được phong tặng lúc sinh thời và truy tặng sau khi mất, cho san phẳng mồ mả, xiềng xích lại và dựng tấm bia đá khắc tám chữ: “Quyền yêm Lê Văn Duyệt phục pháp xứ” (Nơi hoạn quan lộng quyền Lê Văn Duyệt chịu tội)… 

Chắc hẳn, số tác phẩm sân khấu về nhân vật này chưa dừng lại ở đây. Được biết, đạo diễn Nguyên Đạt đang thực hiện vở cải lương Tả quân Lê Văn Duyệt (chuyển thể từ bản kịch nói của tác giả Nguyễn Văn Quý) để dự Liên hoan Sân khấu truyền hình, và “ông bầu” Huỳnh Anh Tuấn vẫn ấp ủ một bản dựng về đức tả quân trên sân khấu IDECAF trong thời gian không xa. Có lẽ những tác phẩm hay hơn nữa về Tả quân Lê Văn Duyệt, nhân vật lịch sử đặc biệt của vùng đất Sài Gòn - Gia Định và Nam bộ, vẫn còn chờ những nhà làm sân khấu ở phía trước! 

Đông A

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI