Mô hình TP trực thuộc TP có tính khả thi cao với 5 huyện ngoại thành TPHCM

10/09/2023 - 06:22

PNO - Đó là khẳng định của UBND TPHCM trong báo cáo gửi Bộ Xây dựng về những khó khăn trong quản lý, phát triển đô thị và hạ tầng kỹ thuật đô thị.

Theo UBND TPHCM, về triển khai các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, khu nhà ở hiện nay đang theo làn sóng đầu cơ, không gắn với việc làm hạ tầng, không hình thành các khu trung tâm. Nguyên nhân, việc thực hiện quy hoạch chậm, giao thông tiếp cận chưa tới, thủ tục đầu tư phức tạp…

Nguồn thu từ đất đai chưa bền vững, nhiều dự án chậm hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất; việc áp dụng các phương pháp xác định giá đất cụ thể còn bất cập, nguy cơ thất thoát ngân sách nhà nước.

Quy hoạch chung thành phố mang tính định hướng các chức năng cơ bản của một khu vực, khi triển khai đến đồ án quy hoạch cấp dưới cần phải cụ thể hóa chức năng đã định hướng cho phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và bảo đảm tính khả thi như bổ sung các chức năng phụ trợ, các chức năng tạo hiệu quả kinh tế để mời gọi đầu tư…

TPHCM đề xuất phát triển đô thị vệ tinh để giảm tải cho khu vực trung tâm
TPHCM đề xuất phát triển đô thị vệ tinh để giảm tải cho khu vực trung tâm

Định hướng quy hoạch chung của thành phố khi triển khai xuống quy hoạch chung quận – huyện thì cơ bản được bảo đảm (một phần do hai quy hoạch chung này được nghiên cứu và triển khai thực hiện song song) nhưng đến quy hoạch phân khu thì nhiều vấn đề phát sinh, gây khó khăn cho việc triển khai thực hiện, thậm chí không thể thực thi.

Hệ thống giao thông trong đồ án quy hoạch chung mang tính định hướng tuyến nhưng khi triển khai đến quy hoạch phân khu đã có sự sai lệch, gây khó trong quản lý và cấp phép khiến nhiều tuyến đường bị chồng lấn pháp lý, gây khó khăn cho cả cơ quan quản lý và người dân, thậm chí một số khu vực phải quản lý theo kiểu "1 hướng tuyến, 2 con đường". Việc thống nhất, triển khai và giải quyết các vấn đề thường mang tính cục bộ, phụ thuộc vào cách hiểu và thực tiễn riêng của từng địa phương.

Sự khác biệt giữa quy hoạch xây dựng và quy hoạch sử dụng đất dẫn đến chồng chéo, không thống nhất, không có quy định xác định việc áp dụng hệ thống quy hoạch nào trong trường hợp không thống nhất chức năng gây khó khăn cho công tác quản lý, kéo dài thời gian thực hiện.

Ngoài ra, hiện nay TPHCM chưa xây dựng được cơ chế chính sách đầu tư ưu đãi, thu hút nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách còn nhiều bất cập như: quỹ đất đền bù, chính sách ưu đãi thuế… để khuyến khích nguồn vốn xã hội hóa. Cơ chế chính sách về đất đai, nhà ở, giãn dân chưa phù hợp, chưa đủ hành lang pháp lý. 

Do đó, TPHCM đề xuất việc quản lý cần cập nhật, rà soát bổ sung tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật nhằm phù hợp với yêu cầu hiện tại cũng như linh hoạt theo kịp tốc độ phát triển của xã hội. Thay đổi về chính sách nhà ở một cách hiệu quả, các chính sách đều hướng đến sự hoàn thiện về chất lượng, tiện nghi, an toàn… kèm theo những chính sách ưu đãi về giá cả để thu hút tư nhân hóa đầu tư. 

Định hướng quy hoạch đô thị sắp tới cần nghiên cứu quỹ đất phát triển nhà ở đô thị, nhất là nhà ở xã hội để đáp ứng nhu cầu cho người lao động, người thu nhập thấp. Một mặt, chỉnh trang khu đô thị hiện hữu, nghiên cứu mô hình phát triển đô thị hiệu quả như phát triển theo định hướng giao thông…  phát triển các huyện thành các đô thị vệ tinh của TP như những đô thị hiện đại, đô thị sinh thái, đô thị xanh, đô thị số.

Đáng chú ý, đối chiếu với các tiêu chí từ các quy định hiện hành, so sánh với thực trạng, UBND TPHCM cho rằng việc lựa chọn mô hình TP trực thuộc TPHCM (tương ứng đô thị loại III) sẽ khả thi và thuận lợi hơn đối với năm huyện ngoại thành.

Bởi hầu hết năm huyện đều vướng tiêu chí theo quy định là 100% xã, thị trấn phải là phường nếu chuyển thành đơn vị hành chính cấp quận, trong khi chỉ đạt tối thiểu là 70% phường trực thuộc đối với các đơn vị hành chính cấp TP.

Bích Trần

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI