Mất nhà ảo - mất cả cơ nghiệp

14/03/2018 - 18:00

PNO - Thông tin trang Facebook cá nhân có hàng trăm ngàn lượt theo dõi, giá trị hơn một tỷ đồng của Hải Dương - Hoa hậu Áo dài Việt Nam tại Mỹ năm 2016 - bị hacker chiếm đoạt khiến nhiều người giật mình.

Đây không phải lần đầu tiên trang cá nhân của người nổi tiếng bị tấn công, chiếm quyền điều khiển và việc này cũng đã xảy ra rất nhiều lần, với rất nhiều người.

Hệ lụy khôn lường

Trước Hải Dương, Hoa hậu Phạm Hương cũng từng bị chiếm quyền quản trị Facebook cá nhân. Hacker còn đăng status ngay trên chính trang của cô, yêu cầu cô làm video xin lại quyền kiểm soát tài khoản và gửi cho hacker.

Trước nữa, người mẫu Ngọc Quyên, ca sĩ Hồ Quỳnh Hương, ca sĩ Lệ Quyên, nghệ sĩ Cát Phượng… cũng từng bị hacker cướp mất quyền quản lý trang cá nhân và từ đó phát tán tin bịa đặt, bôi nhọ nghệ sĩ khác hoặc lừa đảo.

So với ngày trước, khi Facebook chỉ là nơi nghệ sĩ giao lưu với người hâm mộ (fan), chia sẻ tâm tình thì giờ đây, hậu quả của việc mất tài khoản Facebook là cực lớn. Sự phổ biến của Facebook hiện nay đã được nhiều người tận dụng cho mục đích làm ăn: các hot girl bán mỹ phẩm, doanh nghiệp quảng cáo, bán hàng, nghệ sĩ nhận show, thỏa thuận hợp đồng, thậm chí nhiều chị em cũng tận dụng thời gian rảnh để làm ra các sản phẩm “cây nhà lá vườn” đưa lên Facebook bán, kiếm thêm thu nhập.

Mat nha ao - mat ca co nghiep
 

Để được khách hàng biết đến, nhiều người đã chi tiền chạy quảng cáo, thậm chí mua lượt like (thích), lượt follow (theo dõi). Trung bình, một trang Facebook bán hàng nhỏ lẻ cũng phải đầu tư vài triệu đồng cho quảng cáo để tăng lượt like và follow.

Để đạt mức 5.000 lượt theo dõi (con số trung bình để bán hàng), chủ tài khoản thường phải chi ít nhất 5 triệu đồng, chưa kể số tiền quảng cáo phải chi ra hằng tháng để duy trì lượng khách hàng tiếp cận sản phẩm, dịch vụ.

Vào “thời đại livestream”, các Facebook bán hàng phải thường xuyên giảm giá hoặc “give away” (tặng quà) cho khách chia sẻ thông tin bán hàng, like trang… Các doanh nghiệp lớn phải thường xuyên tổ chức các cuộc thi, trò chơi tương tác để thu hút khách hàng và số tiền chi ra có thể lên đến hàng trăm triệu hoặc hàng tỷ đồng. Mất tài khoản Facebook cũng đồng nghĩa với việc các khoản đầu tư ấy tan thành mây khói.

Quản lý bất lực

Trong nỗ lực thu thuế người kinh doanh qua mạng xã hội, cơ quan quản lý đã yêu cầu các doanh nghiệp, cá nhân phải đăng ký, cung cấp tài khoản ngân hàng để kiểm tra, đối chiếu, làm cơ sở thu thuế.

Thế nhưng đến nay, phương thức này vẫn chỉ mới nắm được “người có tóc” là những doanh nghiệp đã đăng ký kinh doanh chứ chưa thể quản lý được các “hot girl kem trộn” hay “mỹ phẩm livestream”.

Đặc biệt, các nội dung quảng cáo của những KOL (những người có “tiếng nói” trên mạng - nghệ sĩ, nhà báo…) là một mảng tối mà cơ quan thuế chưa thể đụng đến do không có cơ sở xác định.

Vì không thể chặn đường thu thuế Facebook, nhà quản lý thực hiện thu thuế tại nguồn. Điều bất hợp lý là giá quảng cáo đã được Facebook ấn định và doanh nghiệp buộc phải trả, không thể khấu trừ, nên doanh nghiệp phải tự cộng thêm một khoản vào chi phí và dùng khoản này để trả thuế.

Những tài khoản kinh doanh nhỏ lẻ, kể cả khi đăng ký tài khoản ngân hàng với cơ quan thuế, vẫn có kênh riêng để bán hàng, thu tiền (thu trực tiếp hoặc qua bưu điện, thậm chí qua tài khoản khác).

Dù kinh doanh hợp pháp, khi sự cố phát sinh, hầu như các “doanh nhân Facebook” đều phải tự cứu mình hoặc nhờ đến các chuyên gia công nghệ thông tin. Khi bị mất Facebook, nghệ sĩ Cát Phượng đã cầu cứu danh hài Hoài Linh để loan tin. Hoa hậu Phạm Hương phải “dời nhà” sang Instagram; Hoa hậu Hải Dương thì nhờ các kỹ thuật viên mạng trợ giúp thay vì đưa đến cơ quan chức năng; các “nhà bán lẻ” quần áo, son phấn, sản vật quê… thì đành ngậm ngùi gầy dựng lại trang mới.

Trong thời đại “người người chơi Facebook, nhà nhà lướt mạng xã hội”, một tài khoản Facebook, Zalo, Google+… đều là cơ hội kinh doanh chứ không còn thuần túy là nơi kết bạn, chia sẻ thông tin. Đã có rất nhiều tiền đầu tư vào kinh doanh mạng, vào các trang cá nhân và Nhà nước cũng đã tính đến phương án quy hoạch, quản lý.

Thế nhưng thực tế, thương mại điện tử hiện vẫn như vùng đất hoang dã với đầy rẫy lừa lọc và nguy cơ. Yêu cầu bức thiết hiện nay là, người sử dụng mạng phải học cách tự vệ và cơ quan chức năng phải nhanh chóng có biện pháp trợ giúp doanh nghiệp thay vì chỉ chăm chăm thu thuế. 

Các bước khôi phục tài khoản Facebook bị hack

Khi bị tấn công chiếm quyền kiểm soát tài khoản Facebook, bạn có thể truy cập vào địa chỉ www.facebook.com/hacked và bấm chọn mục “Tài khoản của tôi đã bị xâm phạm”.

Tại màn hình tìm kiếm, hãy nhập số điện thoại hoặc địa chỉ email mà bạn đã dùng khi đăng ký tài khoản.

Khi Facebook đã tìm thấy tài khoản của bạn, hãy nhập bất kỳ mật khẩu nào bạn từng dùng để đăng nhập tài khoản và chọn “đặt lại mật khẩu” bằng cách yêu cầu Facebook gửi mã xác nhận qua email hoặc số điện thoại.

Kiểm tra email hoặc điện thoại để lấy mã xác nhận và cung cấp lại cho Facebook trong ô “nhập mã bảo mật”.

Đến đây thì bạn có thể chọn một mật khẩu mới và khôi phục quyền kiểm soát tài khoản của mình.

Mat nha ao - mat ca co nghiep
 
Phương thức bảo vệ tài khoản Facebook:
- Đặt một mật khẩu mạnh (gồm chữ, số và ký tự đặc biệt, ngẫu nhiên với cả chữ in hoa lẫn chữ thường).
- Thường xuyên thay đổi mật khẩu.
- Bật tính năng đăng nhập hai bước (đăng nhập bằng mật khẩu và điện thoại).
- Luôn đăng xuất sau khi sử dụng mạng.
- Chỉ truy cập mạng từ những thiết bị an toàn.
- Không bấm vào các liên kết không rõ ràng.

Thành Nhân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI