Mạng xã hội không được nghe lén, đọc trộm tin nhắn của người dùng

05/05/2025 - 16:32

PNO - Theo dự thảo luật, mạng xã hội không được nghe lén, nghe trộm, đọc tin nhắn của người dùng cũng như yêu cầu căn cước công dân để xác thực tài khoản.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long - ảnh: Media Quốc hội
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long - ảnh: Media Quốc hội

Chiều 5/5, Quốc hội nghe tờ trình về dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân. Thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long trình bày tờ trình dự án luật.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, dữ liệu cá nhân là vấn đề liên quan tới chặt chẽ tới quyền con người, quyền công dân, an toàn, an ninh mạng, an ninh thông tin, an ninh dữ liệu, công nghệ thông tin và cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chính phủ điện tử, chính phủ số, kinh tế số.

Theo thống kê của Bộ Công an, dù có tới 69 văn bản quy phạm pháp luật liên quan trực tiếp đến bảo vệ dữ liệu cá nhân tại Việt Nam nhưng tất cả đều chưa thống nhất về khái niệm và nội hàm dữ liệu cá nhân, bảo vệ dữ liệu cá nhân. Chỉ có Nghị định số 13 ngày 17/4/2024 của Chính phủ về bảo vệ dữ liệu cá nhân đưa ra định nghĩa về dữ liệu cá nhân và bảo vệ dữ liệu cá nhân.

"Tuy nhiên, đây mới chỉ là văn bản Nghị định, chưa phải văn bản luật nên cần thống nhất thực hiện trong thực tiễn, cần có văn bản luật làm "luật gốc", mang tính nguyên tắc, góp phần tiếp tục thể chế hóa quy định của Hiến pháp và pháp luật về quyền bảo vệ bí mật cá nhân, quyền con người, quyền công dân, an ninh mạng bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật", ông lý giải.

Đáng lưu ý, dự thảo luật quy định 6 hành vi bị nghiêm cấm.

Thứ nhất, xử lý dữ liệu cá nhân trái với quy định của pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân; tạo ra thông tin, dữ liệu nhằm chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, gây ảnh hưởng tới quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác.

Thứ hai, cản trở hoạt động bảo vệ dữ liệu cá nhân của cơ quan chức năng có thẩm quyền.

Thứ ba, lợi dụng hoạt động bảo vệ dữ liệu cá nhân để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

Thứ tư, thu thập, xử lý, chuyển giao dữ liệu cá nhân trái quy định của pháp luật.

Thứ năm, mua, bán dữ liệu cá nhân.

Thứ sáu, cố ý chiếm đoạt, làm lộ, mất dữ liệu cá nhân.

Dự luật cũng có quy định bảo vệ dữ liệu cá nhân đối với các nền tảng mạng xã hội, dịch vụ truyền thông trực tuyến.

Theo đó, tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ mạng xã hội, dịch vụ truyền thông trực tuyến có trách nhiệm bảo vệ dữ liệu cá nhân của công dân Việt Nam khi hoạt động tại thị trường Việt Nam hoặc xuất hiện trên kho ứng dụng di động cung cấp cho thị trường Việt Nam.

Các đơn vị này không được thu thập trái phép dữ liệu cá nhân và ngoài phạm vi theo thỏa thuận với khách hàng.

“Không được yêu cầu hình ảnh, video chứa nội dung đầy đủ hoặc một phần căn cước, căn cước công dân, chứng minh nhân dân làm yếu tố xác thực tài khoản”, dự luật quy định.

Các dịch vụ mạng xã hội không được nghe lén, nghe trộm hoặc ghi âm cuộc gọi và đọc tin nhắn văn bản khi không có sự đồng ý của chủ thể dữ liệu. Công khai chính sách bảo mật, giải thích rõ cách thức thu thập, sử dụng và chia sẻ dữ liệu cá nhân. Thông báo cho chủ thể dữ liệu về các sự cố và vi phạm quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân về tài khoản mạng xã hội, dịch vụ truyền thông trực tuyến trong vòng 72 giờ kể từ khi xảy ra hành vi vi phạm hoặc sự cố, kèm theo kết quả xử lý, khắc phục hậu quả, đánh giá mức độ nghiêm trọng của sự cố và nguy cơ tiềm ẩn phát sinh.

Qua thẩm tra, Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại (QPANĐN) nhất trí với sự cần thiết ban hành luật nhằm bảo đảm cơ sở pháp lý; đáp ứng yêu cầu bảo vệ dữ liệu cá nhân; ngăn chặn các hành vi xâm phạm dữ liệu cá nhân; nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Về quy định hành vi nghiêm cấm, Ủy ban QPANĐN cho biết, một số ý kiến băn khoăn, nếu cấm hoàn toàn mua, bán dữ liệu cá nhân có thể sẽ làm ảnh hưởng đến hoạt động, sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, doanh nghiệp. Do đó, cần phải quy định theo hướng thông thoáng hơn để khơi thông nguồn lực, khuyến khích đổi mới sáng tạo, không cản trở thị trường dữ liệu. Một số ý kiến đề nghị chỉnh sửa thành cấm “mua, bán dữ liệu cá nhân trái pháp luật”.

Về xử lý vi phạm quy định bảo vệ dữ liệu cá nhân, Ủy ban QPANĐN đề nghị cân nhắc quy định tại khoản 2: "Áp dụng mức xử phạt hành chính từ 1% đến 5% doanh thu năm liền trước của tổ chức, doanh nghiệp có vi phạm quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân".

Lý do là mức xử phạt hành chính như vậy không khả thi và quá nặng đối với tổ chức, doanh nghiệp.

M.Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI