Ly hôn, chẳng có gì ghê gớm

25/08/2018 - 06:00

PNO - Nhìn chị hớn hở, hỏi chị có nuối tiếc điều gì không, chị cười nhẹ: “Chỉ tiếc là chị đã không quyết định sớm hơn, để không phải đánh đổi gì cả”.

1. Chị buông một câu nhẹ tênh trên Facebook: “Em về điểm phấn tô son lại/ Ngạo với nhân gian một nụ cười” (*). Có vậy thôi mà đám bạn vào hỏi han ríu rít, những người biết chuyện của chị thì chỉ lặng lẽ gửi một biểu tượng trái tim hoặc khuôn mặt đang khóc. Còn chị, chị thấy mình đang vui, đúng hơn là cảm giác nhẹ nhõm như vừa trút được gánh nặng.

Ly hon, chang co gi ghe gom
 

Đó là hôm chị nhận quyết định ly hôn từ tòa án. Như con chim vừa tháo cũi sổ lồng, chị hăm hở lên kế hoạch cho những điều bấy lâu khao khát. Đầu danh sách là một chuyến đi xa mà không có người thân, không vướng bận. Nhìn chị hớn hở, hỏi chị có nuối tiếc điều gì không, chị cười nhẹ: “Chỉ tiếc là chị đã không quyết định sớm hơn, để không phải đánh đổi gì cả”.

Nhiều người nói, phụ nữ hoặc an phận bên gia đình, hoặc thành đạt ngoài xã hội - luôn phải đánh đổi gì đó chứ ít khi vẹn cả đôi đường. Đúc kết ấy như vận vào chị. 35 tuổi, trong lúc bạn bè đa phần an phận bên chồng con và một công việc đủ để khỏi mang tiếng “ăn bám chồng”, chị đã làm sếp một công ty lớn với mức lương khiến nhiều người ao ước và bận tít mù với những chuyến công tác xa gần. Chồng chị không vui với đường sự nghiệp cứ lên như diều gặp gió của vợ. Anh bảo, anh lấy vợ chứ không lấy một người đàn ông nên chị không cần phải bán sức làm việc đến thế.

Chị mấy lần nhắc anh dành dụm để đổi nhà, rồi mua xe hơi, rằng, người ta đánh giá sự thành đạt của vợ chồng hay mức độ hạnh phúc của một gia đình dựa vào những tiêu chí như “một vợ, hai con, ba tầng, bốn bánh”, trong khi anh chỉ cần có nhà để ở, có xe làm chân đi là đã thấy đủ đầy. Anh bảo chị thực dụng, coi tiền là trên hết, còn chị trách anh không có chí tiến thủ, lắm khi so sánh anh với những người đàn ông lịch lãm, thành đạt chị vẫn gặp gỡ, tiếp xúc mỗi ngày. Chị thấy anh không còn khiến mình ngưỡng mộ nữa.

Anh yêu cầu chị đổi việc và luôn kiếm cớ gây chuyện những khi chị bận rộn, về trễ hay gặp gỡ này nọ. Tình trạng “đồng sàng dị mộng” ấy kết thúc khi chị phát hiện anh qua lại với cô người yêu cũ mà theo nhận xét của chị là “thua xa chị về mọi mặt”. Họ chia tay vì cái tôi của mỗi người quá lớn và ai cũng có mục đích riêng để theo đuổi.

2. Đã lâu mới gặp lại Vân, tôi không ngờ cô bạn cũ đẹp ra đến thế: cổ áo khoét sâu, màu son trầm gợi cảm, gương mặt trang điểm sắc nét với thần thái rạng rỡ - điều tôi chưa từng thấy ở Vân trước đó. Như đọc được suy nghĩ của tôi, Vân nháy mắt: “Khác quá phải không? Tao còn tự thấy mình như vừa lột xác vậy”. Vân bảo, từ khi ly hôn lão chồng độc đoán, gia trưởng, lăng nhăng, Vân tự do tung tẩy cùng bạn bè, thoải mái diện những bộ cánh mình thích mà chẳng sợ ai hoạnh họe. Vân kể, giai đoạn hụt hẫng ban đầu - khi phải một mình nuôi nấng, dạy dỗ con rồi cũng qua. Ngôi nhà không có đàn ông ấy nhanh chóng lấy lại cân bằng khi Vân nhận ra ly hôn thực ra là sự giải thoát hơn là một bi kịch.

Tôi không chắc những cô bạn của tôi có giỏi che giấu nỗi buồn không nhưng nhìn tâm trạng phơi phới “hậu ly hôn” của họ, người ta có thể lạc quan rằng, ly hôn là cánh cửa mở ra những cơ hội mới, cho những người đã học được kinh nghiệm qua những va vấp cũ.

Chẳng ai khuyến khích người khác ly hôn. Tuy nhiên, khi đã không thể tìm thấy hạnh phúc trong hôn nhân, dù đã thử hết mọi giải pháp, chia tay để tìm hạnh phúc mới vẫn tốt hơn chịu đựng, chấp nhận một cuộc hôn nhân lệch pha, bởi điều đó không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến hai người mà còn cả con cái và người thân của họ. Có thể vẫn còn hơi sớm để xã hội ta xem việc ly hôn là bình thường, nhưng sẽ thật vô lý nếu ta khắt khe với trạng thái “sổ lồng” của ai đó. Ta có ở trong tấm chăn của họ đâu.

“Ừ thôi anh nhé, ta chia tay nhau từ đây”, câu hát của nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện xem ra nhẹ tênh với người này dù ly hôn có khi là đá tảng với người khác. Dẫu cuộc sống có tiếp diễn thế nào, mỗi người sau ly hôn vẫn phải bước về phía trước. Có điều, nhiều người, nếu không dành cho những người bị (hay được) ly hôn cảm giác được chia sẻ thì chắc chắn cũng là sự thương hại hoặc mỉa mai, kiểu như “có thế nào mới bị chồng/vợ bỏ”. Kiểu suy nghĩ đầy ác ý ấy vô tình bi kịch hóa việc ly hôn. 

Sao ta không nhìn nhận sự việc một cách nhân văn hơn, như một người bạn vẫn tếu táo: “Đó có khi là sự giải thoát cho hai người và đem lại hạnh phúc cho... bốn người”, để thấy ly hôn chẳng có gì quá ghê gớm. 

(*) thơ Thái Can

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI