Một cái nhìn

Lỗi không ở hiện thực

14/12/2020 - 06:56

PNO - Không phải tới hội thảo khoa học toàn quốc với chủ đề Xây dựng hệ giá trị văn học nghệ thuật Việt Nam dân tộc, hiện đại do Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật trung ương tổ chức ngày 11/12 tại TP.Bắc Ninh, người ta mới bàn tới câu chuyện hiện thực.

Trong sinh hoạt văn chương nghệ thuật ở Việt Nam hiện tại, “hiện thực” có lẽ vẫn là từ khóa được nhắc nhiều nhất, trở thành nỗi băn khoăn của không ít cây bút ưu thời mẫn thế, cũng đồng thời thuộc vào mẫu số những lời giáo huấn về cảm hứng và mục tiêu sáng tạo: làm sao và bằng cách nào để mô tả chính xác, kịp thời, sâu rộng chân dung hiện thực đời sống đang ngày càng phức tạp hôm nay?

Có thể không mong muốn, nhưng hiện thực - nhất là thứ hiện thực gây bất an và lo lắng, cứ đều đặn dồn ứ hằng ngày. Không một lĩnh vực, không một mẫu nhỏ diễn biến thời cuộc và nhân sinh nào không mang đến rùng mình, từ môi trường ô nhiễm, giáo dục nhiều gian lận thi cử, bạo lực học đường, y tế chưa hết cảnh bắt chẹt bệnh nhân, đạo đức xã hội đổ máu ngay trong tình cảm anh em ruột thịt, cho đến chốn quan trường tham lam và bòn rút của công.

Tử sinh bệnh lão là muôn thuở, song đau ốm, bệnh tật và những cái chết của hôm nay đôi khi nhuốm màu phi lý, bất thường và tức tưởi như chết vì cây đổ, cổng trường sập, vì bị để quên trên ô tô. Chẳng cần phải “đi xa hơn nữa”, chỉ cần ngồi nhà đọc báo và mở ti vi, hiện thực đã có thể tràn ngập khẩu vị bữa cơm gia đình, khiến chén rượu mất ngon và ly cà phê thêm đắng. 

Được xem là một trong những tiểu thuyết viết về đề tài chiến tranh hay nhất nhưng Nỗi buồn chiến tranh của nhà văn Bảo Ninh từng trải qua không ít long đong
Được xem là một trong những tiểu thuyết viết về đề tài chiến tranh hay nhất nhưng Nỗi buồn chiến tranh của nhà văn Bảo Ninh từng trải qua không ít long đong

Chưa bao giờ hiện thực lại được đính kèm nhiều trạng thái tư tưởng như chỉ xuất hiện trong quá khứ, và dẫu lược bớt tiếng thở dài bi quan, nó vẫn không hề vơi nỗi niềm ta thán: xót xa, phẫn nộ, bàng hoàng, đau đớn, thương tâm… Những trạng thái hẳn nhiên là chân thật ấy, sau khi bày chật trên báo chí truyền thông, rất cần được nương náu, nghiền ngẫm, cắt nghĩa thấu đáo. Người ta lập tức nghĩ đến văn chương.   

Nhà văn Việt Nam, thật ra, có thể không nằm lòng nhiều thứ, nhưng nguyên tắc phản ánh hiện thực thì sinh ra đã thuộc về. Trước năm 1945, họ đề cao thứ hiện thực phê phán xã hội; sau năm 1945, họ nhất mực làm thư ký trung thành hiện thực xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Từ giữa thập niên 1980, khi tư duy nhìn thẳng, nói thẳng sự thật được phép cởi trói, văn đàn phút chốc sáng chói nhưng cũng long đong vì một vài hiện thực sau bao năm nín nhịn nay mới bung ra. Nguyên tắc hiện thực, như thế, là thứ của nả gia truyền sinh nghề tử nghiệp mà văn giới nước ta tự nguyện giắt lưng, và trong nhiều trường hợp, đã hăng hái bộc lộ hơn hẳn các thủ pháp hư cấu tưởng tượng.

Nhưng thực tế, chúng ta có những hiện thực gì và thái độ tiếp nhận hiện thực trong văn chương nghệ thuật ra sao? Chúng ta có hiện thực chiến tranh kéo dài và có hẳn đội ngũ nhà văn mà tuổi đời quân ngũ lẫn kinh nghiệm trận mạc nhiều hơn cả Lev Tolstoy và E. Hemingway cộng lại, nhưng đến giờ, chúng ta vẫn cứ chờ đợi những tác phẩm tầm cỡ như Chiến tranh và Hòa bình hay Giã từ vũ khí, còn Nỗi buồn chiến tranh, cuốn tiểu thuyết được cho là hay nhất của Việt Nam viết về chiến tranh, thì từng bị coi là có vấn đề vì đã mô tả phi anh hùng chủ nghĩa về cuộc chiến vệ quốc và người lính.

Chúng ta có hiện thực cuộc sống đổi mới từ năm 1986 đến nay, nhưng nếu mạnh tay tái hiện cả mặt trái mặt xấu, cả “rồng phượng lẫn rắn rết, thiên thần và ác quỷ” như nhà văn Nguyễn Minh Châu khuyến nghị, thì phải dè chừng thói phê bình xã hội học dung tục hoặc cách nhìn cứng nhắc. Chúng ta dễ bề say mê thứ hiện thực trần trụi và tàn khốc trong điện ảnh Hàn (như Parasite của Bong Joon-ho chẳng hạn) nhưng Cục Điện ảnh thì không chấp nhận đạo diễn Việt “phản ánh mặt trái quá đen tối”, dẫu những bất cập trong một số đô thị hiện đại (thiếu việc làm, túng quẫn…) của Việt cũng chẳng kém nhức nhối so với Hàn.

Chúng ta nuốt trôi mọi kiểu người hùng đấm đá lẫn hoang đường kỳ ảo của Hollywood, nhưng nếu phóng tay quá đà đâm thuê chém mướn thì bị cấm chiếu, còn nếu pha nặng mùi kinh dị lẫn tình dục thì bị kiểm duyệt cắt xén. Tin tức báo chí hằng ngày không thiếu sát nhân và án mạng, cưỡng dâm và bạo hành, song cái phần bóng tối khôn lường trong nhân tính lý ra phải được nghệ thuật giải mã cho tường tận ấy, lại chỉ mới lướt qua hoặc chẳng bao giờ chạm tới. Có bao nhiêu hiện thực lặng lẽ rơi vào cấm kỵ?

Đã đành văn chương thời nay khó cạnh tranh với truyền thông, mạng xã hội trong khả năng phản ánh hiện thực. Nhưng nhà văn vẫn còn đó độ lùi thời gian và nhất là quyền năng hư cấu để biến hiện thực thành thách thức nghệ thuật của chính mình. Tôi nghĩ, không nên áp đặt sứ mệnh to tát, nhưng nhà văn sẽ được chờ đợi nếu tác phẩm của anh ta cấp thêm nghĩa cho hiện thực, mở rộng các cửa ngõ cảm xúc và suy tưởng về chính hiện thực mà chúng sinh đang cùng đối mặt.

Tả thực, nệ thực chưa hẳn là cơ hội của văn chương, song sẽ là vạch xuất phát khá lý tưởng để nhà văn tài năng tiến đến những điểm đích khó nhìn hơn trong việc khám phá, thấu hiểu bản chất xã hội và con người. Cố nhiên mọi hiện thực đều lẩn mặt, cách xa tài năng văn chương một “quăng dao” đủ oái oăm, nên mới có những sáng tạo văn chương xoàng xĩnh, có gì ghi nấy rồi đinh ninh rằng đó mới là hiện thực. Cho nên, thừa nhận một cách sòng phẳng thì chúng ta luôn sẵn tinh thần dấn sâu hiện thực, nhưng tài năng nghệ thuật khiêm tốn chỉ cho một số kết quả tạm hài lòng.  

Hiện thực, cắc cớ thay, không ngừng trương nở, và ở những xã hội đang phát triển như Việt Nam, nó còn lâu mới hết kịch tính. Thậm chí, nhiều sự việc, câu chuyện ở đời sống chẳng cần đến chữ nghĩa sáng tạo cũng có thể gây sửng sốt và hấp dẫn không kém trước tác phẩm văn chương.

Hiện thực trở thành khoái khẩu chủ đạo và chẳng hề có lỗi khi làm độc giả mất dần kiên nhẫn dõi theo nhiều tác phẩm không biết dao động về phía nào, hư cấu siêu phàm hay tả thực nhạt nhẽo. Rốt cuộc, độc giả còn đó chút an ủi rằng, nếu thực đơn nghệ thuật thiếu món “hiện thực Việt”, thì sẽ luôn đầy ắp “hiện thực thế giới”, một thế giới của tất cả chỉ trừ chúng ta, để thưởng thức và ngẫm nghĩ. 

Mai Anh Tuấn

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Nguyễn Phúc Hội 14-12-2020 09:32:39

    Hiện thực có như thế nào vẫn luôn tùy thuộc vào trình độ, năng lực, phẩm chất của người người đang sống trong đó. Khen hay chê có hay khéo đến đâu cũng chẳng bằng có được những góp phần chấn chỉnh, canh cải cho nó ngày một hay hơn, tươi đẹp hơn,...Bổn phận, trách nhiệm của từng mỗi người là phải biết rõ rồi cùng làm được. Chỉ có vậy và chỉ cần vậy!

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI