Lên mạng khoe thành tích của con: Cha mẹ được vui, con được gì?

29/05/2023 - 20:48

PNO - Sau mỗi kỳ thi, kết thúc năm học, mạng xã hội (MXH) lại rôm rả chuyện các bậc phụ huynh đua nhau khoe giấy khen, bảng điểm cuối năm của con mình. Nhiều người nói vui: “mùa khoe giấy khen đã tới”.

Tôi có cậu con hết hè này lên lớp 6. Mấy năm trước, cứ cuối năm học tôi đều khoe thành tích, bảng điểm của con lên mạng xã hội với niềm tự hào. Đồng nghiệp, bạn bè, người thân vào chúc mừng với nhiều lời khen có cánh: “Con trai mẹ G. học giỏi quá, cho cô xin “vía” cho em Bắp…”.

Trong một lần tình cờ cậu bé vào trang cá nhân của tôi xem và hờn dỗi: “Con không thích mẹ khoe con học giỏi lên mạng đâu”. Tôi đáp: “Mẹ thương con nên mới khoe với mọi người”. Con nói: “Vậy năm sau con học không giỏi, mẹ không thương con nữa hả?”. Lời của con làm tôi giật mình.

Nhiều phụ huynh không lường được những tai hại khi khoe thành tích của con trên mạng
Nhiều phụ huynh không lường được những tai hại khi khoe thành tích của con trên mạng

Tôi chợt nhớ, nhiều lần có bảng điểm cuối kỳ, tôi đều hỏi cô giáo chủ nhiệm con tôi học đứng thứ mấy trong lớp, có bạn nào đạt môn toán, tiếng Việt, tiếng Anh 10 điểm không. Các cô giáo chưa bao giờ trả lời thẳng vào câu hỏi của tôi mà chỉ nói bé học tiến bộ, giàu tình cảm và có tinh thần trách nhiệm cao. Bé luôn hoàn thành tốt các bài tập giáo viên đưa ra, hăng hái tham gia các hoạt động trong giờ học, tích cực giơ tay đóng góp ý kiến trong giờ học...

Cô bảo: “Mỗi bé có sở trường, sở đoản của riêng mình, bảng điểm đó không nói lên tất cả. Quan trọng sau mỗi năm học con biết được thêm điều gì mới lạ, các kỹ năng sống hay và tiến bộ trong từng môn học là được rồi mẹ”.

Sau này có dịp tôi cũng chia sẻ sự việc với một số phụ huynh khác, mục đích để họ cân nhắc việc khỏe điểm của con lên mạng. Có phụ huynh không khoe nữa. Nhưng cũng có phụ huynh lý luận tại sao không tích cực lan tỏa những điều tốt, tích cực đến xung quanh nhờ những thành tích tốt của con? Thi đua học tập là một phong trào tốt luôn được phát huy, các bạn học chưa giỏi thì cần cố gắng.

Có phụ huynh còn lý luận: “Sau một năm vất vả nuôi dạy con cái, thành tích học tập của con là công sức của thầy cô, là niềm động viên tinh thần cho ông bà, cha mẹ... Khoe tí thì có làm sao”.

Cha mẹ nào cũng kỳ vọng vào con. Khi con có được kết quả học tốt thì cha mẹ vui và muốn chia sẻ với nhiều người. Thế nhưng cha mẹ có quan tâm con có đồng ý hay không?

Con trẻ có quyền trẻ em và chúng ta không thể lấy quyền cha mẹ để áp đặt ý muốn của mình cho con cái. Cha mẹ nào cũng vui, cũng hãnh diện khi con đạt được những kết quả cao trong học tập. Nhưng hãy cân nhắc kỹ trước khi đăng thông tin về việc học tập của con lên mạng xã hội. Bởi cái đích cuối cùng là giúp con nhận thức được giá trị thực của việc học. Rằng giấy khen, điểm số chỉ là vỏ bọc bên ngoài, giá trị năng lực bản thân mới là điều các con cần.

Thích khen và thích động viên là tâm lý chung của mọi người. Thế nhưng, không có nhiều người muốn bị công bố sự riêng tư cho người khác biết. Trẻ em cũng vậy. Và cha mẹ có bao giờ nghĩ khi bị công bố điểm số nhiều quá sẽ ảnh hưởng đến chính mối quan hệ của cha mẹ với các con. Con sẽ không tin tưởng bố mẹ và đó sẽ là sự thiệt thòi đối với sự trưởng thành của mỗi đứa trẻ.

Cha mẹ có quyền tự hào về con nhưng không thiếu cách để khen thưởng, khích lệ các con. Điều quan trọng là cha mẹ giúp con nhận ra được năng lực thực sự của bản thân. Việc khoe điểm của con trên mạng xã hội có thể sẽ giúp cha mẹ giải tỏa tâm lý bản thân, song vô tình lại đem đến áp lực tâm lý cho những đứa trẻ khác, thậm chí ngay cả với chính con mình.

Vậy nên, cha mẹ hãy cân nhắc thật kỹ, bởi lợi ít mà hại nhiều.

Tuệ Minh

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI