Láng giềng nửa phố, nửa quê

01/05/2025 - 06:00

PNO - Láng giềng cứ nửa phố nửa quê vậy mà vui. Tối lửa tắt đèn có nhau, chớ không phải đèn nhà ai nấy sáng.

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Tôi ở vùng ven thành phố. Hàng xóm láng giềng của tôi nửa phố nửa quê, không quá thân thiện nhưng cũng không đến mức hờ hững nhau. Cho tới ngày có một gia đình mới dọn đến, con hẻm chúng tôi bắt đầu... tưng bừng.

Người ấy mạnh dạn lập nhóm Zalo, kết nối gần hết các nhà trong hẻm. Vô nhóm rồi mới thấy, thật ra không phải mọi người không muốn thân thiện mà có người giữ kẽ hoặc chưa hiểu nhau dù đã ở cùng hẻm gần 20 năm. Từ ngày có nhóm Zalo, mọi người chịu chia sẻ, ríu ra ríu rít, cứ như anh chị em lâu ngày gặp lại, có nhiều nỗi niềm cần được giải tỏa. Đi ra đi vô đụng mặt, người đầu hẻm biết cười với người giữa hẻm, cuối hẻm - điều trước đó họ chưa từng thể hiện.

Mọi người thường dặn nhau tiết chế lời nói trên nhóm, dặn nhau vui thôi đừng vui quá bởi nhóm đông thành viên, mỗi người mỗi ý, không tránh khỏi giận hờn. Khi thấy người này hơi quá trớn, người khác nhảy vô nói chuyện tếu đánh lạc hướng, mong muốn ai cũng vui vẻ, xem đây là kênh giao tiếp chân tình. Nhờ thế, mọi người thêm hiểu nhau. Từ ngày lập nhóm, nhà nào có gì vui sẵn sàng chia sẻ bằng hình ảnh hoặc đặt cái bàn trước cửa, thỉnh thoảng rủ nhau uống trà, ăn bữa cơm thân mật.

Ở xóm có ông cụ 80 tuổi sống một mình. Ông không có trong nhóm Zalo vì không dùng điện thoại nhưng mỗi khi ai đó bày bàn liền mời cụ trước tiên. Vừa rồi, một thanh niên trong hẻm đi nghĩa vụ quân sự, thế là có tiệc chia tay thắm tình láng giềng. Hay như nhà nọ vừa thêm thành viên nhỏ, mọi người tới chung vui và góp ý cách chăm em bé. Nhà kia có đám tang, nhiều người tới không chỉ chia buồn mà còn phụ giúp tiếp khách, bếp núc.

Nhà nọ neo người, bà cụ hay ốm đau, thường xuyên đi bệnh viện. Một hôm bà bất tỉnh, chủ nhà vội gửi tin nhắn thoại lên nhóm với nội dung “Mọi người ơi, mẹ em bất tỉnh rồi, nhờ giúp em một tay”. Anh vừa buông điện thoại, người này, người kia chạy tới, cùng dìu cụ ra xe. Có người còn theo cụ tới bệnh viện, cập nhật tình hình lên nhóm. Sau sự việc đó, không chỉ anh chủ nhà thêm quý hàng xóm mà cả con hẻm cảm thấy việc gắn kết xóm giềng rất nên duy trì.

Ngày trước, thường 9 - 10g tối, cánh đàn ông trong hẻm mới lọ mọ trở về thì nay sau 5g chiều, họ đã dắt xe vô nhà. Thật ra đã có hẹn trước với nhóm, đã có những lời rủ rê đầy tình láng giềng. Chồng nhậu ở nhà, bà vợ nào cũng thích bởi vừa đỡ “dính” phạt, đỡ tai nạn giao thông lại hạn chế... em út... Có khi mỗi người góp 1 món, nhậu “hợp tác xã” vừa bền vừa vui.

Lập nhóm hẻm còn để quan sát con cái, nhà cửa cho nhau. Như tôi, từ ngày biết chị hàng xóm cuối hẻm bán rau ở chợ, liền xin số điện thoại, muốn mua rau gì thì nhắn chị. Từ ngày thân thiết nhau, biết bé hàng xóm học chung trường với con mình, tôi liền gợi ý với mẹ bé để buổi sáng người này đưa, buổi chiều người kia đón. Thỉnh thoảng, mọi người lên nhóm rủ nhau dọn vệ sinh hay trồng hoa làm đẹp hẻm.

Cá nhân tôi thấy việc lập nhóm rất có lý. Mạng xã hội nếu biết phát huy đúng mục đích, đúng cách sẽ hiệu quả. Láng giềng cứ nửa phố nửa quê vậy mà vui. Tối lửa tắt đèn có nhau, chớ không phải đèn nhà ai nấy sáng. Láng giềng, quan trọng tình nghĩa bởi ai cũng tha hương, ai cũng muốn “mua” một mối quan hệ chất lượng. Mỗi sáng mở cửa, hàng xóm trao nhau câu hỏi, câu chào; thêm nụ cười tươi là thêm một ngày tràn đầy năng lượng.

Phi Khanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI