Lần đầu tiên bệnh viện Việt Nam ghép tay từ người cho còn sống

24/02/2020 - 18:03

PNO - Bệnh viện Quân đội 108 cho biết vừa thực hiện ca ghép tay đầu tiên trên thế giới lấy từ người cho còn sống.

Ngày 24/2, Giáo sư - Tiến sĩ khoa học Nguyễn Thế Hoàng - Phó giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội) cho biết, bệnh viện này vừa thực hiện thành công ca ghép tay đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á, cũng là ca ghép tay đầu tiên trên thế giới lấy từ người cho còn sống. Bệnh nhân may mắn được ghép là anh Phạm V.V.

Theo đó, vào ngày 11/7/2016, anh Phạm V.V. bị tai nạn lao động từ máy đột lỗ kim loại bằng thủy lực, khiến toàn bộ 1/3 dưới cẳng tay và bàn tay trái dập nát, biến dạng hoàn toàn. Dù anh được đưa ngay tới bệnh viện cấp cứu, nhưng sau khi thăm khám kỹ lưỡng, các bác sĩ buộc phải ra chỉ định cắt cụt tay do vết thương dập nát nặng nề và hoàn toàn không còn khả năng bảo tồn.

Kể từ đó, anh V. bị cụt một tay khiến anh tự ti, khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày và tìm kiếm việc làm.

GS.TSKH Nguyễn Thế Hoàng, Phó Giám đốc Bệnh viện chụp ảnh cùng a P.V.V trước mổ
Giáo sư - Tiến sĩ khoa học Nguyễn Thế Hoàng, Phó giám đốc Bệnh viện 108 chụp ảnh cùng anh P.V.V. trước mổ

Ngày 3/1/2020, khoa Cấp cứu thuộc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 tiếp nhận một ca bệnh bị tai nạn lao động rất nặng nề và phức tạp ở tuyến dưới chuyển lên. Bệnh nhân vào viện cấp cứu ở giờ thứ 5 sau khi bị băng chuyền của máy tải gạch cuốn và đè ép trực tiếp lên vùng 1/3 dưới cẳng tay trái cho đến sát nách.

Bệnh nhân bị sốc nặng do mất máu, bó mạch cánh tay sát vùng nách bị đứt, kèm gãy xương và sai khớp khuỷu, toàn bộ khối cơ vùng mặt trước cánh tay và cẳng tay cũng bị dập nát... Tuy nhiên, khám xét kỹ cho thấy vùng 1/3 dưới cẳng tay và bàn tay trái còn tương đối bình thường.

Ngay sau đó bệnh nhân được phẫu thuật nắn chỉnh sai khớp vai và sai khớp khuỷu, nối lại động mạch nách, cắt lọc cơ hoại tử vùng cánh tay và cẳng tay, rạch mở rộng da... Trong lúc mổ, các bác sĩ kiểm tra thấy cả 3 dây thần kinh bị dập nát gây mất đoạn khoảng 15cm từ cánh tay đến khuỷu. Sau phẫu thuật, bệnh nhân được hồi sức tích cực bằng truyền máu, truyền dịch, kháng sinh, giảm đau...

Mặc dù thoát sốc và tính mạng bệnh nhân được cứu sống, nhưng theo dõi sau mổ cho thấy các khối cơ vùng cẳng tay và cánh tay vẫn tiếp tục hoại tử thứ phát và bội nhiễm. Bệnh nhân được hội chẩn nhiều lần, cuối cùng phải cắt cụt ngang mức 1/3 trên cánh tay là chỉ định tuyệt đối vì không còn khả năng bảo tồn.

Khi thống nhất chỉ định cắt cụt ngang mức 1/3 trên cánh tay, các bác sĩ cũng nhận thấy phần thừa của cánh tay bị cắt cụt còn tương đối bình thường và có thể được sử dụng để ghép cho những bệnh nhân bị cụt ở vị trí tương ứng.

Được sự đồng ý tuyệt đối của bệnh nhân và gia đình, các bác sĩ Bệnh viện Trung ương 108 quyết định sử dụng phần cánh tay này để ghép cho các bệnh nhân bị khuyết hụt tương ứng. Và bệnh nhân Phạm V.V. có kết quả xét nghiệm hòa hợp miễn dịch giữa người cho và người nhận gần như tối ưu.

Ca phẫu thuật kéo dài trong 8 giờ căng thẳng. Tất cả cấu trúc giải phẫu đã phục hồi và bàn tay mới ghép đã được tưới máu đầy đủ giống như tay lành. Ngay sau ca phẫu thuật, anh V. đã có thể tự vận động nhúc nhích được các ngón của bàn tay ghép.

nh V vui mừng vì bàn tay mới hoà hợp. Anh gửi lời tri ân đến các thầy thuốc, đến người chú đã đồng ý để bàn tay của chú tiếp tục sống trên cơ thể anh, giúp anh có một cuộc sống bình thường
Anh V. vui mừng vì "bàn tay mới" hoà hợp với cơ thể mình. Anh gửi lời tri ân đến các thầy thuốc, đến người đã đồng ý "cho" tay, giúp anh có một cuộc sống bình thường.
Bệnh nhân chụp cùng Ban Giám đốc Bệnh viện, chỉ huy một số phòng, khoa, ban và các Bác sĩ, Điều dưỡng
Bệnh nhân chụp cùng các bác sĩ của Bệnh viện 108

Sau ghép hơn 1 tháng, hiện anh V. đã có thể cầm nắm các đồ vật thô. Bệnh nhân tập phục hồi chức năng từ 6 đến 12 tháng, tương lai sẽ phục hồi hoàn toàn như người bình thường. Anh cũng phải sử dụng thuốc chống thải ghép suốt đời với liều giảm dần.

Giáo sư Nguyễn Thế Hoàng cho biết ca phẫu thuật ghép tay gặp nhiều khó khăn từ người cho, người nhận, từ phẫu thuật, chăm sóc sau mổ, thải ghép đến chống nhiễm khuẩn và phục hồi chức năng. Tay có rất nhiều cấu trúc như gân, cơ, khớp; cấu trúc thần kinh... nên ghép tay khó hơn nhiều so với các ca ghép tạng khác.

An Bình

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI