Lần đầu có ngân hàng rao bán nợ vay tiêu dùng 1,5 triệu đồng

27/05/2021 - 08:41

PNO - Giá trị khoản nợ đã bao gồm gốc, lãi, lãi phạt... Đây là lần đầu tiên một ngân hàng rao bán nợ vay tiêu dùng và giá trị khoản vay rất thấp

Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Vietinbank) vừa rao bán 9 khoản nợ vay tiêu dùng. Trong đó, giá trị khoản nợ thấp nhất là 1,5 triệu đồng của khách hàng tên Đ.V.H bên cạnh các khoản nợ từ 3-5 triệu đồng khác. Khoản nợ cao nhất được rao bán là 16 triệu đồng. Hầu hết khách vay khoản nợ này để phục vụ đời sống cá nhân.

Vietinbank chấp nhận cho người mua có thể mua từng khoản hoặc tất cả khoản nợ. Ngân hàng này cho rằng, việc rao bán các khoản nợ này là nghiệp vụ bình thường của ngân hàng để thu hồi, xử lý nợ. 

Với rủi ro cao, cho vay tiêu dùng có nợ xấu đang gia tăng.
Với rủi ro cao, nợ xấu vay tiêu dùng có xu hướng gia tăng

Tuy nhiên, theo nhận định của một số chuyên gia thì đây là hiện tượng “bất thường” bởi thông thường các ngân hàng chỉ rao bán nợ vay có tài sản đảm bảo.

Luật sư Trương Thanh Đức - Giám đốc công ty luật ANVI - cho rằng ai cũng có quyền mua lại khoản nợ này và thay ngân hàng đòi nợ. Với giá bán trên, có thể ngân hàng này đang chuyển nợ để đảm bảo một số chỉ tiêu theo quy định. Song có thể đây là một cách “lách” của dịch vụ đòi nợ thuê. Tức hiện nay luật đã cấm dịch vụ đòi nợ thuê, các công ty này sẽ “lách” bằng cách mua lại các khoản nợ, sau đó hợp thức hóa việc đi đòi nợ.

Còn tiến sĩ Đinh Thế Hiển - chuyên gia tài chính cho rằng, nếu nợ xấu tiêu dùng tăng cao, khi ngân hàng (có vốn mạnh) rao bán chắc chắn không ai dám mua ngoài những tổ chức có vốn lớn, dài hạn chuyên về xử lý nợ. Hiện Việt Nam không có tổ chức có vốn lớn thật sự để chuyên mua lại và xử lý những khoản nợ thương mại ngoài Công ty Quản lý tài sản (VAMC) được thành lập năm 2012. 

Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng giảm chỉ tiêu tín dụng tiêu dùng cho phù hợp, ngân hàng Vietinbank có thể đang bán những khoản nợ mà Ngân hàng Nhà nước cảnh báo vượt quá chỉ tiêu sang cho ngân hàng cần tăng trưởng tín dụng, rồi Vietinbank sẽ hỗ trợ những khoản vay liên ngân hàng để các tổ chức có tiền mua khoản nợ. Chính vì vậy, Vietinbank thông báo giá bán khoản nợ bằng giá sổ sách, nếu nợ xấu thì họ phải bán giá thấp chỉ từ 30 - 50% giá trị khoản nợ.

Mặc dù khoản nợ được rao bán không phải là nợ xấu nhưng, tiến sĩ Đinh Thế Hiển cho biết, tỷ lệ nợ xấu vay tiêu dùng tại các ngân hàng ngày càng tăng. Theo ông, những lĩnh vực phát triển mạnh và cạnh tranh đều phải chịu rủi ro. Vay tiêu dùng không có thế chấp thì rủi ro càng tăng. Chính vì vậy các ngân hàng thường lấy lãi suất cao để bù đắp rủi ro. Tuy nhiên, nợ xấu lĩnh vực này sẽ gia tăng nếu không cân đối khoản bù đắp rủi ro mà tiếp tục mở rộng đối tượng cho vay, số lượng cho vay quá lớn.

Thực tế, một thống kê mới đây của ngân hàng HSBS tại bốn ngân hàng lớn (Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank) cho thấy, tỷ lệ cho vay hộ gia đình tăng đáng kể từ 28% tổng dư nợ lên 46% tổng dư nợ năm 2020. Trong đó, nợ tiêu dùng đã tăng từ mức 41% thu nhập (trên mỗi lao động) vào năm 2013 lên mức hơn 100% trong năm 2020. Nhiều nhất là các khoản nợ ngắn hạn (kỳ hạn dưới 1 năm) chiếm ưu thế với tỷ trọng gần 60%.

Không chỉ có nghiên cứu của HSBC, mới đây Ngân hàng Nhà nước cũng có công văn yêu cầu tăng cường giám sát khi chất lượng tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, tín dụng phục vụ nhu cầu đời sống và dư nợ qua thẻ tín dụng suy giảm mạnh so với thời điểm cuối năm 2019. Mặc dù công văn không ghi rõ tỷ lệ nợ xấu tiêu dùng bao nhiêu nhưng có đề cập rằng con số này ở một số tổ chức tài chính đang ở mức cao và tăng cao.

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI