Làm gì để năm 2024 cả nước hoàn thành 130.000 căn nhà ở xã hội?

22/03/2024 - 10:45

PNO - Hiệp hội bất động sản TPHCM (HoREA) vừa gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng đề xuất một số giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh triển khai dự án nhà ở xã hội.

Tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương về tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy triển khai các dự án nhà ở xã hội, Thủ tướng chỉ đạo cả nước tập trung triển khai nhanh, hiệu quả Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021- 2030”; năm 2024 nỗ lực phấn đấu hoàn thành khoảng 130.000 căn hộ.

Theo HoREA, để tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy triển khai các dự án nhà ở xã hội để tăng nguồn cung nhà ở xã hội, mà khó khăn đầu tiên là tháo gỡ vướng mắc về quy trình thủ tục đầu tư xây dựng đối với tất cả các loại dự án nhà ở, nhất là dự án nhà ở xã hội.

Thủ tướng yêu cầu phấn đấu hoàn thành 130.000 căn hộ nhà ở xã hội trong năm 2024.
Thủ tướng yêu cầu cả nước phấn đấu hoàn thành 130.000 căn hộ nhà ở xã hội trong năm 2024.

Nếu quy trình thủ tục đầu tư xây dựng dự án nhà ở thương mại đã khó 1 thì đối với dự án nhà ở xã hội lại khó gấp đôi. Đó là nguyên nhân góp phần dẫn đến kết quả phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2016-2020 của cả nước chỉ đạt khoảng 41% kế hoạch.

Trong đó, TPHCM tuy đạt 75% kế hoạch nhưng số lượng thực tế chỉ có 15.000 căn nhà ở xã hội (bình quân 3.000 căn/năm) chưa đáp ứng nhu cầu nhà ở xã hội rất lớn.

Giai đoạn 2021-2023, cả nước mới hoàn thành 72 dự án nhà ở xã hội với 38.128 căn hộ, chỉ đạt 8,5% kế hoạch 5 năm 2021-2025 là 446.000 căn.

TPHCM chỉ hoàn thành đưa vào sử dụng 2 dự án nhà ở xã hội với 623 căn hộ (chuyển tiếp từ giai đoạn 2016-2020), và đã khởi công 7 dự án nhà ở xã hội với 4.996 căn hộ, nhưng do bị vướng pháp lý nên gần như chưa thể triển khai thi công.

Do đó, Hiệp hội đề nghị tháo gỡ ngay thủ tục về “chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư” đối với tất cả dự án nhà ở xã hội, và cả dự án nhà ở thương mại trong phạm vi cả nước.

Các địa phương bố trí đủ quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội khi lập, điều chỉnh quy hoạch xây dựng, và triển khai đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất đối với dự án nhà ở xã hội theo quy định của Luật Đấu thầu 2023, để lựa chọn được nhà đầu tư có năng lực, và khai thác sử dụng hiệu quả quỹ đất công (đất sạch) đã được quy hoạch, để phát triển nhà ở xã hội, khắc phục tình trạng lãng phí nguồn lực đất đai như đã xảy ra trước đây.

Xem xét bố trí nguồn vốn chi ngân sách nhà nước trung hạn, để thực hiện chính sách nhà ở xã hội. Mở rộng thêm 2 đối tượng được vay gói 125.000 tỉ đồng, bao gồm người mua nhà ở thương mại có giá từ 3,5 tỷ đồng/căn trở xuống, và chủ nhà trọ được vay để xây dựng mới hoặc cải tạo, nâng cấp nhà trọ cho công nhân, lao động thuê ở.

Đồng thời, Hiệp hội đề nghị Bộ Xây dựng tiếp tục khôi phục lại gói tín dụng 110.000 tỉ đồng, lãi suất 4,8-5%, thời hạn vay tối đa 25 năm mà Bộ Xây dựng đã đề xuất ngày 17/02/2023, để thực hiện chính sách nhà ở xã hội của Luật Nhà ở 2023 đối với chủ đầu tư dự án và người mua, thuê nhà ở xã hội, để thực hiện Chương trình phát triển ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021-2030.

Tuy nhiên, Hiệp hội cũng lưu ý rằng, nhu cầu nhà ở xã hội rất lớn tại các đô thị, trước hết là tại các thành phố trực thuộc Trung ương và các tỉnh có tốc độ công nghiệp hóa cao, nhưng cần phải nghiên cứu kỹ để phát triển các loại nhà ở xã hội phù hợp với nhu cầu của người dân tại từng địa phương, tránh tình trạng nhà ở xã hội bị “ế” như đã xảy ra tại một số địa phương.

Bích Trần

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI