Lãi suất cho vay lại... nhảy múa

10/06/2019 - 07:30

PNO - Hàng loạt ngân hàng lại bất ngờ điều chỉnh tăng lãi suất vay, kèm theo đó là quy trì xét cho vay cũng bị siết chặt hơn.

Lãi suất tăng, khó vay hơn...

Ngày 6/6, Ngân hàng TPBank thông báo tăng lãi suất cho vay lên 0,2% trên toàn hệ thống. Cụ thể, trước đây lãi suất cho vay tín chấp tại ngân hàng này là 18,4%/năm, nay tăng lên 18,6%/năm. Ngân hàng Eximbank cũng thông báo tăng lãi suất vay thế chấp từ 10%/năm lên 11%/năm.
Qua phân tích thị trường, HCMBanker (đơn vị cung cấp dịch vụ kết nối khách hàng với ngân hàng) cho biết, ngay từ đầu năm 2019, một số ngân hàng bắt đầu điều chỉnh tăng lãi suất cho vay đối với các đối tượng vay với mức tăng khoảng 0,2 - 0,5%/năm.

Theo đó, lãi suất cho vay cố định đầu năm 2019 được các ngân hàng lớn áp dụng ở mức 8 - 9%/năm, cao hơn đáng kể so với mức phổ biến trong năm 2018 là 7 - 8%/năm; các gói vay ưu đãi tại các ngân hàng lớn dao động trong khoảng 10 - 11,5%/năm trong năm 2018 cũng tăng lên 11 - 12%/năm trong năm 2019.

 “Lãi suất cho vay tăng, nhưng không phải doanh nghiệp nào muốn vay cũng được đáp ứng. Các ngân hàng lo ngại nợ xấu tăng nên xem xét hồ sơ vay vốn rất kỹ” - ông Đỗ Tấn Nguyên Vũ, chủ trang mạng xã hội Việt Nam Farms (kết nối, giải quyết đầu ra cho nông dân trồng rau sạch), cho biết. 
Theo lý giải của đại diện các ngân hàng, lãi suất cho vay tăng là do lãi suất huy động (lãi suất tiết kiệm) tăng. Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung khiến giá cả hàng hóa bất ổn, tỷ giá giữa USD với các đồng tiền khác trên thế giới, trong đó có VNĐ không ngừng biến động. Tỷ giá tăng nhanh buộc các ngân hàng phải tăng lãi suất huy động để giữ chân khách hàng, thu hút vốn.

Theo tiến sĩ Doãn Hữu Tuệ - chuyên gia tài chính ngân hàng - việc các ngân hàng tăng lãi suất huy động kỳ hạn dài khiến mặt bằng lãi suất bị đẩy lên, ảnh hưởng đến lãi suất cho vay, tác động đến các doanh nghiệp, trong khi Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đang muốn các ngân hàng giảm thêm lãi suất cho vay.

Lai suat cho vay lai... nhay mua
Lãi suất cho vay lại nhảy múa, trong khi doanh nghiệp phải vay VNĐ để mua USD khiến vốn sản xuất bị đội lên

Theo Thông tư 42/2018/TT-NHNN, từ ngày 1/4/2019, các tổ chức tín dụng chấm dứt cho vay ngoại tệ ngắn hạn để doanh nghiệp thanh toán tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ của nước ngoài; đến hết ngày 30/9 tới, cũng sẽ chấm dứt cho vay ngoại tệ trung và dài hạn để thanh toán cho đối tác nước ngoài. 

Doanh nghiệp gặp khó

Việc thu hẹp cho vay ngoại tệ nhằm chuyển dần từ quan hệ tiền gửi - cho vay sang quan hệ mua - bán ngoại tệ, từng bước giảm tình trạng “đô la hóa” nền kinh tế. Quy định này buộc các doanh nghiệp phải vay VNĐ với lãi suất cao hơn để mua USD thanh toán cho các đơn hàng nhập khẩu. Trong khi đó, mặt bằng lãi suất cho vay VNĐ lại đang tăng, khiến chi phí vốn của doanh nghiệp càng bị đội lên. 
Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai - Giám đốc Công ty May thêu Thịnh Phát - cho biết, ngành công nghiệp dệt may gần như hoàn toàn phụ thuộc vào nước ngoài, phải nhập khẩu 95% xơ bông, 70% sợi tổng hợp, 40% sợi xơ ngắn, 40% vải dệt kim, 60% vải dệt thoi. Máy móc phục vụ ngành may cũng phải nhập từ nước ngoài. Nhưng không phải doanh nghiệp dệt may nào cũng xuất khẩu được để có nguồn thu ngoại tệ. Doanh nghiệp vay VNĐ để mua USD phải chịu chi phí cao hơn việc vay USD từ 3 - 4%, nhưng vẫn ráng “gồng”, nay lãi suất vay VNĐ cũng tăng thì chi phí vốn sẽ tăng theo. 
“Hàng Trung Quốc giá rẻ đang được nhập về ồ ạt. Nếu chúng tôi tăng giá bán sản phẩm thì không cạnh tranh được, còn nếu giữ giá thì doanh nghiệp lỗ, không biết tương lai công ty sẽ ra sao” - bà Mai nói. 
Trước lo lắng của các doanh nghiệp, ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM - thừa nhận, việc siết cho vay ngoại tệ sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến các doanh nghiệp xuất nhập khẩu. 

“Hiện các ngân hàng thương mại đều cung cấp công cụ phái sinh để đảm bảo doanh nghiệp muốn mua ngoại tệ trong tương lai được cung cấp theo hợp đồng kỳ hạn. Để đảm bảo nguồn cung USD ổn định, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu nên mua các hợp đồng kỳ hạn này” - ông Nguyễn Hoàng Minh hướng dẫn.  
Theo tiến sĩ Doãn Hữu Tuệ, với hợp đồng kỳ hạn này, các ngân hàng sẵn sàng bán USD cho doanh nghiệp với tỷ giá trong tương lai đã được định vào hôm nay. Ví dụ, hợp đồng ba tháng, ngày ký hợp đồng là 9/6/2019, nhưng đến ngày 9/9/2019 giá USD vẫn được tính theo ngày ký hợp đồng. Nhờ đó, doanh nghiệp sẽ không rơi vào tình trạng thiếu USD hoặc phải mua USD với giá cao. 

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI