Kỳ tích rừng Cần Giờ - Bài 1: Hành trình gieo mầm xanh trên vùng đất chết

10/04/2025 - 06:35

PNO - Nửa thế kỷ đã trôi qua từ ngày non sông liền một dải, cũng là chừng ấy thời gian con người lặng lẽ hàn gắn vết thương chiến tranh, dựng xây và hồi sinh những mảnh đất bị tàn phá. Cần Giờ - nơi từng bị bom đạn cày xới - nay đã là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Hành trình hồi sinh ấy là một kỳ tích, ghi dấu quyết tâm, sự đoàn kết của chính quyền, nhân dân TPHCM trong việc khôi phục và bảo vệ “lá phổi xanh” cho thành phố.

Trên vùng đất hoang tàn Cần Giờ, sau khi có chủ trương khôi phục rừng từ năm 1978, hàng ngàn con người đã ngày đêm bền bỉ vượt khó, vượt khổ, cắm từng trái đước xuống bùn sình. Không máy móc, họ chỉ có sự kiên trì và niềm tin mãnh liệt rằng rừng sẽ hồi sinh. Và cứ thế, rừng đước bạt ngàn dần nên hình, nên dạng…

Tầm nhìn của ông Sáu Dân

Trước năm 1964, rừng Sác (rừng Cần Giờ) là khu rừng nguyên sinh có diện tích 40.000ha với hệ động thực vật phong phú, đa dạng. Tuy nhiên, trong giai đoạn 1964-1968, hệ sinh thái nơi đây gần như bị hủy diệt hoàn toàn bởi bom đạn và chất độc hóa học trong chiến tranh.

Ở tuổi ngoài 80, tiến sĩ Lê Văn Khôi - nguyên Giám đốc Lâm trường Duyên Hải - vẫn nhớ rõ khung cảnh ám ảnh của rừng Sác sau chiến tranh: khắp nơi trơ trọi, hoang tàn, hầu như không còn bóng dáng sự sống. Năm 1978, khi huyện Cần Giờ (lúc đó là huyện Duyên Hải, thuộc tỉnh Đồng Nai) được sáp nhập vào TPHCM, lãnh đạo TPHCM đã hạ quyết tâm khôi phục hệ sinh thái rừng ngập mặn nơi đây. Trong năm đó, Lâm trường Duyên Hải được thành lập để triển khai ngay việc trồng rừng.

Lúc bấy giờ, có nhiều luồng ý kiến về việc nên trồng cây gì. Có người đề xuất trồng dừa để biến Cần Giờ thành “rừng dừa Bến Tre thứ hai”, có người hiến kế trồng cỏ để chăn nuôi hoặc trồng cây công nghiệp. Tuy nhiên, tuân thủ nguyên tắc “đất nào cây nấy”, các nhà khoa học lâm nghiệp TPHCM kiên quyết bảo vệ quan điểm phục hồi hệ sinh thái rừng ngập mặn. Quan điểm này nhận được sự đồng tình của lãnh đạo thành phố, nhất là ông Võ Văn Kiệt (Sáu Dân) - Bí thư Thành ủy TPHCM lúc đó.

Người dân TPHCM tham gia trồng rừng Cần Giờ sau năm 1978 - Ảnh tư liệu
Người dân TPHCM tham gia trồng rừng Cần Giờ sau năm 1978 - Ảnh tư liệu

Là người trực tiếp phác thảo và điều hành chương trình tái sinh rừng ngập mặn Cần Giờ trong hơn 20 năm, ông Lê Văn Khôi ấn tượng mãi về tầm nhìn xa và sự quyết liệt của ông Sáu Dân. Trong bối cảnh khó khăn sau giải phóng, ông Sáu Dân đã không chỉ lo cho trước mắt mà còn nhìn về tương lai, quyết tâm khôi phục hệ sinh thái ngập mặn Cần Giờ để biến nó thành “lá phổi xanh” cho thành phố.
Ông Lê Văn Khôi kể: “Một đêm, khoảng 11 - 12g khuya, ông Sáu Dân gọi tôi đến nhà. Vừa đến nơi, tôi đã thấy ông trải bản đồ huyện Duyên Hải ra bàn, ánh mắt đầy trăn trở. Ông hỏi tôi về kế hoạch trồng rừng, tôi báo cáo và xin trồng thử 100 - 200ha/năm để rút kinh nghiệm. Nghe vậy, ông Sáu Dân lập tức gạt đi: “Trồng 100ha thì chừng nào mới xong!”, rồi yêu cầu phải tăng lên 4.000 ha/năm, thiếu nhân lực, vật tư đến đâu thì lãnh đạo thành phố sẽ lo đến đó”.
Ngay sau đó, Thành ủy và UBND TPHCM quyết định khôi phục hơn 30.000ha rừng Sác trong 20-30 năm nhằm cải thiện môi trường sinh thái, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân. Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo thành phố mà đứng đầu là ông Sáu Dân, chiến dịch trồng rừng được triển khai sôi nổi, huy động cả hệ thống chính trị và nhân dân cùng chung sức. Ngay mùa trồng rừng đầu tiên, chính quyền đã huy động được 6.000-8.000 người dân, hàng trăm kỹ sư lâm trường, cán bộ các nông trường và 250 thanh niên xung phong ngày đêm miệt mài phủ xanh từng tấc đất.

Rừng Cần Giờ hôm nay đã trở thành  “lá phổi xanh” của TPHCM và khu vực - ẢNH: K.O.
Rừng Cần Giờ hôm nay đã trở thành “lá phổi xanh” của TPHCM và khu vực - Ảnh: K.O.


Viết nên kỳ tích trong muôn vàn gian khó

Ông Nguyễn Đình Cương - khi ấy là Phó giám đốc Lâm trường Duyên Hải - nhớ lại những ngày tháng gian nan trồng rừng: “Hồi đó làm gì có đường sá, đi lại hoàn toàn bằng đường thủy, phương tiện thô sơ, khó khăn, cách trở lắm. Đoàn kỹ sư chúng tôi đi từ 2 - 3g sáng mà đến chiều tối mới tới rừng, ở hàng tháng trời giữa rừng để đo đạc, thiết kế bãi trồng, thu mua trái giống, hướng dẫn người dân trồng rừng. Lúc đó, ai cũng trẻ, tràn đầy nhiệt huyết, chỉ biết nỗ lực cống hiến, chẳng quản khó nhọc”.

Do quyết tâm trồng 3.000-4.000 ha/năm, lãnh đạo lâm trường ước tính mỗi năm cần 1.500-2.000 tấn trái giống. Mỗi mùa trồng rừng, các kỹ sư lại đi ghe tới các nông trường Năm Căn, Ngọc Hiển, Tam Giang, Đất Mũi của tỉnh Minh Hải (nay thuộc tỉnh Cà Mau) tìm trái giống. Họ vào tận nông trường, cùng bà con nhặt từng trái đước, đóng bao, mang vác lên ghe, tưới nước để bảo quản trái suốt hành trình.

Đoạn đường sông dài chỉ 300km nhưng mỗi chuyến phải mất 2 tuần mới về đến nơi. Ban đầu, họ đi ghe lớn chở cả trăm tấn mỗi chuyến, nhưng do di chuyển lâu nên có chuyến hư gần phân nửa số trái. Rút kinh nghiệm, họ chuyển sang ghe nhỏ, mỗi chuyến chỉ chở 50-60 tấn, giảm hư hao nhưng buộc phải đi nhiều lần hơn. Cứ thế, hàng chục lượt đi về mỗi mùa, họ ăn, ngủ, sinh hoạt đằng đẵng trên sông nước.

Là 1 trong 250 thanh niên xung phong đầu tiên tham gia trồng rừng từ tháng 8/1978, tiến sĩ Lê Đức Tuấn - nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển rừng ngập mặn Cần Giờ - cho hay, lâm trường lúc đó được cấp cho mảnh đất trống vốn là khu nghĩa địa cũ, không nhà cửa, phải lấy cây, lá để cất tạm lán trại. Muỗi mòng, sâu bọ nhiều vô kể. Ăn uống kham khổ. Nước ngọt quý hơn vàng, anh em chắt chiu từng giọt.

Việc trồng rừng phụ thuộc vào con nước. Mỗi khi con nước lên, hàng trăm thuyền ghe đua nhau từ các xã vào rừng, chờ con nước rút, lộ ra bãi bồi để trồng rừng. Thời ấy, phong trào thi đua trồng rừng diễn ra sôi nổi trên những bãi đầm lầy hoang hóa. Người dân hăng hái xắn quần lội bùn, cắm từng trái đước xuống đất, không quản muỗi, bọ bu kín người. Các kỹ sư lâm nghiệp bám rừng ngày đêm, tính toán từng con nước để cây được trồng đúng thời điểm, có cơ hội sống sót cao nhất. Thời gian làm việc của họ bất định theo con nước, có ngày trồng dưới cái nắng cháy da, có hôm phải thức trắng đêm trong những cơn gió buốt lạnh thốc từ biển vào. Có những người đã nằm lại giữa rừng do sốt rét ác tính hay tai nạn bất ngờ giữa dòng nước xiết.

Ông Lê Đức Tuấn đặc biệt ấn tượng với hình ảnh phụ nữ, trẻ em đi trồng rừng: “Ở xã Thạnh An, khi có phụ nữ và trẻ em cùng trồng rừng thì năng suất tăng bất ngờ, đứng đầu các xã với hơn 1.000ha/năm. Bởi phụ nữ di chuyển trên bùn sình nhanh nhẹn, linh hoạt hơn đàn ông, còn trẻ em thì có sáng kiến dùng ván trượt để vận chuyển trái giống nhanh hơn”.

Sau 2 tháng, trái đước mọc 2-4 lá đầu tiên, người trồng rừng như vỡ òa niềm vui khi thấy màu xanh bắt đầu lan rộng. Tỉ lệ cây sống ở nhiều khu lên đến 95 - 100%, nhưng nhiều chỗ do hậu quả chất độc hóa học nên cây bị chết, họ phải trồng đi, trồng lại. Ông Lê Đức Tuấn xúc động: “Kiên trì chỉ bằng sức người như vậy, thế mà ngay năm đầu tiên, cán bộ, kỹ sư và người dân đã trồng được 4.000ha, biến mục tiêu tưởng chừng bất khả thi của ông Sáu Dân thành hiện thực. Sau 3 năm, khi những khoảnh rừng đầu tiên khép tán, anh em chúng tôi đã trào nước mắt, hạnh phúc không nói thành lời”.

“Chào thế hệ thứ tư anh hùng!”

Ông Lê Đức Tuấn kể, năm 1980, sau khi trồng được trên 12.000ha rừng, đích thân ông Võ Văn Kiệt đã đến thăm rừng. Ông ôm từng kỹ sư của Lâm trường Duyên Hải để bày tỏ sự khen ngợi và nói: “Chào thế hệ thứ tư anh hùng!”. Bấy giờ, “thế hệ thứ tư” là cách ông Võ Văn Kiệt gọi lớp thanh niên sau ngày đất nước thống nhất, như một lời gửi gắm tin yêu, khơi dậy tự hào và thôi thúc họ góp sức dựng xây quê hương từ tro tàn chiến tranh.

Trước năm 1975, các nhà sinh thái học Mỹ nhận định, để khôi phục hệ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ, phải mất 100 năm. Thế nhưng, chỉ trong 20 năm, từ 1978-1998, hơn 30.000ha rừng Cần Giờ đã được phục hồi.

Đầu năm 2000, rừng Cần Giờ được Ủy ban Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Ông Nguyễn Đình Cương cho rằng, kỳ tích ấy là thành quả của lãnh đạo Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM. Rừng Cần Giờ đã hồi sinh từ tầm nhìn xa trông rộng, tư duy dám nghĩ dám làm của người lãnh đạo và từ những bàn tay lấm bùn của người dân.

Kỳ tới: Những thế hệ gửi trọn thanh xuân cho rừng

Phương Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI