Kỳ thi THPT quốc gia: Hơn 11.200 thí sinh bỏ thi trong ngày thứ 3

04/07/2016 - 10:25

PNO - Trong ngày thi thứ ba có 66 TS vi phạm kỷ luật. Bộ GD-ĐT nhận định, ngày thi thứ ba về cơ bản diễn ra an toàn, trật tự, nghiêm túc, đúng quy chế.

Ky thi THPT quoc gia: Hon 11.200 thi sinh bo thi trong ngay thu 3
Trong ngày thi thứ ba có 66 TS vi phạm kỷ luật - Ảnh minh họa: Internet

Ngày 3/7, các thí sinh (TS) bước sang ngày thi ngày thứ ba với hai môn địa lý và hóa học. Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, tổng số TS đăng ký dự thi môn địa lý là 436.534 (cụm thi tốt nghiệp: 218.479 và cụm thi đại học: 218.055), số đến dự thi là 430.631, đạt tỷ lệ 98.65% (cụm thi tốt nghiệp: 216.567, đạt 99.12%; cụm thi đại học: 214.064, đạt 98.17%). Môn hóa học có 347.307 TS đăng ký dự thi (cụm thi tốt nghiệp: 24.694 và cụm thi đại học: 322.613), số đến dự thi là 341.985, đạt tỷ lệ 98.47% (cụm thi tốt nghiệp: 24.314, đạt 98.46%; cụm thi đại học: 317.671, đạt 98.47%). Như vậy, có 11.225 TS bỏ thi trong ngày thi thứ ba. Trong ngày thi thứ ba có 66 TS vi phạm kỷ luật (trong đó 7 TS bị khiển trách, 6 cảnh cáo, 53 đình chỉ). Bộ GD-ĐT nhận định, ngày thi thứ ba về cơ bản diễn ra an toàn, trật tự, nghiêm túc, đúng quy chế.

Nhận xét về đề thi hóa năm nay, thầy Nguyễn Hoàng Lâm, giáo viên môn hóa, Trường THPT Yên Hòa (Hà Nội) cho rằng, đề thi “mềm” hơn so với năm 2015. Phổ điểm trung bình sẽ từ 7,5 - 8. Số điểm 10 sẽ tăng so với năm 2015. Tuy đề thi có nhiều câu hỏi ứng dụng nhưng đều rơi vào câu dễ. Các câu khó đều sử dụng nhiều phương pháp trong một bài như bảo toàn khối lượng, bảo toàn nguyên tố, quy đổi. Đề thi năm nay không xuất hiện câu hỏi lạ, tránh được tình trạng học lệch (cấu trúc trải rộng kiến thức lớp 12) và học thuộc lòng.

Đề cũng duy trì được việc lồng ghép kiến thức, truyền tải thông tin đa dạng, đòi hỏi TS vận dụng kiến thức liên môn (lý - hóa). Theo thầy Nguyễn Cửu Phúc, tổ trưởng môn hóa, Trường THPT Nguyễn Công Trứ (TP.HCM), đề hóa có cấu trúc quen thuộc, 30 câu đầu TS dễ giành được điểm trọn vẹn; 20 câu còn lại kiểm tra mức độ vận dụng của TS từ trung bình đến nâng cao. Đề có sự phân hóa khá tốt từ trung bình đến khá giỏi vì có một số câu rất khó ở cả hóa hữu cơ và vô cơ.

Nhận xét về đề thi, nhiều giáo viên môn địa lý đánh giá đề tương đối dễ, phần lớn nằm trong chương trình ôn tập và có sự phân hóa tốt. Ba câu đầu dành cho TS trung bình - khá, câu 4 dành để phân loại TS, chỉ những TS nắm được kiến thức và biết cách vận dụng mới đạt điểm cao. Tiến sĩ Vũ Đình Hòa, giảng viên Học viện Chính sách và Phát triển cho rằng, đề thi địa lý hợp lý cả về kiến thức và kỹ năng, thích hợp để vừa xét tốt nghiệp vừa xét tuyển vào đại học.

Đề có cấu trúc rõ ràng, đảm bảo đầy đủ kiến thức cơ bản, nằm hoàn toàn trong chương trình Địa lý lớp 12, giảm được việc học thuộc lòng của TS. Đề địa lý có nhiều nội dung gắn với các vấn đề đang xảy ra như hiện tượng xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long, tạo được hứng thú cho TS. So với đề thi năm 2015, đề thi năm nay có mức độ phân hóa cao hơn. Các TS thi để xét tốt nghiệp có thể làm được 60 - 70% đề, nhưng để lấy điểm 8, 9 trở lên phải là học sinh khá giỏi.

Trong buổi thi môn địa lý tại khu vực phía Nam có 11 trường hợp TS bị đình chỉ do mang tài liệu vào phòng thi. Cụm thi của Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM tổ chức tại Gia Lai có ba TS mang tài liệu vào phòng thi bị giám thị lập biên bản đình chỉ thi. Tương tự, cụm thi ở Bạc Liêu do Trường ĐH Cần Thơ chủ trì cũng đình chỉ ba TS vì lỗi này. Ngoài ra, các cụm thi Trường ĐH Đồng Tháp tổ chức tại Đồng Tháp; cụm thi Trường ĐH Nha Trang tổ chức; cụm thi Trường ĐH Kinh tế - Luật tổ chức tại Bình Dương; cụm thi Trường ĐH Luật TP.HCM tại Bến Tre và cụm thi Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật tại Bình Thuận đều có TS bị đình chỉ do lỗi tương tự.

Hôm nay, TS sẽ thi ngày cuối với hai môn lịch sử và sinh học.

Dung Nhi - Tiêu Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI