Kỳ án Hồ Duy Hải: “Cả nhà đang đợi tin mừng của Hải”

04/05/2020 - 07:31

PNO - Trong suốt cuộc nói chuyện, bà Loan - mẹ tử tù Hồ Duy Hải - liên tục nhấn mạnh về niềm tin của mình, rằng con trai bà sẽ được về nhà sau phiên tòa giám đốc thẩm diễn ra từ ngày 6 - 8/5 tới đây tại Hà Nội.

Bà nói “tràn trề tin tưởng”, “nhứt định Hải sẽ được trả tự do, cả nhà đang đợi Hải về, để cất nhà, ổn định cuộc sống”. Bà không muốn nhắc đến điều xấu nhất. 12 năm ròng rã đi kêu oan cho con, người mẹ này không cho phép mình nghĩ khác. 

Trước “phiên tòa lịch sử” mấy ngày, chúng tôi về xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An gặp bà Nguyễn Thị Loan - 57 tuổi, mẹ của tử tù Hồ Duy Hải. Hải bị kết án tử hình sau vụ án mạng chấn động cả nước, xảy ra ở Bưu điện Cầu Voi ngày 14/1/2008. Một số người dân cho biết: “Bả bán nhà lâu rồi, làm gì còn nhà ở đây nữa”. Chúng tôi phải loay hoay một vòng mới tìm được đúng người cần gặp. Hóa ra, sau khi bán căn nhà cũ để lấy tiền trang trải cho hành trình 12 năm kêu oan, mẹ và em gái Hồ Duy Hải ở nhờ nhà anh trai của bà Loan. 

Hải cùng bà ngoại khi chưa xảy ra vụ án (ảnh do gia đình Hải cung cấp)
Hải cùng bà ngoại khi chưa xảy ra vụ án (ảnh do gia đình Hải cung cấp)

Đó là một căn nhà nằm bên một cánh đồng, nối thông ba nhà khác, mấy anh em bên ngoại ở cạnh nhau thành đại gia đình. Suốt những năm qua, người đồng hành với bà Loan đi kêu oan thường xuyên nhất là bà chị gái tên Rưỡi, 63 tuổi.

Đợt này, bà Rưỡi bệnh nên bà Len - em gái bà Loan - đi cùng. Những người còn lại ở nhà, cắt cử mỗi người một nhiệm vụ, người lo cơm nước, người lo giấy tờ, đơn thư… Hôm chúng tôi đến, vừa lúc bà Loan mới đi Hà Nội về được mấy ngày.

Có lẽ không cần phải nhắc lại những “trần ai dâu bể”, cay đắng của một người mẹ ròng rã 12 năm đi kêu oan cho con. Gặp chúng tôi, bà Loan rạng rỡ, mở đầu câu chuyện bằng thông tin có một phần đất trống được ông bà ngoại cho kế bên, cả nhà đang chờ Hải về để cất nhà, lấy vợ, ổn định cuộc sống. “Phiên tòa giám đốc thẩm tới, gia đình tui ai cũng tin sẽ tốt đẹp cả thôi. Hải sẽ được minh oan để về với gia đình” - bà Loan nói với giọng vui hơn thường ngày.

Run bần bật vì nhận tin vui 

Án mạng Cầu Voi là một trong những vụ án hình sự nổi tiếng và phức tạp nhất của Việt Nam, thậm chí chưa từng có tiền lệ trong lịch sử của ngành tư pháp. Đến nay, 12 năm đã trôi qua, với biết bao lần gia đình “đau tim”, “chết đi sống lại” (cách nói của bà Loan), Hồ Duy Hải vẫn đang tù tội, vụ án vẫn mịt mù. 

“Nhỡ điều tồi tệ nhất xảy ra thì sao?” - chúng tôi mang câu hỏi có phần lạnh lùng đó bật ra trước một người mẹ nhỏ bé đang héo mòn vì đứa con mà bà rứt ruột đẻ ra, đứa con mà bà tin rằng không phải là thủ phạm giết người, đứa con mà mới nghe thiên hạ phong thanh rằng nó đã chết, từ một người đàn bà nông dân hiền lành, bà trở nên hung dữ, làm mọi thứ chỉ để nhìn thấy mặt nó, đứa con mà mỗi lần nghe ti vi nhà ai đó đang mở bóng đá, lòng bà thắt lại bởi “ngày xưa, nó cũng mê bóng đá lắm”. 

Nhỡ điều tồi tệ nhất xảy ra thì sao? “Vì con mình bị oan, không việc gì mà tụi tui lại không tự tin cả. Tui nghĩ điều tồi tệ nhứt không thể xảy ra, mà tui cũng không chấp nhận điều đó. Nếu xảy ra, chắc chỉ còn nước chết, vì sống cũng không còn ý nghĩa gì nữa. Vụ án bước sang năm thứ 13, quá sức chịu đựng của một người mẹ và cả nhà tui.

Hơn 2.000 bộ hồ sơ, đơn từ đã được gửi đi chứ có ít gì cô ơi. Và còn vì sau rất nhiều năm, các cấp có thẩm quyền đã lắng nghe người dân, gia đình rất lấy làm trân trọng. Vì vậy mới có phiên giám đốc thẩm tới đây. Những gì đã qua, gia đình cũng không muốn nhắc lại làm gì. Con người ai cũng có sai sót. Ai ăn cơm cũng đổ mà” - bà Loan vừa nói, vừa lần mở đống hồ sơ, chỉ vào những dấu hiệu bất thường của quá trình điều tra vụ án như tìm mọi cách để dẫn giải cho cái niềm tin bé mọn mà bà gọi là tuyệt đối đó. “Hồ Duy Hải bị oan, nhứt định sẽ được về nhà sau phiên tòa sắp tới”.

Khi Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ban hành quyết định không kháng nghị vụ án, trước thi hành án một ngày (5/12/2014), Văn phòng Chủ tịch nước thông báo đã nhận được đơn kêu oan của mẹ bị cáo Hồ Duy Hải, đồng thời yêu cầu tạm dừng thi hành án. Tới ngày 22/11/2019, có thông báo kháng nghị giám đốc thẩm vụ án để điều tra lại và phiên tòa sẽ diễn ra vào ngày 6/5 tới. Hỏi bà giữa ba mốc thời gian này, mốc nào là vui nhất, bà nói: “Tất nhiên, phiên tòa giám đốc thẩm tới đây là vui nhứt rồi”.

Luật sư Trần Hồng Phong - người đã đồng hành với gia đình bà Loan ngần ấy thời gian trong vụ án này - rất hiếm khi gọi điện thoại vào buổi sáng, nên sáng 28/4, bà Loan hơi bất ngờ. “Ngoài Tòa án nhân dân tối cao chuyển giấy mời tôi dự phiên giám đốc thẩm vào ngày 6 - 8/5 này. Tôi báo cho chị mừng”. Cuộc nói chuyện chỉ vài câu ngắn gọn, dài chưa đầy 2 phút nhưng khiến bà Loan bật khóc, chân tay run bần bật vì tin vui quá lớn. 

12 năm qua, số hồ sơ, đơn từ kêu oan gửi đi nhiều không đếm xuể
12 năm qua, số hồ sơ, đơn từ kêu oan gửi đi nhiều không đếm xuể

Mong một ngày về

Với bà Loan, Thủy, bà Rưỡi, bà Len... các mốc thời gian 14/1/2008, 21/3/2008, 1/12/2008, 28/4/2009, 24/10/2011, 4/12/2014, 5/12/2014, 22/11/2019 và cả ngày 6 - 8/5 tới là “từng nhát dao cứa vào lòng, in vào óc”. Xen lẫn với đó là bao sự thấp thỏm, thở dài, tuyệt vọng, âu lo, hy vọng… và xen vào những mốc thời gian đó, suốt 12 năm, còn hàng loạt biến cố xảy ra với gia đình này mà chỉ những người trong cuộc mới hiểu. 

Khi Hồ Duy Hải bị bắt, bà ngoại Hải còn khỏe, minh mẫn, có thể ra vườn hái rau, nấu cơm, đi thăm cháu trong trại. Nhưng ngày chúng tôi về Thủ Thừa, bà đã ngoài 90 tuổi, nằm một chỗ, không đi đứng được. Thủy - em gái Hồ Duy Hải - ngậm ngùi kể: “Ngoại nói, chỉ mong trời cho tui sống để tui ôm cháu vào lòng, rồi trời bắt tui đi, tui cũng thỏa lòng”.

Còn Thủy thì sao? “Em đợi anh trai về rồi mới tính chuyện lấy chồng”. Năm Hồ Duy Hải bị bắt, cô mới 16 tuổi. Sau đó, chứng kiến cảnh tù tội của anh và hành trình của mẹ, cũng như những áp lực khác, Thủy quyết định nghỉ việc tại bệnh viện, ở nhà phụ mẹ kêu oan. Bà Len nói: “Không chỉ Hải mất 12 năm thanh xuân mà em gái nó cũng vậy”. 

Chúng tôi hỏi bà Loan đã bao giờ bà nhìn lại và tự hỏi, sao bà có thể bền bỉ đi suốt 12 năm kêu oan cho con như thế. Bà nói, sau cơn mưa, trời lại sáng. Nghĩ vậy mới có thể đi tiếp, đi miết như vậy. Không chỉ mình bà mà cả gia tộc, 12 năm đó là 12 năm cả gia đình “tiếp sức nhau đi”.

Trong buổi nói chuyện, bà Loan, Thủy và bà Len không nhắc đến hai chữ “tử hình”. Họ như muốn tránh ra, không đụng vào cái phần phập phồng âu lo nhất đó. Bà Loan nói, bà còn không dám nghĩ đến hai chữ đó. Nghe nhắc là thắt nghẹn. Những ngày này, bà chỉ có tin tưởng và tin tưởng. Rằng “nhứt định, con trai tui sẽ sớm được trở về”.

Chúng tôi ghé lại Bưu điện Cầu Voi - nơi xảy ra thảm án 12 năm trước. Đối lập với cảnh xe cộ tấp nập từ sáng đến đêm trên quốc lộ, nơi này dường như một mình một phách. Hiện công trình này đang bị bỏ hoang, khóa cổng đã gỉ sét, dây leo quấn cả cổng, cỏ dại mọc um tùm hai bên. Một pa-nô rao vặt chăng lên, cũng đã mờ nhạt theo năm tháng. Bên trái cổng chính có đặt một bát hương và một lọ hoa. Đi ra phía sau, khung cảnh cũng vắng lặng không kém.

Những gì còn lại sau ngày 14/1/2008 kinh hoàng đó chỉ còn chiếc quầy gỗ bưu điện cũ nát. Ngay sau cánh cửa, nơi phát hiện ra xác hai nạn nhân khi xưa, cửa nhà vệ sinh đã hỏng, gió lùa vào thông thốc, bồn rửa và bồn cầu ngổn ngang trên mặt sàn. Cách đó không xa là hai ngôi mộ chôn cất hai cô gái xấu số. Tất cả liên quan đến nhau trong một vòng tròn số phận nghiệt ngã, nhưng đến nay vẫn chưa có một câu trả lời.

* * *

Cuộc gặp gỡ giữa chúng tôi cùng với người thân của Hải liên tục bị gián đoạn. Những ngày này, chiếc điện thoại của bà Loan không ngừng nhận các cuộc gọi chúc mừng. Bà Loan cho biết, phần lớn là những cuộc gọi mà bà không biết ai bên kia đầu dây. Họ dõi theo vụ án, biết tin vui nên chung vui.

Án tại hồ sơ. Có nhiều dấu hiệu bất thường trong quá trình điều tra đã được luật sư chỉ ra và nhiều tờ báo đã đăng tải. Nhưng có lẽ, có một thứ mạnh mẽ hơn hết thảy chính là bản năng, là niềm tin rắn chắc của những người đàn bà mà chúng tôi trò chuyện. Phiên tòa lịch sử kia sắp diễn ra. Tất cả đều đếm từng ngày. 

Kỳ án Hồ Duy Hải

Sáng 14/1/2008, thông tin hai nữ nhân viên của Bưu điện Cầu Voi bị sát hại dã man ngay tại nơi làm việc gây chấn động dư luận. Ngày 21/3/2008, cơ quan điều tra khởi tố, bắt tạm giam Hồ Duy Hải. Sau đó, Hải đều nhận bản án tử hình ở cả hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm về tội giết người và cướp tài sản.

Gia đình Hải liên tục kêu oan cho con. Ngày 24/10/2011, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) tối cao ban hành quyết định không kháng nghị vụ án, Tòa án nhân dân tỉnh Long An cho biết sẽ tổ chức thi hành án. Gia đình Hải trình đơn đề nghị tạm dừng thi hành án để có thời gian kêu oan. Ngày 4/12/2014, Văn phòng Chủ tịch nước thông báo đã nhận được đơn kêu oan của mẹ bị án Hồ Duy Hải, yêu cầu tạm dừng thi hành án. Ngày 22/11/2019, Viện KSND tối cao kháng nghị giám đốc thẩm vụ án để điều tra lại.

Theo các luật sư và kháng nghị giám đốc thẩm của Viện KSND tối cao, bản án sơ thẩm và phúc thẩm nêu những nhận định và kết luận chưa phù hợp với tình tiết khách quan. Vụ án vẫn còn nhiều câu hỏi chưa có lời giải, một số tình tiết chưa được làm rõ, bị sửa chữa và biến mất khỏi hồ sơ vụ án.

Cụ thể, cơ quan điều tra đã giám định dấu vân tay của Hồ Duy Hải, so sánh với dấu vân tay của hung thủ thu giữ được tại hiện trường vụ án nhưng kết luận giám định ngày 11/4/2008 là: “Các dấu vân tay thu giữ tại hiện trường vụ án không trùng khớp với 10 ngón tay của Hồ Duy Hải”. Đây chính là chứng cứ ngoại phạm của Hồ Duy Hải nhưng kết quả giám định dấu vân tay này đã bị rút ra khỏi hồ sơ vụ án. Dù vậy, tại phiên tòa sơ thẩm, đại diện Viện KSND tỉnh Long An đã nói dối rằng “dấu vân tay không giám định được”. 

Bên cạnh đó, cơ quan điều tra đã ngụy tạo vật chứng, con dao gây án. Sau khi bắt giam Hồ Duy Hải, cơ quan điều tra đã cử người ra chợ mua một con dao và dùng làm chứng cứ buộc tội. Hồ sơ vụ án bị rút nhiều tài liệu, chứng cứ quan trọng, chẳng hạn như lời khai đầu tiên ngày 20/3/2008 của Hải là không nhận tội nhưng tài liệu này không được đưa vào hồ sơ vụ án; Nguyễn Văn Nghị là người yêu của một trong hai nạn nhân, là nhân chứng và thậm chí có thể là một nghi can nhưng toàn bộ thông tin của Nghị đã bị rút ra khỏi hồ sơ vụ án một cách bất thường.

Cáo trạng vụ án ghi: “Nhân chứng Đinh Vũ Thường phát hiện thấy Hồ Duy Hải ngồi trong bưu điện” tại thời điểm gây án. Đinh Vũ Thường là nhân chứng quan trọng nhưng khi xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, tòa án không triệu tập nhân chứng này tham gia phiên tòa. Trong khi đó, trong biên bản ghi lời khai, nhân chứng Thường chỉ khai “nhìn thấy một thanh niên và không thể nhận diện được”. 

Viện KSND tối cao xác định, cơ quan điều tra đã bỏ sót nhiều chứng cứ, không đưa một số lời khai của một số người làm chứng vào hồ sơ vụ án, dẫn đến sai lầm trong việc giải quyết vụ án; một số biên bản nhận dạng không có người chứng kiến, một số biên bản ghi lời khai, biên bản hỏi cung có sửa chữa nhưng không có chữ ký xác nhận của người khai; không trưng cầu giám định ngay dấu vết máu thu được khi khám nghiệm hiện trường mà để bốn tháng sau mới giám định nên không xác định được nhóm máu do các thi thể đã bị phân hủy…

Đậu Dung - Tuyết Dân

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(3)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI